Công bố FTA Index: Tỉnh, thành nào làm tốt công tác truyền thông FTA?

(Banker.vn) Theo bảng xếp hạng công bố FTA Index, Ninh Bình là tỉnh có điểm số tuyên truyền FTA cao nhất cả nước, đạt 8,30/10 điểm.
Công bố FTA Index: Top 10 tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: FTA Index không chỉ để 'so sánh' mà là động lực thúc đẩy thực thi FTA tốt hơn Bước chuyển mình của 10 tỉnh dẫn đầu FTA Index 2024

Chiều 8/4, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương - FTA Index năm 2024.

FTA Index - Bộ chỉ số đầu tiên của Việt Nam chấm điểm năng lực thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tại 63 tỉnh, thành vừa được Bộ Công Thương công bố.

Đây không chỉ là công cụ đo lường mà là "tấm gương phản chiếu" về mức độ hội nhập của từng địa phương.

Công bố FTA Index: Tỉnh, thành nào làm tốt công tác truyền thông FTA?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc lễ công bố Bộ chỉ số FTA Index

Chấm điểm tỉnh về truyền thông FTA

Trong FTA Index, chỉ số "Tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA" là thành phần đầu tiên trong bộ tiêu chí, nhằm đo lường mức độ: Tổ chức các hoạt động truyền thông FTA; Mức độ truy cập thông tin FTA tại địa phương; Chất lượng tài liệu, sự kiện, kênh truyền thông; Hiệu quả tiếp cận thông tin từ góc nhìn doanh nghiệp.

Theo khảo sát từ hơn 3.000 doanh nghiệp, có đến 59,3% doanh nghiệp cho biết, tiếp cận thông tin FTA chủ yếu qua Sở Công Thương - cơ quan đầu mối tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông (23%) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (19,5%).

Tuy nhiên, điều đáng nói là vẫn có hơn 40% doanh nghiệp không thường xuyên tiếp cận được thông tin về FTA, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long phát biểu đề dẫn tại sự kiện
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu đề dẫn tại sự kiện

Về hình thức giúp doanh nghiệp biết đến thông tin về FTA, nhiều nhất là báo chí, truyền hình (64,5%) và website (51,1%). Các hội nghị, hội thảo (44%) và đào tạo, tập huấn (31,5%) cũng được đánh giá là những kênh truyền thông thông tin hiệu quả.

Trong khi đó, hình thức ấn phẩm bản in chỉ chiếm tỷ lệ thấp (7,2%), cho thấy xu hướng số hóa thông tin ngày càng phổ biến hơn trong tiếp cận thông tin FTA.

Những hình thức trực tiếp như hội thảo, tập huấn chiếm tỷ lệ khiêm tốn (lần lượt là 44% và 31,5%). Đáng lưu ý, chỉ 17,2% doanh nghiệp truy cập thường xuyên các cổng thông tin điện tử về FTA; trong khi 22,1% hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của các kênh này.

Về chất lượng cung cấp thông tin của cơ quan quản lý được đánh giá tích cực. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chất lượng cung cấp thông tin theo tiêu chí "đáp ứng một phần" của cơ quan Trung ương là 90,7% và cơ quan quản lý nhà nước địa phương là 91,3%.

Tuy nhiên, ở tiêu chí "đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của doanh nghiệp" thì tỷ lệ này chỉ khiêm tốn tương ứng ở mức 14,2% và 15,8%.

Có 26,2% doanh nghiệp trả lời họ thường xuyên nhận được thông tin dự báo, định hướng xuất nhập khẩu do cơ quan quản lý nhà nước địa phương cung cấp và 41,2% doanh nghiệp cho biết thỉnh thoảng nhận được thông tin. Trong khi đó, mức độ rất thường xuyên nhận được thông tin chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 4,3%.

Công bố FTA Index: Tỉnh, thành nào làm tốt công tác truyền thông FTA?
Đông đảo các đại biểu tham dự lễ công bố Bộ chỉ số FTA Index

Về mức độ tham gia vào các sự kiện liên quan đến các FTA của doanh nghiệp, kết quả điều tra cho thấy 12,4 % doanh nghiệp trả lời "rất thường xuyên" và "thường xuyên" tham gia.

Các sự kiện phổ biến tuyên truyền thông tin do các cơ quan quản lý tổ chức, có 35,3% doanh nghiệp trả lời "thỉnh thoảng tham gia", có 16,6% doanh nghiệp trả lời "hiếm khi", có 35,6% doanh nghiệp trả lời "không tham gia các sự kiện này".

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (doanh nghiệp FDI), các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng tham gia nhiều hơn các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Về chất lượng các sự kiện phổ biến tuyên truyền, các doanh nghiệp đánh giá khá tích cực. Về các khía cạnh chủ đề, diễn giả, nội dung và tài liệu, tỷ lệ đánh giá ở mức tốt và rất tốt tương ứng là 66%, 74%, 61%, 71%.

Về cán bộ chuyên trách nghiên cứu và tìm hiểu về các FTA của doanh nghiệp, chỉ 4,5% doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách FTA; 41,5% có cán bộ kiêm nhiệm; và 54% không có cán bộ phụ trách. Doanh nghiệp FDI là nhóm có tỷ lệ cán bộ chuyên trách cao nhất (6,3%), ngược lại với doanh nghiệp ngoài nhà nước với tỷ lệ không có cán bộ chuyên trách chiếm 56,7%.

Tỉnh, thành nào làm tốt công tác truyền thông FTA?

Theo bảng xếp hạng, Ninh Bình là tỉnh có điểm số tuyên truyền FTA cao nhất cả nước, đạt 8,30/10 điểm, vượt trội ở tất cả các khía cạnh: tổ chức sự kiện, truyền thông đa kênh, kết nối thông tin hiệu quả với doanh nghiệp.

Tiếp sau đó là Quảng Bình (8,2 điểm), Thanh Hóa (7,80 điểm), Cà Mau (7,62 điểm), Hà Giang (7,47 điểm) và Quảng Ninh (7,43 điểm), Thái Nguyên (7,36 điểm), Điện Biên (7,35 điểm), Long An (7,26 điểm), Bạc Liêu (7,23 điểm).

Các tỉnh này không chỉ tổ chức sự kiện phổ biến FTA đều đặn, mà còn xây dựng hệ sinh thái truyền thông đa kênh: từ bản tin điện tử, tài liệu ngành hàng, hội thảo chuyên đề đến truyền hình và nền tảng số.

Đáng chú ý, Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh xây dựng được hệ thống dữ liệu và truyền thông FTA riêng biệt gắn với đặc thù công nghiệp và xuất khẩu của địa phương.

Công bố FTA Index: Tỉnh, thành nào làm tốt công tác truyền thông FTA?
Bảng xếp hạng Top 10 tỉnh có chỉ số thành phần tiếp cận thông tin các FTA cao nhất

Ở chiều ngược lại, FTA Index cũng chỉ rõ có khoảng 30 địa phương có điểm số dưới 6. Trong đó, 10 địa phương có điểm số tuyên truyền FTA thấp nhất gồm: Đồng Tháp (2,75 điểm), Quảng Trị (4,37 điểm), Hà Tĩnh (4,83 điểm), Hà Nam (4,93 điểm), Kon Tum (5,01 điểm), Yên Bái (5,02 điểm), Bắc Ninh (5,10 điểm), Ninh Thuận (5,10 điểm), Gia Lai (5,16 điểm), Đà Nẵng (5,18 điểm).

Các tỉnh này hầu như không có đầu mối chuyên trách về FTA tại Sở Công Thương, không cập nhật thông tin thị trường định kỳ, chưa xây dựng chuyên mục FTA trên cổng thông tin điện tử, và chỉ tổ chức hội thảo hoặc chương trình FTA một cách rời rạc, không gắn với nhu cầu doanh nghiệp.

Công bố FTA Index: Tỉnh, thành nào làm tốt công tác truyền thông FTA?
Bảng xếp hạng Top 10 tỉnh có chỉ số thành phần Tiếp cận thông tin các FTA thấp nhất

Các tỉnh ngoài Top 10 có điểm từ 6 trở lên là Khánh Hòa, Trà Vinh, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Định, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, Cần Thơ và An Giang.

Bộ chỉ số FTA Index 2024 được xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và là kết quả nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Tại Quyết định 661/QĐ/BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao Báo Công Thương phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên tổ chức Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương năm 2024.

Thảo Nguyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục