APCI 2020 đánh giá xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: (i) Đầu tư; (ii) Giao dịch thương mại qua biên giới; (iii) Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; (iv) Môi trường; (v) Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (vi) Đất đai; (vii) Xây dựng; (viii) Thuế và (ix) Kiểm tra chuyên ngành.
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nỗ lực cải cách đã góp phần giúp Chính phủ đạt được các chỉ tiêu kinh tế
Việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Kết quả APCI qua 3 năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy những nhóm TTHC được các cơ quan hành chính nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hằng năm. Định hướng xây dựng chính quyền điện tử với các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử theo Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà còn đặc biệt phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc
APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Thành công ban đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều đó.
Đây là xu hướng rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.
Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra phương châm hành động là kiến tạo, liêm khiết, hành động, phục vụ vì người dân, vì doanh nghiệp. Trong những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, chúng ta đã làm được khối lượng công việc lớn.
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp báo. Ảnh: Nhật Bắc
Những nỗ lực cải cách đã góp phần giúp Chính phủ đạt được các chỉ tiêu kinh tế. Theo ông Trương Gia Bình, nỗ lực cải cách TTHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo dõi sự tiến bộ về thực thi công tác hành chính của nhà nước là để giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp trong các thủ tục họ cần phải làm. Báo cáo APCI tập trung vào 9 thủ tục quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, là cơ sở cho các bộ, ban ngành, địa phương thấy được những cơ hội để tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Với quan điểm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động” và cách tiếp cận “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình cải cách, phát triển”, Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy hiệu quả cải cách được Chính phủ giao Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết 02 đó là thực hiện khảo sát, nghiên cứu và công bố thường niên APCI. Năm 2020 với nhiều khó khăn do tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu chính là phép thử khó khăn nhất của bộ máy Trung ương và địa phương khi Việt Nam đặt ra mục tiêu “kép” vừa phải khống chế dịch bệnh vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc. Kết quả của APCI có sự gắn kết và bổ trợ rất cụ thể, sâu sắc cho việc nghiên cứu, tìm hiểu các đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín về Việt Nam, giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có thể hoạch định tốt hơn các mục tiêu cải cách.
Báo cáo APCI 2020 của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC còn mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của Chính phủ kiến tạo để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới doanh nghiệp thời gian tới.
Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” để giảm chi phí tuân thủ TTHC
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu bốn bài học cải cách từ APCI ở góc độ chỉ đạo, điều hành chung hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC.
Thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Kết quả APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy những nhóm TTHC nào được các cơ quan hành chính nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hàng năm và cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.
Thứ hai, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ “cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân”.
Thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép” mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cũng như là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh của mình.
Quang cảnh buổi họp
Khảo sát APCI tại các địa phương cho thấy doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt. Doanh nghiệp cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các doanh nghiệp có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật.
Thứ tư, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó.
Để cải thiện điều này, song song với việc thúc đẩy chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân của cơ quan và cán bộ nhà nước, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử sẽ hỗ trợ cắt giảm các áp lực tiếp xúc trực tiếp của cán bộ trong bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho cán bộ tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.
Tạ Dũng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|