Con trâu trong pháp luật xưa và nay

(Banker.vn) Hình tượng con Trâu xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hóa Việt Nam, là nguồn cung cấp sức kéo chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp… Người xưa nhắc nhở: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Sai con toán bán con trâu”. Nhân năm Tân Sửu (2021), xin kể lại một vài hình tượng con trâu trong pháp luật xưa và nay.

Ở nước ta, ngay từ thời Lý Trần (thế kỷ XI-XIV) đã lấy nông nghiệp làm nguồn kinh tế chính cả nước, do đó đã ban hành chính sách phân chia ruộng đất cho nông gia để khuyến khích việc đồng áng tăng gia sản xuất. Ðồng thời, chính quyền cũng rất quan tâm tới “con trâu” vì nó là động lực giúp nhà nông trong mọi nông vụ. Vì thế, vào mùa hạ, tháng tư, năm Quý Mão (1123), nhà vua lại xuống chiếu quy định về việc cấm giết trâu. Lời chiếu nêu rõ: “Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì bị trị tội theo hình luật”.

Lý Anh Tông, năm Quý Hợi (1143) tháng 2 xuống chiếu: “Từ nay về sau, trong nước cứ 3 nhà làm 1 bảo không tự nhiên mổ trâu bò. Nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, làm trái thì trị tội nặng, nhà láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội”…

Sang đời Trần, pháp luật cho phép hoàng thân công chúa lập điền trang thái ấp, trong đó có những khu vực chăn nuôi trâu. Có thể minh chứng là: Hoàng Mai và Tương Mai là hai làng cổ ở gần kề gốc Đông Nam Thăng Long. Đời Trần nơi này là thái ấp Cổ Mai hay còn gọi là trang Cổ Mai do các vua Trần phong cho anh em Trần Khát Chân. Trong đó có Đồng Mui Trâu là nơi chăn nuôi do lý tướng Phạm Ngưu Tất (người định ám sát Hồ Quý Ly ) trông coi.

 Hoàng Việt Luật lệ (luật Gia Long) của triều Nguyễn quy định về tội trộm cắp súc vật, trong đó có trộm trâu ở điều 239 mang tên Đạo mã ngưu súc sản (ăn trộm ngựa trâu súc sản): "Phàm ăn trộm ngựa, trâu, heo, dê, gà, chó, ngỗng, vịt thì tính giá trị ấy làm tang vật. Trường hợp này chia làm hai hạng là nhân dân và tại quan mà buộc tội".

Trong thời kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 144-SL ngày 2/3/1948 về cấm hẳn việc giết trâu bò trong toàn cõi Việt Nam.

“Đối với những trâu bò già yếu, hoặc những trâu bò không dùng vào việc công tác được nữa, phải có phép của Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính địa phương và sự thoả thuận bắt buộc của Ty thú y địa phương mới được giết (Điều 2- Sắc lệnh số 144/SL)

“Ai phạm vào cấm lệnh nói trên, sẽ phải phạt tiền từ 1.000 đến 2.000 đồng. Số thịt bắt được sẽ tịch thu cho bộ đội. Trong trường hợp tái phạm, có thể bị phạt tiền gấp đôi và bị tù từ một tháng đến sáu tháng” (Điều 3- Sắc lệnh số 144/SL).

Ngày 17/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký Sắc lệnh 163/SL thay thế Sắc lệnh số 144/SL.  “Để cho việc chăn nuôi được phát triển hợp lý, lợi cho tăng gia sản xuất và hợp với chính sách tiết kiệm chung, nay hạn chế việc làm thịt trâu bò trong toàn quốc” (Điều 1- Sắc lệnh 163/SL).

Luật Chăn nuôi 2018, bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 quy định: Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi không được đánh đập, hành hạ vật nuôi (trâu, bò, lợn, dê…); phải có chuồng trại, không gian phù hợp với vật nuôi; cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh cho vật nuôi; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y cho vật nuôi. Đồng thời, Luật cũng quy định bắt buộc, khi giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ.

Tại Khoản 1 Điều 12 Luật Di sản văn hóa quy định: “Di sản văn hóa Việt Nam được sử dụng nhằm mục đích phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội”. Như vậy, lễ hội đâm trâu, chọi trâu reo rắc tính hiếu sát hay kích động bạo lực rõ ràng đi ngược lại lợi ích của toàn xã hội nên chăng cần được xem xét hình thức tổ chức phù hợp để đảm bảo phát huy giá trị và phù hợp quy định pháp luật.

Nguyễn Văn Thanh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: