Từ Thời phong kiến, triều đình nghỉ ăn Tết khá dài và trong thời gian đó ngoài việc ăn chơi còn có những lễ hội khá độc đáo. Đó là Lễ “Tiến Xuân ngưu” (dâng trâu mùa xuân). Lễ này lấy nghĩa tháng Chạp là tháng Sửu. Sửu là trâu, thuộc hành thổ là đất. Theo thuyết ngũ hành tương khắc thì đất ngăn được nước, chống được rét nên cần làm trâu đất để tống khí lạnh đi, cầu cho việc đồng kịp thời vụ, quốc thái, dân an.
“Bao giờ mang hiện đến ngày
Cày bừa cho chín mạ này đem gieo”.
Ở nước ta vào Triều Lý, năm 1048 Vua Lý Thái Tông đã cho lập Xã đàn (nền xã tắc) ngoài cửa Trường Quảng để làm nơi 4 mùa cúng lễ, cầu được mùa.
“Hàng năm, đến tháng 11, Tư thiên giám tâu ngày tháng nào là tiết lập xuân và kê cả kiểu mẫu làm xuân ngưu (con trâu bằng đất để mừng xuân), giao cho bộ Công sai Thường ban cục làm. Trước tiết lập xuân 1 ngày, buổi chiều, Thường ban cục đem con trâu nặn bằng đất đến đàn ở phường Đông Hà. Quan phủ doãn và hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức làm lễ xong thì sai phường dân rước đến đàn ở phường Hà Khẩu.
Đến ngày Chính tiết Lập Xuân, Xuân ngưu được các quan sở tại rước vào Điện, Nhà Vua gọi là làm lễ Tiến Xuân Ngưu. Quan phủ doãn Phụng Thiên (tức Thăng Long) và các quan huyện Thọ Xương, Quảng Đức đều mặc đại lễ đi sau, cầm những cành lá dâu đánh vào con Xuân Ngưu đất.
Tại nơi tiến Xuân Ngưu các quan văn võ có mặt đông đủ, làm lễ tiến Xuân Ngưu lên Vua. Lễ xong, quan Tư lễ giám bưng cái ấn để Xuân Ngưu (đặt trước nơi Vua Ngự) rước đi cùng các quan sang tiến ở Phủ Chúa”.
Lễ Tiến Xuân Ngưu kéo dài suốt mấy thế kỷ từ triều Lý tới thời Hậu Lê (ở Thăng Long).
Vào thời Nhà Nguyễn với kinh đô Thuận Hóa (Huế) vẫn giữ truyền thống trên. Sách khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ ghi lại rằng: “Mang thần và trâu đất là lễ đời cổ để khuyên cày, lại là việc đầu xuân, có quan hệ đến gốc lớn của sinh dân... nguyên là ý chăm việc làm ruộng, khuyên bảo, giúp đỡ, ở Kinh thành đã cử hành trước thì các địa phương cũng nên tuân làm tất cả...”. Để chuẩn bị cho lễ tế trâu đất và Mang thần, triều đình nhà Nguyễn giao trách nhiệm cho Khâm Thiên Giám và ty Vũ Khố hàng năm đến ngày “thìn” sau ngày đông chí tổ chức cho hàng thợ thầy đến lấy đất và nước ở Phương thần Tuế đức về làm 3 con trâu đất và 3 vị Mang thần, dùng cây dâu, cây giá để làm thai cốt. Quan viên các địa phương phải đốc thúc ty Chiêm hậu mang thợ đến Phương thần Tuế đức lấy đất và nước về làm 1 con trâu đất và 1 vị Mang thần”.
Ngoài ra ở các lễ hội khác như: Lễ tấn phong nguyên soái cho Trịnh Tạc, lễ kỵ ở Thái miếu nhà Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn, thậm chí lễ cưới công chúa… không thiếu được lễ vật là con trâu. Trong tế giao, “tam sinh” (trâu, dê, lợn) tuyển chọn phải rất cẩn trọng, như trâu phải là trâu non mới mọc sừng.
Gắn với lễ hội còn hàng loạt sinh hoạt văn hóa khác, như ở Phong Lệ (thuộc Quảng Nam) xưa, còn có lệ cứ ba năm một lần, vào mùa xuân, làng lại tổ chức “Đám rước mục đồng” (do đoàn mục đồng làm chủ tế lễ thần nông) cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi.
Lễ cúng trâu, nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng đánh thắng quân Mã Viện vào ngày 24 tháng Chạp, cũng đáng chú ý. Trâu cúng vào dịp đó, phải có quý tướng: “Long cầu, đầu quạ, da bình vôi, mắt ốc nhồi”. Tắm trâu xong, kéo ra đình cho các thần chứng giám, đổ vào mồm chén rượu rồi mới đem mổ, cúng. Đầu trâu hướng về bàn thờ, chân quỳ xuống.
Ở vùng núi dãy Trường Sơn hùng vĩ đồng bào các dân tộc cũng có tục dùng trâu vào lễ hiến sinh. Trong các nghi thức thiêng liêng ấy, lễ đâm trâu (pơ thi) bao giờ cũng mang nội dung mừng thành quả lao động của mình, hoặc biểu hiện cho niềm vui chiến thắng, hoặc tưởng nhớ đến thần linh hay những người đã chết.
Ngày 14/7 (âm lịch), các gia đình đồng bào Thái (trắng) ở vùng lòng chảo Mường Lò, Yên Bái ăn Tết trong năm. Đây là Tết lớn, thậm chí có nơi còn tổ chức lớn hơn Tết Nguyên Đán. Tết này gắn liền với một số nghi lễ nông nghiệp. Trâu được người “trả ơn” bằng cách tổ chức cho trâu ăn Tết. Trâu được tắm rửa sạch sẽ, buộc ở chân cầu thang nhà sàn. Chủ nhà nói lời cảm ơn trâu, rồi mang xôi thịt, rượu đãi trâu. Hôm đó cũng là ngày Tết Mục đồng, trẻ chăn trâu được tự do dắt trâu và mang thịt, xôi tới một nơi ưa thích để nô đùa, ăn uống, ca hát.
Với đồng bào người M’ Nông trong lễ ướm hỏi, người mai mối của nhà trai đem theo hai ống lồ ô đựng măng chua và da trâu thái nhỏ. Nếu gia đình nhà gái nhận, nghĩa là đã ưng thuận. Sau đó đến lễ dạm hỏi. Trong số các lễ vật nhà trai mang đến nhà gái trong lễ này thường có từ 20 đến 30 ống măng chua và trâu muối.
Nếu có dịp đi qua Quảng Ngãi đến huyện Sơn Hà, chúng ta sẽ thấy ở dọc sông Rê có hàng trăm nghĩa địa của đồng bào H’rê. Mỗi ngôi nhà mồ thường có vài cái sừng trâu được treo rất trang trọng ở đầu nhà mồ, người ta có thể đoán biết được gia đình quá cố nghèo hay giàu.
Với người Chàm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, con trâu là loài vật có liên hệ với các lễ nghi phong tục, đồng thời cũng là lễ vật dâng cúng thần linh, ông bà, cha mẹ. Theo tập quán từ xưa truyền lại, cứ 7 năm một lần, vào tháng 7 lịch Chàm, dân làng dâng 1 con trâu trắng cúng thần linh tại núi đá trắng (Giang Patao) thuộc làng Như Bình, Phước Thái, Ninh Phước (Ninh Thuận). Riêng lễ đâm trâu vẫn còn tồn tại với người Chàm theo đạo Bà La Môn và Bà Ni vào dịp có tang lễ.
Con trâu trong tín ngưỡng, lễ hội và sinh hoạt văn hóa ở nước ta thật đa dạng và phong phú. Mục đích là giáo dục truyền thống yêu lao động, nhắc nhở nhân dân chăm lo sản xuất, khơi dậy ý thức tự cường của nhân dân Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Trải qua nhiều biến đổi và thăng trầm của thời đại, sự vận động và biến đổi về mặt không gian cũng như thời gian của lễ hội là điều tất yếu. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi theo chiều hướng hiện đại của đời sống vật chất, lễ hội cần được bảo tồn và phát huy giá trị dưới góc độ là một di sản văn hóa phi vật thể, vừa bảo toàn tính xác thực về mặt tín ngưỡng và tâm linh, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và từng địa phương.
Thanh Kim Trà
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|