Còn đó những "nét buồn" trong bức tranh thị trường hồi phục

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán dù hồi phục mạnh 2 phiên liên tiếp, nhưng không phải niềm vui đến với tất cả mọi người...

Dòng tiền dù “khựng” lại nhưng thị trường vẫn ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ phiên thứ 2 liên tiếp, đưa VN-Index đóng cửa phiên 17/11 ở sát 970 điểm. Đáng chú ý, nhiều ông lớn “nhăm nhe” tăng kịch trần, nhưng cũng không ít “đại gia” vẫn rơi vào cảnh giảm sàn, trắng bên mua.

Trước đó, trong phiên 16/11, tâm lý nhà đầu tư dường như đã tích cực hơn nên dòng tiền chủ động “bắt đáy” khi thị trường đã chiết khấu rất sâu từ đỉnh. Nhờ đó, thanh khoản tăng mạnh 47% so với phiên trước đó kéo VN-Index hồi phục từ mức thấp nhất so với đóng cửa lên tới hơn 69 điểm. Hàng trăm cổ phiếu đã bật tăng kịch trần sau chuỗi ngày trượt dài trước đó.

Mặc dù màu xanh tím phủ đầy trên bảng điện, song vẫn còn một số cái tên vẫn bị lực bán áp đảo nhấn xuống mức giá sàn, dư bán hàng chục triệu đơn vị và không có lực cầu.

Còn đó những "nét buồn" trong bức tranh thị trường hồi phục

Điển hình, bộ đôi cổ phiếu rổ VN30 là NVL của Novaland và PDR của Phát Đạt tiếp tục chìm trong sắc "xanh lơ”, trắng bên mua, thậm chí PDR có thời điểm dư bán giá sàn xấp xỉ 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 1/6 lượng cổ phần đang lưu hành của doanh nghiệp này. Hiện chuỗi giảm điểm của PDR đã nâng lên con số 22, trong đó 10 phiên liên tiếp gần nhất thị giá giảm sàn. Với cổ phiếu NVL cũng đã ghi nhận phiên thứ 11 “lau sàn”, về mức thấp nhất trong vòng 29 tháng.

Như vậy, so với đỉnh, PDR đã giảm gần 70% về mức thấp nhất trong vòng gần 23 tháng, còn NVL cũng để mất khoảng 70% sau hơn 11 tháng. Kéo theo đó, vốn hoá hai doanh nghiệp này tổng cộng đã mất hơn 140.000 tỷ đồng.

Việc thị giá giảm sàn cũng khiến loạt lãnh đạo của Phát Đạt bị các công ty chứng khoán "call margin" và bán giải chấp cổ phiếu. Tỷ lệ cho vay ký quỹ của hai mã NVL và PDR cũng bị một số công ty chứng khoán hạ xuống mức thấp.

Một mã chứng khoán cũng thuộc ngành bất động sản là HPX của Đầu tư Hải Phát ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp giảm sàn và phiên thứ 9 đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu. Trong phiên 16/11, dư bán giá sàn cổ phiếu này lên tới hơn 15 triệu đơn vị nhưng chỉ vỏn vẹn 15.300 đơn vị được giao dịch.

Ngoài những cái tên đáng chú ý kể trên, DHC của Đông Hải Bến Tre, EIB của NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, IBC của Apax Holdings hay VPI của Đầu tư Văn Phú Invest cũng đều bị bỏ lại phía sau khi đồng loạt đóng cửa giảm sàn trong phiên 16/11. Chốt phiên ngày 17/11, cổ phiếu EIB vẫn tiếp tục giảm sàn.

Nhìn chung, việc thị trường xuất hiện một cây nến tăng từ quanh vùng 875 - 900 điểm với biên độ và thanh khoản lớn so với trung bình 10 phiên cho thấy lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và tâm lý nhà đầu tư đã có chuyển biến tích cực hơn. Lực bán giải chấp chéo đã có tín hiệu giảm bớt.

Tuy nhiên, việc nhiều cổ phiếu vẫn chưa xuất hiện lực cầu hấp thụ khi giá giảm hết biên độ với khối lượng treo bán lớn được các chuyên gia nhận định, làn sóng “call margin” của các cổ đông lớn và các chủ doanh nghiệp vẫn chưa có hồi kết, đồng thời vùng đáy của thị trường vẫn chưa xác lập.

“Khả năng cao thị trường sẽ có những nhịp hồi phục kỹ thuật trong vài phiên tới do hiệu ứng tin tốt và một phần là bị chiết khấu khá sâu trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong trung hạn thị trường có thể vẫn chưa tìm được điểm cân bằng khi dòng tiền vẫn có xu hướng chảy ra khỏi thị trường”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco đánh giá.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục