Còn biểu hiện thông đồng, lợi dụng các tổ chức “sân sau" để đấu giá

(Banker.vn) Theo Bộ Tư pháp, còn có biểu hiện thông đồng với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau" để đấu giá.
Hơn 200.000 cuộc đấu giá tài sản, chủ yếu về quyền sử dụng đất “Quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói gì? Thái Bình: Chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng 141 lô đất ở khu dân cư

Chiều 16/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, triển khai Luật Đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với số lượng hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản (trong đó có 58 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Còn biểu hiện thông đồng, lợi dụng các tổ chức “sân sau" để đấu giá
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp

Trình tự, thủ tục đấu giá thống nhất, chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản. Tài sản đấu giá ngày càng được mở rộng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn.

Theo số liệu thống kê thì từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn gặp khó khăn; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp,

Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá” ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá còn một số hạn chế, khó khăn.

Đặc biệt, còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau’ để đấu giá; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, chưa được quan tâm, chú trọng. Do đó, không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Mặt khác, nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và phạm vi quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: Về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản; bổ sung 01 Điều mới; bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều của Luật Đấu giá tài sản; Điều 2 về điều khoản thi hành và Điều 3 về quy định chuyển tiếp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 39 (Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước), mức thu tiền đặt cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất có biên độ áp dụng quá lớn, không thống nhất (có nơi cao, nơi thấp khác nhau), dẫn đến xuất hiện hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi.

Có ý kiến cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.

Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, quy định chưa thống nhất giữa khoản 2 Điều 38 và khoản 2 Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản hiện hành dẫn đến phát sinh tình trạng khách hàng tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau và với tổ chức đấu giá để chỉ có một hoặc vài người đặt tiền trước. Người trúng đấu giá được mua tài sản với giá thấp do không có người khác tham gia đấu giá, dẫn tới làm thất thoát tài sản của Nhà nước thu được qua đấu giá... Vì vậy, đề nghị nghiên cứu thêm về quy định này để khắc phục bất cập được nêu.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương