Cơ sở nào để định giá Bách Hóa Xanh ở mức 1,7 tỷ USD?

(Banker.vn) Mặc dù vẫn đang thua lỗ, nhưng Bách Hoá Xanh vẫn được các nhà đầu tư ngoại định giá lên tới 1,7 tỷ USD. Điều này thể hiện sự kỳ vọng không hề nhỏ vào tiềm năng tăng trưởng của Bách Hoá Xanh cũng như thị trường bán lẻ Việt Nam.
Cơ sở nào để định giá Bách Hóa Xanh ở mức 1,7 tỷ USD?
20% cổ phần Bách Hoá Xanh đang được định giá ở mức 1,7 tỷ USD

Như Kinhtechungkhoan.vn đã đưa tin, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC cùng một số doanh nghiệp Thái Lan được cho là đang cạnh tranh để “thâu tóm” 20% cổ phần chuỗi Bách Hoá Xanh từ Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG). Theo nguồn tin độc quyền của Reuters, trong thương vụ này, Bách Hoá Xanh được định giá vào khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD. Nếu thương vụ này thành công, dự kiến Thế Giới Di Động sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận lớn trong nửa đầu năm sau.

Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, Reuters cũng từng thông tin về kế hoạch bán 20% cổ phần Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động. Thời điểm đó, sau khi làm việc với cố vấn tài chính, Thế Giới Di Động cũng đã đưa ra mức định giá 1,5 tỷ USD cho 20% cổ phần Bách Hoá Xanh.

Tuy nhiên, theo Reuters, do điều kiện thị trường không thuận lợi, thương vụ mua bán cổ phần dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm nay đã buộc phải hoãn lại cho tới tận bây giờ.

Cụ thể, Bách Hoá Xanh đã không thể có lợi nhuận vào quý IV/2022 như kỳ vọng của Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài. Thậm chí tính chung cả năm 2022, chuỗi bán lẻ này báo lỗ kỷ lục 3.000 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, trong hai tháng đầu năm, doanh thu của Bách Hoá Xanh cũng sụt giảm khá mạnh. Doanh thu trên một cửa hàng trong 2 hai tháng đầu năm giảm xuống còn 1,19 tỷ đồng.

Cơ sở nào để định giá Bách Hóa Xanh ở mức 1,7 tỷ USD?
Chỉ số doanh thu hàng tháng của Bách Hoá Xanh (Nguồn: BVSC)

Bách Hoá Xanh đã tiệm cận mức hoà vốn

Thời gian gần đây, bức tranh kinh doanh của Bách Hoá Xanh đang sáng dần, mở ra kỳ vọng hoà vốn vào cuối năm và tiến tới có lãi vào năm 2024.

Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Thế Giới Di Động, doanh thu luỹ kế 8 tháng đầu năm của Bách Hoá Xanh đạt 19.200 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Theo đó, khoản lỗ ròng 8 tháng đầu năm cũng giảm mạnh, xuống còn 659 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong tháng 8, doanh thu của Bách Hoá Xanh đạt 2.828 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ đầu năm. Đáng chú ý, doanh thu bình quân trên một cửa hàng đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp, lên 1,65 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất năm nay và là mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của chuỗi bán lẻ này, chỉ sau con số 2,1 tỷ đồng/cửa hàng ghi nhận hồi tháng 7/2021.

Về phía Bách Hoá Xanh, lãnh đạo chuỗi bản lẻ này cho biết sẽ nỗ lực bảo vệ doanh số trong giai đoạn mưa nhiều, kéo dài từ tháng 8 - tháng 10, và tiếp tục đẩy tăng trưởng lên mức bình quân 1,7 tỷ đồng/cửa hàng cho toàn hệ thống trong những tháng cuối năm nay. Trong ngắn hạn, Bách Hoá Xanh sẽ chỉ tập trung vào việc tối ưu hóa các cửa hàng hiện hữu để đạt mục tiêu hòa vốn trong năm nay và đóng góp lợi nhuận cho Thế Giới Di Động từ năm 2024.

Bình luận về mục tiêu này, các công ty chứng khoán bao gồm Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán SSI, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Chúng khoán Rồng Việt (VDSC) đều thống nhất quan điểm rằng, triển vọng hoà vốn của Bách Hoá Xanh đang ngày càng rõ ràng.

Các đơn vị này ước tính, Bách Hoá Xanh sẽ đạt điểm hoà vốn khi doanh thu bình quân trên một cửa hàng đạt khoảng 1,7 – 1,8 tỷ đồng. Như vậy, với mức doanh thu mỗi cửa hàng hiện tại 1,65 tỷ đồng, chuỗi bán lẻ này đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu hoà vốn vào cuối năm nay.

Nhờ doanh thu vượt trội gần đây, BVSC dự phóng, khoản lỗ trong quý III/2023 của Bách Hoá Xanh giảm mạnh so với khoản lỗ 354 tỷ đồng hồi quý I và 305 tỷ đồng hồi quý II.

Trong khi đó, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tùy thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế, Bách Hoá Xanh sẽ hòa vốn vào quý IV/2023 hoặc nửa đầu năm 2024. Kịch bản trước mắt là Bách Hóa Xanh sẽ vẫn lỗ ròng khoảng 980 tỷ đồng trong năm nay, tuy nhiên, con số này đã giảm rất nhiều so với năm trước.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam

Trong báo cáo tháng 7/2023, hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới JP Morgan nhận định, Việt Nam đang đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng sôi động và đáng chú ý nhất tại khu vực châu Á. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa ở độ tuổi dưới 32, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đầy ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017 lên đến hơn 4.000 USD vào năm 2022 – mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM (nền kinh tế mới nổi). Trong khi đó, mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2030, GDP bình quân đầu người sẽ tăng lên mức 7.500 USD và chạm mốc 10.000 USD vào 5 năm sau đó.

Đơn vị này cho rằng, với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng của thương mại hiện đại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ gia tăng định giá trong nhiều năm tới.

JP Morgan cũng chỉ ra rằng, với lực lượng lao động đang di chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong vài năm tới. Sự hình thành tầng lớp trung lưu mới này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng giá trị của cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Thêm vào đó, sức hút của Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế cũng được xem là một yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của ngành bán lẻ.

JP Morgan đánh giá, độ thâm nhập của lĩnh vực bán lẻ hàng tạp hóa của quốc gia này vẫn chưa sâu, chỉ chiếm 12% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 20-45% của các nước ASEAN và chỉ sau Ấn Độ với 8%. Do đó, về dài hạn, dư địa phát triển vẫn còn nhiều.

Trở lại với thương vụ 1,7 tỷ USD của Bách Hoá Xanh, theo Reuters, nếu thành công, thương vụ này sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Bởi lẽ, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước hiện đang tìm cách mở rộng hoặc giành được chỗ đứng vững chắc tại thị trường 100 triệu dân “béo bở” này.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang ở trong một giai đoạn khá “nhộn nhịp” với sự tham gia của “ông lớn” ngoại quốc như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Cresent Mall (Đài Loan, Trung Quốc), Central Retail (Thái Lan),… Trong khi đó, các doanh nghiệp nội, với lợi thế am hiểu người tiêu dùng Việt, cũng đang nỗ lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần.

Lãnh đạo Thế giới Di động hoàn tất bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG

Đoàn Văn Hiểu Em báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động ...

MWG: 8 tháng thu về 76.455 tỷ đồng, chuỗi Bách Hóa Xanh góp 18.400 tỷ đồng

Tổng doanh thu tháng 7 và tháng 8 của MWG đang có những bước phục hồi tích cực, trong đó, chuỗi Bách Hóa Xanh gây ...

Nhà đầu tư Singapore và Thái Lan "đọ găng" tranh mua 20% cổ phần Bách Hoá Xanh

Theo hai nguồn tin độc quyền của Reuters, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC là một trong số những nhà đầu tư đang tham ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán