Cơ sở hạ tầng tài chính của Trung Quốc có thể đóng vai 'hiệp sĩ áo trắng' đối với Nga?

(Banker.vn) Theo một báo cáo mới của Natixis Global Markets Research, có nhiều điều cơ sở hạ tầng tài chính của Trung Quốc có thể làm để thúc đẩy gắn bó với các đối tác Nga, song bất cứ sự hỗ trợ nào cũng chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn.

Sau khi Nga đem quân vào Ukraine, nhiều thị trường, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản và thậm chí cả Singapore đã thông báo cắt đứt kết nối với một số ngân hàng Nga và các giao dịch tài chính liên quan đến Nga. Đứng đầu trong số các lệnh trừng phạt này là việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), mạng tin nhắn chuyển tiền toàn cầu cho các khoản thanh toán xuyên biên giới.

Sau động thái này, mọi con mắt đều đổ dồn vào Trung Quốc, quốc gia có quan hệ tài chính với Nga,  đáng chú ý nhất là các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ hơn 23,7 tỷ đô la Mỹ (150 triệu Nhân dân tệ) giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

Trong một báo cáo, Natixis lưu ý rằng việc Nga có thể xoay trục sang Trung Quốc để hỗ trợ những khó khăn tài chính của nước này chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải là một giải pháp lâu dài.

CIPS  thay thế cho SWIFT?

Theo Natixis, một câu hỏi quan trọng là liệu Nga có thể sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc để vượt qua các lệnh trừng phạt của SWIFT hay không. Cũng theo Nataxis, câu trả lời là không.

Báo cáo cho biết CIPS không có tính thanh khoản cao với chỉ 13.000 giao dịch được xử lý mỗi ngày. Số lượng này chỉ bằng 5% trong số hơn 240.000 giao dịch được xử lý bởi Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House (CHIPS), hệ thống thanh toán quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.

Số lượng các tổ chức tài chính nước ngoài liên kết với CIPS cũng rất hạn chế.

Bản thân CIPS vẫn nằm trong hệ sinh thái SWIFT, vì vẫn chạy trên hệ thống nhắn tin SWIFT. Alicia Garcia-Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Nataxis cho biết, trong khi công việc đang được tiến hành để phát triển một hệ thống nhắn tin thay thế SWIFT, CIPs vẫn chưa  hoàn toàn được vận hành độc lập.

 “Theo thời gian, lệnh cấm các ngân hàng Nga sử dụng SWIFT cũng có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của các cơ quan quản lý phương Tây đối với CIPS, bao gồm cả phản ứng về quy định bởi CIPS có khả năng là đối tượng thực thi các lệnh trừng phạt theo SWIFT, đặc biệt nếu dữ liệu giao dịch không được chia sẻ ”,  bà nói thêm.

Hoán đổi tiền tệ chỉ là tạm thời, không phải là một giải pháp

Lựa chọn rõ ràng duy nhất là thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa PBOC và CBR. CBR cũng có khoảng 90 tỷ đô la dự trữ tại PBOC bằng đồng Nhân dân tệ. Nhưng điều này được cho là không đủ vì Nhân dân tệ không phải là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi và chỉ chiếm khoảng 2% giao dịch toàn cầu.

Và trong khi PBOC có khả năng thiết lập thỏa thuận hoán đổi bằng đồng đô la Mỹ để cung cấp thanh khoản bằng ngoại tệ cho Nga, thì rủi ro tín dụng là khá rõ ràng khi làm điều này, theo bà Garcia Herrero.

Garcia Herrero nói: “Có vẻ hợp lý hơn khi CBR sử dụng tiền gửi bằng Nhân dân tệ tại PBOC để tài trợ cho nhập khẩu từ Trung Quốc và thậm chí là cả thỏa thuận hoán đổi nếu dự trữ Nhân dân tệ của họ giảm xuống”.

Nhưng một lần nữa, đây không phải là một giải pháp lâu dài. Tổng giá trị thương mại song phương hàng năm giữa hai quốc gia này là 107 tỷ đô la Mỹ (năm 2020), có nghĩa là dự trữ của Nga tại PBOC có thể cạn kiệt trong vòng một năm.

Garcia Herrero cho biết: Việc cạn kiệt dự trữ nhân dân tệ của Nga thậm chí có thể đến sớm hơn vì Nga rõ ràng sẽ lựa chọn tăng nhập khẩu từ Trung Quốc được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thay vì nhập khẩu từ EU, đối tác thương mại lớn nhất của Nga cho đến nay.

e-CNY - chú ngựa đen cho Nga?

Một giải pháp khác mà Nga có thể đang xem xét liên quan đến việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của PBOC, e-CNY. Dựa trên nguyên lý sổ cái tập trung, điều này cho phép các giao dịch xuyên biên giới thực hiện không cần qua SWIFT, đây có thể là một chiến thắng cho Nga giữa các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, theo Natixis, phạm vi tiếp cận và sử dụng của e-CNY vẫn còn hạn chế. Hiện tại, ngoài một số biên bản ghi nhớ (MoU) đã được ký kết với một số ít nền kinh tế, đồng tiền kỹ thuật số này chỉ dành cho thanh toán bán lẻ trong nước. Cho đến nay, Nga không nằm trong số nước ký MoU.

Theo Natixis, việc sử dụng e-CNY cũng có thể gây tổn hại đến nhu cầu đối với đồng Rúp và Nga được coi là chưa đến mức để từ bỏ đồng tiền đang rớt giá của mình cho một đồng tiền chưa được kiểm tra.

(Nguồn: theasianbankingandfinance.net)

Hải Yến

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ