Cổ phiếu VinFast "tăng ga" phiên đầu tuần, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ 2 châu Á

(Banker.vn) Cổ phiếu VinFast vừa phiên đầu tuần bứt phá mạnh, khiến cho cuộc rượt đuổi của VinFast và Toyota cho ngôi nhì bảng trên cuộc đua vốn hoá ngày càng trở nên kịch tính. Còn tại cuộc đua của giới tỷ phú châu Á, ông Phạm Nhật Vượng đã giành ngôi vị á quân.
Cổ phiếu VinFast
Cổ phiếu VinFast tăng tới 688% kể từ khi lên sàn, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu thứ 2 châu Á

Ngày 28/8 (theo giờ Mỹ), cổ phiếu của VinFast tiếp tục bùng nổ. Hai ngày nghỉ cuối tuần dường như không thể khiến sức nóng của VFS hạ nhiệt khi mà trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, mã này đã vọt lên mức 92 USD/cp.

Mở cửa phiên giao dịch chính thức, cổ phiếu VFS được ấn định ở mức 84 USD/cp, tăng 22% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước. Thanh khoản ghi nhận ở mức 1,61 triệu đơn vị, hứa hẹn một phiên giao dịch sôi động và hấp dẫn.

Đáng chú ý, chỉ một phút sau, mã này có dấu hiệu mất đà và giảm nhẹ. Cũng tại thời điểm đó đã xuất hiện mức giá giao dịch thấp nhất trong phiên là 75,92 USD/cp. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn mức giá 68,77 USD được xác lập trong phiên trước đó.

Sau vài phút tạm chững, lượng mua vào liên tục tăng đã khiến cổ phiếu VFS tạo sóng. Chỉ trong vòng 45 phút sau đó, mã này tăng vọt lên mức 93 USD/cp, vượt qua ngưỡng 92 USD/cp ghi nhận trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa. Thanh khoản cũng tăng mạnh lên hơn 7 triệu đơn vị. Lúc này, vốn hóa của VinFast đạt khoảng 214 tỷ USD.

Trong khi đó, trên sàn NYSE, cổ phiếu TM của Toyota cũng đang trong đà tăng, giao dịch quanh mức 166 USD/cp, đẩy vốn hoá của hãng này lên mức 225 USD. Mặc dù vẫn chưa thể vượt qua Toyota nhưng VinFast vẫn đang bám đuổi khá sát sao.

Cũng tại vùng giá cao kỷ lục này, áp lực chốt lời đã xuất hiện, khiến cổ phiếu VFS từ từ hạ nhiệt. Vào lúc 13h25 (giờ Mỹ), mã này đã xuống mức 76,5 USD.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian giao dịch còn lại, cổ phiếu của VinFast đã phục hồi, giao dịch quanh mức 82 – 83 USD/cp.

Cổ phiếu VinFast
Diễn biến cổ phiếu VFS trong phiên giao dịch ngày 28/8

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu VFS đạt 82,35 USD/cổ phiếu, tăng 19,75% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước, xác lập phiên thứ 6 tăng điểm liên tiếp. Nếu so với mức giá chào sàn Nasdaq là 22 USD/cổ phiếu, mã này đã tăng tới 688%.

Cũng cần nói thêm, khối lượng giao dịch của cổ phiếu VFS trong phiên giao dịch ngày 28/8 tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt 12,6 triệu đơn vị, cao gấp 4 lần so với khối lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng (free float). Theo các chuyên gia, điều này cho thấy giời đầu tư đang “quay vòng” cổ phiếu VFS rất nhanh, đồng thời cũng thể hiện sự hứng thú của họ với mã này, khiến cho cổ phiếu VFS có thể tăng cao hơn trong ngắn hạn.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, vốn hoá VinFast đạt 191,23 tỷ USD. Với con số này, dù chưa thể vượt qua Toyota nhưng VinFast vẫn đang vững vàng ở vị trí top 3 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất toàn cầu. Giá trị của hãng xe điện của Việt Nam cao hơn gấp 2 lần giá trị của hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD.

Cổ phiếu VinFast
VinFast vững vàng ở ở vị trí top 3 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất toàn cầu

Đặc biệt, mức vốn hóa 191,23 tỷ USD của VinFast còn cao hơn tổng giá trị vốn hoá của 49 doanh nghiệp “tỷ đô” (vốn hoá trên 1 tỷ USD) trên sàn chứng khoán Việt Nam Việt Nam. Tính hết phiên 28/8, tổng giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp này chỉ khoảng 173 tỷ đồng.

Cùng với đà tăng “phi mã” của cổ phiếu VFS, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tăng vùn vụt. Theo cập nhật của Forbes, tài sản của nhà sáng lập VinFast vừa có thêm 10,2 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 18,29%. Với tổng tài sản ghi nhận ở mức 66 tỷ USD, ông Vượng đã leo lên vị trí thứ 16 trong danh sách người giàu nhất thế giới của Forbes. Còn ở phạm vi châu lục, Chủ tịch Vingroup đang giữ vị trí á quân, chỉ xếp sau tỷ phú Mukesh Ambani (94,7 tỷ USD).

Cổ phiếu VinFast
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí thứ thứ 16 trong danh sách người giàu nhất thế giới của Forbes

Vì sao danh sách 500 tỷ phú hàng đầu thế giới của Bloomberg chưa điền tên Phạm Nhật Vượng?

Mặc dù đã leo lên vị trí thứ 16 trong bảng xếp hạng 500 tỷ phú hàng đầu thế giới của Forbes nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa xuất hiện trong danh sách của Bloomberg. Theo giới phân tích, nguyên nhân là do sự khác biệt trong phương pháp tính toán và định giá tài sản của hai đơn vị này.

Trong khi Forbes cập nhật giá trị tài sản của ông Vượng theo diễn biến của tất cả các cổ phiếu mà tỷ phú người Việt đang nắm giữa thì Bloomberg Billionaires Index hiện chỉ căn cứ vào giá trị của các cổ phiếu VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail) và VHM (Vinhomes). Nguyên nhân là do tỷ lệ cổ phiếu VFS lưu hành tự do của VinFast đang ở mức thấp. Khi lượng cổ phiếu lưu hành tự do lớn hơn, Bloomberg Billionaires Index sẽ đưa VFS vào công thức tính.

Dù là Forbes hay Bloomberg, bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới với các biến động về tài sản đều được tính theo thời gian thực từng phiên giao dịch cổ phiếu. Do đó, thứ hạng của các vị tỷ phú liên tục thay đổi theo thời gian, phản ánh những biến động và cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu.

Cổ phiếu bật tăng đưa vốn hóa VinFast chạm đỉnh 113 tỷ USD, vượt trên Porsche và đang bám đuổi Toyota

Kết phiên giao dịch 24/8 (giờ Mỹ), cổ phiếu VFS “đạp ga” vượt đỉnh, giúp VinFast chinh phục cột mốc vốn hoá 113 tỷ USD, ...

Sốc: Cổ phiếu VinFast lập đỉnh mới, sẵn sàng "soán ngôi" Toyota về vốn hóa toàn cầu

Cổ phiếu VFS vừa xác lập chuỗi tăng điểm 5 phiên liên tiếp với mức giá đóng cửa kỷ lục 68,77 USD/cp. Trên đường đua ...

Doanh nghiệp tuần qua: VinFast "bùng nổ" trên đất Mỹ, Xây dựng Hòa Bình "tiến công" thị trường Trung Đông

Nổi bật trong tuần qua là những bước đi chiến lược của VinFast, Vinhomes, VNG và Xây dựng Hoà Bình trong quá trình phát triển ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục