Cổ phiếu TTG liên tục "tím ngắt" và "lời khẳng định" của May Thanh Trì...

(Banker.vn) Bước sang phiên 12/9, TTG tiếp tục tăng mạnh, đến khi đóng cửa, cổ phiếu này tăng thêm 8,11% lên mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 121.000 đơn vị.

Mới đây, Công ty CP May Thanh Trì (Mã: TTG - HOSE) đã có thông gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhằm giải trình về việc cổ phiếu của công ty tăng trần 5 phiên liên tiếp, từ ngày 5 đến ngày 9/9/2022. Theo doanh nghiệp này, cổ phiếu TTG tăng trần cả 5 phiên trong tuần qua là do Tập đoàn Haprosimex thoái vốn cũng như cung cầu thị trường, quyết định mua bán của cổ đông quyết định và không chịu sự kiểm soát của công ty.

Cổ phiếu TTG liên tục

Phía doanh nghiệp may này cũng khẳng định không có liên quan và tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường. Được biết May Thanh Trì là doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng với gần 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Ghi nhận kể từ phiên 24/8 tới nay, mã này đã liên tục tăng mạnh (trung bình trên 10% phiên) trong đó có chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp từ 5 - 9/9. Tuy nhiên, do biên độ giao dịch lớn nên sau chuỗi 11 phiên tăng liên tiếp, mã chỉ ghi nhận mức tăng 54% từ 4.800 đồng lên 7.400 đồng (kết phiên 9/9).

Bước sang phiên 12/9, mã này tiếp tục tăng mạnh, đến khi đóng cửa, cổ phiếu này tăng thêm 8,11% lên mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 121.000 đơn vị.

Cổ phiếu TTG liên tục
Diễn biến giá cổ phiếu TTG trong vòng 1 tháng gần đây (Nguồn: TradingView)

Được biết hồi cuối tháng 8/2022, CTCP Tập đoàn Haprosimex - đơn vị có liên quan đến Chủ tịch HĐQT TTG - đã đăng ký bán toàn bộ 1.060.000 cổ phiếu (tỷ lệ 54,36%) tại May Thanh Trì. Thời gian thực hiện dự kiến từ 5 - 22/9/2022.

1 tháng trở lại đây, thanh khoản cổ phiếu TTG ghi nhận cải thiện lên mức từ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị/phiên song vẫn có phiên chỉ khớp vài trăm cổ phiếu. Đến ngày 5/9, mã bất ngờ ghi nhận thanh khoản đột biến đạt 1,067 triệu cổ phiếu. Nhiều khả năng, đây chính là giao dịch được thực hiện bởi Haprosimex.

Về tình hình doanh nghiệp, kể từ năm 2015 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của TTG bắt đầu sa sút với các khoản lãi chỉ vài trăm triệu. Doanh nghiệp sau đó báo lỗ nặng 11,7 và 4,3 tỷ đồng trong các năm 2020 và 2021.

Công ty Cổ phần May Thanh Trì tiền thân là Xí nghiệp may xuất khẩu Thanh Trì được thành lập tháng 12 năm 1992, chính thức đi vào hoạt động tháng 5 năm 1993. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 18/04/2008. Ngành nghề kinh doanh: sản xuất mua bán các mặt hàng dệt may, may mặc, thêu, ren; mua bán hàng hóa thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán