Cổ phiếu nhóm nông sản được mùa "bội thu"

(Banker.vn) Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu nhìn chung không có nhiều đột phá, song cổ phiếu của nhiều mặt hàng nông sản lại trở thành điểm sáng khi không ít cái tên ngược dòng tăng trưởng tốt, số khác ghi nhận mức giảm thấp hơn mặt bằng chung...

Cổ phiếu trên sàn bứt phá

Từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu nhóm nông sản liên tục ghi nhận những diễn biến tích cực, thậm chí còn đi ngược thị trường chung khi nhóm ngành này đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Điển hình nhất có thể kể đến nhóm cổ phiếu đường. Trong đó, các cổ phiếu như SLS (Mía đường Sơn La), QNS (Đường Quảng Ngãi), LSS (Mía đường Lam Sơn),.. đều bật tăng mạnh từ 25% đến 54% từ đầu năm đến nay. Thậm chí, trong tuần vừa qua, cổ phiếu KTS (Đường Kon Tum) còn ghi nhận 4/5 phiên bật tăng kịch trần, tương ứng tăng 35% chỉ sau 1 tuần giao dịch.

Cổ phiếu nhóm nông sản được mùa
Sau 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam ghi nhận sản lượng gần 1,9 triệu tấn, trị giá gần 982 triệu USD, tương ứng tăng tới 34% so với cùng kỳ

Đáng chú ý, cổ phiếu SLS đang trở thành hiện tượng trên sàn chứng khoán khi liên tiếp chinh phục vùng đỉnh lịch sử. Chốt phiên 24/4, cổ phiếu SLS đang neo ở mức 173.000 đồng/cp. Đây cũng là ngưỡng thị giá cao ngất ngưởng ở thời điểm hiện tại trên sàn chứng khoán.

Tương tự, hai cổ phiếu thuộc doanh nghiệp xuất khẩu sắn là APF (Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi) và CAP (Công ty CP Nông Lâm sản thực phẩm Yên Bái) đang trở thành hiện tượng mới trên sàn chứng khoán khi bất chấp thị trường chung đang xuất hiện nhịp điều chỉnh khá mạnh, APF vẫn đang duy trì phong độ liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới. Kết phiên 24/4, cổ phiếu này đang dừng tại vùng đỉnh với mức giá 78.100 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 29% kể từ đầu năm.

Trong khi đó, CAP cũng chứng kiến đà tăng mạnh từ đầu năm và đang trên đường hướng về vùng đỉnh cũ được thiết lập vào giữa năm 2022. Hiện, thị giá CAP đang ở mức 88.000 đồng/cp, tăng trên 20% so với thời điểm đầu năm.

Hay như nhóm cổ phiếu gạo cũng xuất hiện nhiều cái tên tăng vài chục phần trăm từ đầu năm. Trong đó, cổ phiếu TAR (Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An) tăng gần 40% so với đầu năm lên 14.800 đồng/cp; LTG (Lộc Trời) tăng 30% lên mức 30.600 đồng/cp; PAN (PAN Group) cũng tăng 20% lên 18.000 đồng/cp.

Mặc dù không ghi nhận đà tăng mạnh từ đầu năm như những nhóm trên, song một số cổ phiếu nông nghiệp khác như HAG (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), HNG (Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai), BAF (Nông nghiệp BAF), DBC (Dabaco)… đã trở thành điểm sáng của thị trường khi hấp dẫn dòng tiền đầu tư trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, một số cổ phiếu thủy sản, điển hình như VHC (Vĩnh Hoàn)… cũng có tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung giá cổ phiếu vẫn tăng giảm đan xen với biên độ lớn.

Triển vọng tuy sáng, thách thức vẫn còn

Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình xuất khẩu nhìn chung không có nhiều đột phá, song cổ phiếu của nhiều mặt hàng nông sản lại trở thành điểm sáng khi không ít cái tên ngược dòng tăng trưởng tốt, số khác ghi nhận mức giảm thấp hơn mặt bằng chung vẫn trở thành điểm sáng và ngược dòng thị trường chung. Điều này được cho là đến từ thông tin kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản xấp xỉ hàng "tỷ đô" trong quý I.

Theo dữ liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam quý I/2023 ước đạt hơn 79,3 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gạo và rau quả là 2 mặt hàng hiếm hoi duy trì tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023 tới nay.

Sau 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam ghi nhận sản lượng gần 1,9 triệu tấn, trị giá gần 982 triệu USD, tương ứng tăng tới 34% so với cùng kỳ. Đồng thời, xuất khẩu rau quả cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 16% với trị giá 984 triệu USD. Đáng nói, kim ngạch xuất khẩu gạo trong quý I/2023 đạt mức cao nhất trong vòng 6 quý và mặt hàng rau quả ghi nhận kim ngạch lớn nhất 7 quý.

Đối với sản xuất tinh bột sắn, đây không phải ngành nghề quá nổi bật trên thị trường. Tuy vậy, kinh doanh sắn đang tăng trưởng tốt thời gian gần đây và được coi là mặt hàng nông sản xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam (trong năm 2022).

Trong khi đó, giá đường đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ trước lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu đã hỗ trợ cho giá cổ phiếu tăng vọt. Giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" từ đầu tháng 4, chạm 24,67 US cent/lb vào ngày 19/4 và cũng là mức cao nhất kể từ quý 1/2012.

Cổ phiếu nhóm nông sản được mùa

Còn giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dần hạ nhiệt và kỳ vọng giảm thuế thức ăn chăn nuôi cũng giúp mở ra triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp chăn nuôi, tác động tích cực đến cổ phiếu nhóm ngành này.

VNDirect đánh giá, nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với xung đột chưa được giải quyết giữa Nga và Ukraine, đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023.

Cổ phiếu nhóm nông sản được mùa

Nhóm phân tích cho rằng, giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ cùng với sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi (hạn hán). Dự báo giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới.

Theo SSI Research, Trung Quốc mở cửa trở lại được cho là chất xúc tác cho ngành thủy sản năm 2023, nhưng cần thêm thời gian để đánh giá tác động cụ thể. Ngành cá tra được dự báo hưởng lợi nhiều nhất, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Còn Agriseco Research kỳ vọng, giá lợn hơi có thể tạo đáy và phục hồi trong năm 2023 bởi nhu cầu ăn uống tăng trở lại khi ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục trong năm 2023 và nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh sau giai đoạn dài thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá lợn hơi ở mức thấp.

Mặc dù được hưởng lợi lớn và có nhiều triển vọng song nhóm nông sản, song VNDirect vẫn đưa ra lưu ý đối với doanh nghiệp đường và gạo.

Đối với ngành gạo, việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu. Đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa. Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác. Hơn nữa,  gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo Thái Lan trong năm 2023.

Doanh nghiệp mía đường cũng cần nhìn nhận một số rủi ro từ gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để hay buôn lậu cũng có thể tạo ra áp lực cạnh tranh về giá đường trong nước. Một thách thức khác là thời tiết hanh khô ở nhiều vùng mía sẽ dễ xảy ra cháy gây ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng mía.

Thị trường chứng khoán ngày 25/4/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

HQC dẫn dắt cổ phiếu nhỏ "dậy sóng", VN-Index giữ mốc 1.040; Cổ phiếu KVC nhận “án” huỷ niêm yết; Vinhomes muốn huy động 10.000 ...

Thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ kết thúc "có hậu" hơn năm 2022

Với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 được cho là sẽ 'kết thúc có hậu' hơn ...

Chứng khoán Mỹ phân hóa chờ kết quả lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn

Chứng khoán Mỹ ngày 24/4 dao động quanh tham chiếu khi nhà đầu tư chờ đợi một loạt báo cáo kết quả lợi nhuận từ ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán