Cổ phiếu ngân hàng xứng đáng được định giá cao hơn!

(Banker.vn) Chất lượng tài sản của các ngân hàng đã có sự cải thiện, tuy nhiên SSI cho rằng, năm 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành này...

Cơ sở hút tiền

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều tăng trên 5%, một số ngân hàng đã có mức tăng hai con số. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang là nhóm trụ cột đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của VN-Index.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam chỉ ra cơ sở để thúc đẩy cổ phiếu ngân hàng có sự bứt tốc và hút mạnh dòng tiền.

Thứ nhất, đó là tín dụng tăng mạnh 2 tháng cuối năm kéo theo tăng trưởng tín dụng cả năm lên 13,5%. Theo đó, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các ngân hàng sẽ khả quan hơn.

Thứ hai, thời gian qua, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động khiến chi phí vốn giảm 1-2% trong quý IV/2023, giúp cho ngân hàng có mức NIM (biên lãi ròng) tốt trong giai đoạn này, tạo dư địa cho ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng trở lại.

Thứ ba, khác với mọi năm, ngay đầu năm 2024, NHNN giao mức room tín dụng 15% cho các ngân hàng để chủ động hơn trong hoạt động tín dụng, cũng là điều kiện để nhóm cổ phiếu ngân hàng có cơ hội bứt phá trong năm 2024.

Cổ phiếu ngân hàng xứng đáng được định giá cao hơn!
Một yếu tố hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là những điều chỉnh từ chính sách

Báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng vừa cập nhật, SSI Research cũng đưa ra nhận định, với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn trong năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi lên mức 14%. Dư địa tăng trưởng tín dụng có thể sẽ đến từ một số lĩnh vực khối doanh nghiệp như ngành xây dựng cơ sở hạ tầng; doanh nghiệp sản xuất và FDI; các ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ.

Trong năm 2024, SSI Resarch cũng kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, chi phí vốn dự kiến giảm 113 điểm cơ bản so với cùng kỳ, tỷ lệ CASA cải thiện và các khoản vay mới có thời hạn dài hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực về NIM cho các TCTD. Dự báo NIM sẽ phục hồi 9 điểm cơ bản lên mức 3,75% cho các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu.

"Nhìn chung, sự chuyển biến về mặt cơ bản dù chậm và chưa thật sự mạnh mẽ đang là chất xúc tác cần thiết để các nhà đầu tư tái định giá lại nhóm cổ phiếu ngân hàng", chuyên gia phân tích SSI Research nhận định.

Yếu tố nữa được các chuyên gia chứng khoán đề cập đến có thể hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là những điều chỉnh từ chính sách. NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 22 là quy định hệ số rủi ro tín dụng áp dụng cho khoản cho vay thế chấp mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ từ 20-50%, thấp hơn nhiều so với hệ số rủi ro tín dụng đối với khoản vay thế chấp thông thường là 25-100%. Nội dung sửa đổi này được kỳ vọng khuyến khích các TCTD đẩy mạnh phát triển cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần phục hồi thị trường bất động sản.

Còn đó thách thức

Hiện tại, các nhà băng đã chủ động hơn trong kiểm soát rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu và làm dày "bộ đệm" vốn để ứng phó tốt hơn với những cú sốc của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã rục rịch thực hiện kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Cụ thể, không chỉ BAC A BANK, VietinBank mà dự kiến tại mùa đại hội đồng cổ đông 2024, sẽ có nhiều ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Chất lượng tài sản của các ngân hàng đã có sự cải thiện, tuy nhiên SSI cho rằng, năm 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành này.

Phân tích kỹ hơn về chất lượng tài sản các ngân hàng, SSI cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.

Tuy nhiên, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng đang có xu hướng tăng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng..

Không phủ nhận khó khăn phía trước vẫn còn hiện hữu, song chuyên gia phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy một vài cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức tốt để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm đón đầu sự hồi phục.

Chung quan điểm, KBSV đánh giá ngành Ngân hàng sẽ còn phả̉i đối diện với một vài khó khăn trong thời gian tới, tùy thuộc vào mức độ hồi phục của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Nhưng, tựu chung lại bức tranh tổng thể của toàn Ngành đã xuất hiện những điểm sáng để cổ phiếu của nhóm này xứng đáng được tái định giá ở mức cao hơn.

Dòng tiền tham lam bắt đáy, FIR đảo chiều tăng trần sau khi bốc hơi 50%

Sau đà giảm sâu, cổ phiếu FIR bất ngờ đảo chiều sau khi có sự tham gia của dòng tiền tham lam.

VN-Index hướng đến mốc 1.430, cổ phiếu nào hứa hẹn "bừng sáng"?

Chứng khoán VNDirect cho rằng, VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở mức 1.430 điểm, tăng mạnh 27%, P/E dự phóng đạt 15,0x với ...

Ái nữ nhà "vua tôm" Minh Phú gom thành công 1,8 triệu cổ phiếu MPC sau thương vụ chuyển nhượng

Bà Lê Thị Minh Ngọc, con gái ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc và bà Chu Thị Bình - Chủ tịch HĐQT đã ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục