Cổ phiếu ngân hàng tìm về đáy cũ, từ "siêu trụ" thành "gánh nặng" thị trường

(Banker.vn) Nhiều cổ phiếu ngân hàng bỗng quay đầu lao dốc và đang có xu hướng tìm về đáy cũ xác nhận hồi trung tuần tháng 6, thậm chí có nhiều phiên các “siêu trụ” thuộc nhóm cổ phiếu này còn trở thành “gánh nặng” của chỉ số chung...

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Chìm trong sắc đỏ, EIB ‘ngược dòng’ tăng tuần thứ 2 liên tiếp

Phiên giao dịch đầu tuần (26/9), VN-Index giảm 28,93 điểm (-2,4%) xuống 1.174,35 điểm, chính thức mất ngưỡng cứng 1.200 điểm sau 2 tháng và bị điều chỉnh về mức thấp nhất kể từ 13/7 đến nay. Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục gây ra tác động tiêu cực nhất. Trong đó, cổ phiếu CTG (VietinBank) dẫn đầu khi có thời điểm đã giảm sàn trước khi kịp hồi nhẹ còn giảm 6% về 23.500 đồng/cp.

Nhiều mã ngân hàng khác có mức giảm quanh 4-5% như BID (BIDV), VPB (VPBank), STB (Sacombank), MBB (MB), SHB (Sahabank), LPB (LienVietPostBank). Như vậy, tính từ vùng đỉnh thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 đến nay, ngoại trừ cổ phiếu EIB, còn lại toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều đã giảm khoảng 40% - 50%.

So với mức đỉnh, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lùi về mức giá khá rẻ có thể kể đến như BID đang được giao dịch 33.400 đồng/cp; STB là 20.500 đồng/cp; TCB (Techcombank) là 33.250 đồng/cp; TPB (TPBank) là 24.900 đồng/cp…Một số khác thậm chí còn về dưới 20.000 đồng/cp, như MSB (MSB) còn 17.100 đồng/cp; SHB còn 12.400 đồng/cp; LPB còn 13.150 đồng/cp…

Cổ phiếu ngân hàng

Trước đó, trong giai đoạn đầu tháng 8, với “sức khỏe tài chính” được đánh giá cao, dòng tiền tìm về mạnh mẽ giúp cho cổ phiếu ngân hàng liên tục xuất hiện trong các “bữa tiệc vui” của VN-Index. Đây cũng là một trong những nhóm cổ phiếu “công thần” giúp VN-Index thoát khỏi mức đáy và mang lại kỳ vọng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong giai đoạn cuối năm.

Tuy nhiên, sau giai đoạn đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng bỗng quay đầu lao dốc và đang có xu hướng tìm về đáy cũ xác nhận hồi trung tuần tháng 6, thậm chí có nhiều phiên các “siêu trụ” thuộc nhóm cổ phiếu này còn trở thành “gánh nặng” của chỉ số chung như VCB (Vietcombank), BID, CTG, VPB, TCB, MBB,...

Kéo theo đó, vốn hóa thị trường toàn ngành ngân hàng đã mất khoảng 364.000 tỷ đồng (~15,6 tỷ USD) xuống dưới 1,54 triệu tỷ đồng, thấp hơn cả thời điểm VN-Index chạm đáy (1.150 điểm) ngày 6/7. Trong đó, CTG, VPB, VIB, TPB, SHB đều đã mất hơn 1 tỷ USD vốn hóa từ đầu năm, riêng TCB “bốc hơi” khoảng 2,4 tỷ USD. Đồng thời, định giá ngành ngân hàng đã xuống mức thấp với PB 2022 trung vị 1,3 lần, thấp hơn 35% so với mức trung bình 3 năm là 2 lần với phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều có PB dưới 1,5.

Khó khăn sẽ tiếp tục bủa vây?

Khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục bủa vây nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Trước áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%, có hiệu lực từ ngày 23/9. Việc NHNN tăng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán vốn đang èo uột, xuống mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021, chỉ sau giai đoạn thị trường xuống đáy hồi tháng 7.

Trong khi đó, với tổng khối lượng lưu hành (53,7 tỷ cổ phiếu) và freefloat (29,2 tỷ cổ phiếu) đều lớn nhất sàn, nhóm ngân hàng cần dòng tiền rất lớn để có thể đủ sức hấp thụ hết nguồn cung này. Thậm chí, 11 cổ phiếu ngân hàng gồm MBB, VPB, TCB, ACB (Á Châu), SHB, VIB (VIB Bank), HDB (HDBank), SSB (SeABank), STB, MSB, LPB còn có lượng cổ phiếu trôi nổi tự do trên 1 tỷ đơn vị. Vì vậy, trong bối cảnh thanh khoản ngày càng èo uột, rất khó để các cổ phiếu nhà băng có thể nổi dậy.

Theo ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Smart Invest, về mặt kỹ thuật, ngân hàng thương mại sẽ giảm NIM do đầu vào tăng mà đầu ra chưa thể tăng tương ứng ngay do Chính phủ vẫn muốn ổn định mức lãi suất chấp nhận được cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm là rất ít khiến các ngân hàng không có khả năng tăng trưởng mạnh so với đầu năm. “Nhìn chung thông tin về nhóm ngân hàng không được tích cực”, ông Khánh nói.

Cùng góc nhìn thận trọng, ông Lã Giang Trung, CEO của Passion Investment cho rằng, nhóm ngân hàng thường sẽ rất tốt ở giai đoạn bùng nổ của nền kinh tế và có một số khó khăn ở giai đoạn tăng trưởng có phần trầm lắng. Do đó, triển vọng trong những tháng cuối năm nay và cả năm sau là không quá tốt. “Nhà đầu tư chỉ nên quay lại nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và lãi suất ở mức thấp”, CEO của Passion Investment khuyến nghị.

Tương tự, VNDirect cho rằng, khó khăn trong ngắn hạn là khó tránh khỏi, tuy nhiên triển vọng dài hạn của nhóm ngân hàng vẫn được đánh giá lạc quan. Các ngân hàng như Vietcombank, MB, HDBank, Vietinbank, Techcombank, VPBank, Á Châu, VIB Bank, LienVietPostBank, TPBank... có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ 31%/15% trong giai đoạn 2022/23. Ngoài ra, còn được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản vững chắc, thu nhập từ phí cải thiện và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục