Cổ phiếu ngân hàng tăng giá chóng mặt

(Banker.vn) Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang là tâm điểm của thị trường với đà tăng mạnh mẽ, kéo chỉ số đi lên. Nhiều nhà đầu tư “không chơi dòng bank” nhưng nay cũng “bắt trend” xuống tiền và có lợi nhuận khả quan.

Trong 1 tháng qua, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá chóng mặt và đà tăng dường như chưa có điểm dừng. Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP VietinBank đã tăng 25,49% lên mức giá 51.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tăng 15% lên mức giá 47.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt tăng từ 13/000 đồng/cổ phiếu lên mức 23.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ tăng trên 75% với mức thanh khoản vài triệu đơn vị một phiên. Cổ phiếu VCB tăng không nhiều khoảng 5%, lên mức 99.000 đồng/cổ phiếu.

Lý giải đà tăng ấn tượng của cổ phiếu “vua”, Trung tâm nghiên cứu của Công ty chứng khoán BSC cho rằng một yếu tố quan trọng là mức tăng trưởng lợi nhuận quý I/2021 của các ngân hàng ở mức cao. Mức lợi nhuận này đến từ nhiều yếu tố thuận lợi như phục hồi về cho vay, tối ưu hóa nguồn huy động giúp giảm chi phí vốn, sự phục hồi tăng trưởng thu ngoài lãi và tiết giảm chi phí.

Bên cạnh đó, lo ngại về trích lập dự phòng cũng giảm bớt khi các khoản nợ tái cơ cấu giảm mạnh. Thêm vào đó, nhiều thông tin hỗ trợ đến từ các cổ phiếu lên sàn và chuyển sàn, bán một phần công ty con và ký hợp đồng bancassurance giúp ngành ngân hàng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, theo nghiên cứu từ SSI Research, có khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong năm 2021. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82,7 nghìn tỷ đồng (+31% YoY), trong đó 61,8 nghìn tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18,3 nghìn tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2,6 nghìn tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP.

SSI cho rằng trong quá khứ, những đợt tăng vốn cải thiện đáng kể các chỉ tiêu an toàn vốn của ngân hàng. Sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đến nay, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.

Ở một số ngân hàng, việc phát hành mới cổ phiếu đã nằm trong kế hoạch trước đây, VIB và VPB đã đặt kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ trong 2018-2019. Tương tự, VCB và BID lên kế hoạch bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sau đợt tăng vốn năm 2019. LPB tổ chức phát hành riêng lẻ trong năm 2020. Tất cả các kế hoạch này đều được tái khởi động lại trong năm nay.

SSI Researcho cho rằng tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, nên tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho giá cổ phiếu của hai ngành này trong năm 2021. Mặc dù triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu, SSI Research vẫn cho rằng còn cơ hội ở cổ phiếu ngân hàng.

Trong khi đó, BSC Research giữ khuyến nghị khả quan với ngành ngân hàng trong năm 2021 với quan điểm tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.

Báo cáo phân tích của Công ty quản lý quỹ Phú Hưng đánh giá tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng trong năm 2021 sẽ được dẫn dắt bởi sự phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành được kỳ vọng sẽ đạt mức từ 13% đến 14% cùng với đó hệ số NIM sẽ còn tiếp tục được cải thiện khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Trong năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại có yếu tố nhà nước sẽ vượt trội so với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân. Đà tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này sẽ được hỗ trợ bởi việc cải thiện hệ số NIM mạnh mẽ và chi phí trích lập dự phòng ổn định hơn. Các ngân hàng thương mại tư nhân theo dự báo của chúng tôi vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ 20-25% trong năm 2021.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ 

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ