Cổ phiếu ngân hàng gồng đỡ thị trường, VIB tăng mạnh gần 5%

(Banker.vn) Cổ phiếu ngân hàng trở thành lực đỡ chính của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay khi kéo VN-Index tăng hơn 0,3%. Trong đó, VIB thay thế BID trở thành mã tăng mạnh nhất với tỷ lệ 4,7%, đóng cửa tại 47.000 đồng/cp.

Sau phiên sáng giao dịch khá tích cực, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đầu cơ dường như đã không giữ được sự kiên nhẫn với nỗi lo “trâu chậm uống nước đục” nên đồng loạt bán tháo khiến hàng loạt mã giảm sàn.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử trong phiên chiều, nhưng VN-Index chỉ giảm hơn 7 điểm khi nhận được sự nâng đỡ từ nhóm VN30, đặc biệt là ngành ngân hàng.

Vốn làm nản lòng nhà đầu tư trong thời gian dài, cổ phiếu ngân hàng lại trở thành lực đỡ chính của thị trường trong những phiên giảm sâu. Trong phiên giao dịch hôm nay, nhóm này đã kéo VN-Index tăng hơn 0,3% và là ngành hiếm hoi giữ được sắc xanh.

Trong danh sách tăng giá, VIB thay thế BID trở thành mã tăng mạnh nhất với tỷ lệ 4,7%, đóng cửa tại 47.000 đồng/cp.

Kế đến, SSB cũng đảo chiều tăng vọt 4,2% lên 38.050 đồng/cp trong phiên chiều. BID đã có lúc tăng hơn 4%, nhưng kết phiên hạ nhiệt xuống mức tăng 2,7% lên 43.550 đồng/cp nhưng vẫn là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 1,5 điểm, bằng hai mã VIB và SSB cộng lại. HDB vẫn giữ phong độ với mức tăng 2,7% lên 28.300 đồng/cp.

MBB cũng tăng tốt 2% lên 32.650 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đứng đầu toàn ngành và thứ ba toàn thị trường, đạt hơn 30,1 triệu đơn vị. Một số cổ phiếu vốn hoá lớn khác cũng nỗ lực duy trì sắc xanh đến cuối phiên như VPB, ACB, TCB, SHB, MSB, CTG và VCB.

Trong khi đó, các cổ phiếu STB, LPB và TPB quay đầu giảm điểm cùng với 2 mã EIB và OCB vẫn giữ sắc đỏ từ phiên sáng.

3842-co-phieu-ngan-hang
(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Đồng thuận với xu hướng chung của thị trường, thanh khoản của ngành ngân hàng của tăng mạnh lên 4.220 tỷ đồng qua hai kênh khớp lệnh và thoả thuận, trong đó bên bán chiếm ưu thế hoàn toàn so với bên mua.

NĐT nước ngoài tiếp tục giải ngân vào nhóm cổ phiếu ngân hàng với quy mô mua ròng hơn 115 tỷ đồng. Sau khi bán mạnh trong những tuần trước, khối nay quay đầu gom gần 63 tỷ đồng mã HDB, tương đương 2,2 triệu đơn vị.

Mặc lực xả từ NĐT cá nhân và các thông tin tiêu cực, nhóm này tiếp tục mua ròng STB với giá trị gần 48 tỷ đồng.

Trong thông cáo mới đây, Sacombank ghi rõ "ngày 29/3/2022, Chủ tịch FLC Group - ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Một số thông tin cho rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Sacombank bởi FLC Group là khách hàng có giao dịch tín dụng tại Sacombank".

Trả lời cho vấn đề này, Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.

"Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo", ngân hàng khẳng định.

Một chủ nợ khác của FLC là Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) cũng cho biết các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.

Tổng Giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cho biết tài sản bảo đảm của khoản vay của FLC tại ngân hàng chủ yếu là bất động sản (trị giá khoảng hơn 2.000 tỷ đồng) và chỉ một phần nhỏ là thế chấp bằng cổ phần của Bamboo Airways (BAV - trị giá khoảng 100 tỷ đồng).

Trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ông Tùng cho rằng: "Thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt là thông tin xấu, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Tuy vậy, đến thời khắc này, chung tôi tương đối yên tâm về khoản cho vay với FLC, do tài sản đảm bảo lớn và doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định”.

Bảo Ngọc

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán