Cổ phiếu ngân hàng giao dịch ảm đạm, VBB “lao dốc” sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp

(Banker.vn) Phiên giao dịch hôm nay (10/1/2023), cổ phiếu ngân hàng không còn giữ nhịp thị trường và giao dịch phân hoá. Hầu hết các cổ phiếu đều ghi nhận biên độ thấp cùng thanh khoản thấp.
“Giải khát cho cổ đông”: 3 ngân hàng đầu tiên lên kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt

Thị trường trong nước phiên này chủ yếu giao dịch giằng co nhưng hụt hơi vào những phút cuối. Thanh khoản xuống thấp xuất phát từ dòng tiền nội và hiện tượng phân hóa khiến thị trường rơi vào cảnh “chợ chiều”. Trong bối cảnh như vậy, nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công được dòng tiền chú ý và là điểm sáng của thị trường phiên này cùng hoạt động mua ròng mạnh từ khối ngoại.

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 10.985 tỷ đồng, tăng 14,4% so với phiên đầu tuần những vẫn giảm 6,23% so với bình quân ở tuần trước.

Cổ phiếu VBB của VietBank giảm mạnh nhất toàn ngành trong phiên 10/1
Cổ phiếu VBB của VietBank giảm mạnh nhất toàn ngành trong phiên 10/1

Xét theo nhóm ngành, khác với những phiên giao dịch trước, cổ phiếu ngân hàng không còn giữ nhịp thị trường và giao dịch phân hoá. Hầu hết các cổ phiếu đều ghi nhận biên độ thấp cùng thanh khoản thấp.

Ở chiều giảm giá, cổ phiếu VBB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đảo chiều giảm 5,8% xuống 11.400 đồng/cp. Trước đó, mã này đã ghi nhận chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp, tương ứng tỷ lệ tăng hơn 50% từ vùng giá 8.000 đồng/cp.

Được biết, Vietbank đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ 1.090 tỷ đồng xuống 800 tỷ đồng, giảm 26,6% so với kế hoạch trước đó. Tổng tài sản cũng được điều chỉnh giảm từ 133.000 tỷ đồng xuống 115.000 tỷ đồng, giảm 13,5% so với kế hoạch.

Ngoài ra, Vietbank cũng điều chỉnh tổng huy động khách hàng (gồm giấy tờ có giá) từ 102.000 xuống 84.000 tỷ đồng, giảm 17,6% so với kế hoạch trước đó. Trong khi đó ngân hàng vẫn giữ nguyên tổng dư nợ cho vay là 65.200 tỷ đồng. Vietbank cũng dự kiến tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 2,5%, trong khi đó kế hoạch đã giao ban đầu là tỷ lệ nợ xấu dưới mức này.

Một số bluechip khác giảm nhẹ trong phiên là CTG (-1,9%), TCB (-1,1%), VPB (-0,8%)… và đều nằm trong Top 10 mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.

Tại chiều tăng, các cổ phiếu vốn hoá lớn cân lại áp lực tại chiều bán có MSB (1,6%), ACB (1,5%), STB (1,2%), BID (0,7%) và VCB (0,5%).

Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì ở mức trung bình 1.700 tỷ đồng và không có mã nào ghi nhận khối lượng giao dịch vượt trội. Tại kênh thoả thuận, cổ phiếu EIB tiếp tục gây chú ý khi được "sang tay" hơn 607 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch ảm đạm, VBB “lao dốc” sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp

Nhận định phiên giao dịch chứng khoán phiên 11/1/2023, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp trong vùng 1.047 – 1.062 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, điểm tích cực là mức độ biến động của thị trường cải thiện cho thấy thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn biến động rõ ràng hơn trong vài phiên tới.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục ít biến động cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng và bi quan với xu hướng hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu dưới mức 50% danh mục.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), Thị trường vẫn đang có diễn biến e dè trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cùng với thanh khoản ở mức thấp. VN-Index khả năng sẽ đi ngang sẽ kéo dài đến hết năm âm lịch Nhâm Dần.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị nhà đầu tư thực hiện bán trading một phần vị thế ngắn hạn tại vùng kháng cự và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán