Cổ phiếu ngân hàng dù tăng tốt, nhiều cổ đông vẫn chưa thể "về bờ"

(Banker.vn) Xét trong những cổ phiếu niêm yết trên HOSE, vẫn còn 11/16 mã vẫn thấp hơn mức đỉnh đạt được hồi tháng 6, tháng 7. Trong đó, kết phiên 26/11, giá cổ phiếu LPB vẫn thấp hơn 20,9% so với đỉnh cũ; CTG thấp hơn 18,7%; VIB 14,9%;...

Trong quý III, trải qua nhiều khó khăn trước tác động tiêu cực từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, triển vọng ngành ngân hàng trở nên kém khả quan hơn, qua đó trực tiếp phản ánh lên giá cổ phiếu trên thị trường. Nhiều mã ngân hàng có thời điểm đã giảm 20 - 30% so với mức đỉnh đã lập vào hồi tháng 6, 7.

Song, sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những phiên gần đây đã giúp nhiều mã tìm lại được ngưỡng đỉnh lịch sử.

Mới đây nhất, sau khi tăng kịch trần phiên 24/11, OCB và SSB đã cùng vượt đỉnh lịch sử lên mức lần lượt là 29.950 đồng/cp và 39.500 đồng/cp. Ngay trước đó vào phiên đầu tuần (22/11), HDB và TPB cũng đã lập mới tại mức 32.300 đồng/cp và 46.500 đồng/cp.

Dù vậy, vẫn còn không ít những cổ phiếu ngân hàng khác vẫn chưa thể "về bờ", một số mã thậm chí vẫn còn cách đỉnh hơn 20%.

Nguồn: Lê Huy - Vietnambiz

Xét trong những cổ phiếu niêm yết trên HOSE, vẫn còn 11/16 mã vẫn thấp hơn mức đỉnh đạt được hồi tháng 6, tháng 7. Trong đó, kết phiên 26/11, giá cổ phiếu LPB vẫn thấp hơn 20,9% so với đỉnh cũ; CTG thấp hơn 18,7%; VIB 14,9%;...

Theo nhận định của giới phân tích, thông tin ngân hàng được nới hạn mức tín dụng là một trong những động lực tích cực cho nhóm cổ phiếu này trong thời gian gần đây.

Theo thông tin từ Chứng khoán BSC, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021, nới thêm đáng kể so với mức 17,4% trước đó. Ba ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).

Nhóm phân tích nhận định rằng đợt tăng hạn mức tín dụng lần này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.

Một yếu tố khác có thể kể đến đó là kết quả kinh doanh của một số nhà băng vẫn khởi sắc trong quý III bất chấp dịch bệnh và việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, tính chung trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù các con số về nợ xấu lại cho thấy điều ngược lại, song, theo Chứng khoán MBKE, những lo ngại về nợ xấu gia tăng đang bị thổi phồng.

Về cơ bản, MBKE đánh giá tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết ngân hàng vẫn ở mức cơ bản và khá. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng cũng đã được tăng cường. Các chuyên gia cho rằng nợ xấu tăng do dịch bệnh sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng Việt. Theo đó, nhiều khoản vay sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn khi nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, chia sẻ từ một giám đốc môi giới công ty chứng khoán lớn, sau khi dòng tiền đầu cơ đẩy cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và midcap tăng nóng, định giá của các cổ phiếu bluechip đặc biệt là ngành tài chính lại trở nên hấp dẫn trên thị trường.

Việc giữ đà tăng trưởng trong kết quả kinh doanh trong khi lại giảm giá ngắn hạn vừa qua cũng đưa định giá nhóm ngân hàng trở nên "rẻ" hơn. Đơn cử, theo dữ liệu của SSI AM, giá trị P/E và P/B của ETF SSIAM VNFin Lead mô phỏng chỉ còn khoảng 11,22 lần và 2,06 lần trong khi P/E của VN-Index hiện trên 17 lần.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục