Trong báo cáo mới đây đánh giá về thị trường chứng khoán, nhóm phân tích của FiinGroup nhận định rằng định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm 2021 khi chỉ số giá nhóm cổ phiếu này đã tăng 34,4% kể từ đầu năm, cho thấy triển vọng tích cực đã phần nào được phản ánh vào giá.
Theo FiinGroup, yếu tố phát hành cổ phiếu một mặt có tác động rất tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá.
Cụ thể, trong tổng số 102.600 tỷ đồng giá trị phát hành vốn mới (bao gồm đã thực hiện và dự kiến thực hiện trong năm 2021) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết thì các ngân hàng chiếm 21,4% và lên tới 22.000 tỷ đồng.
Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, thì tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020, theo tính toán của nhóm phân tích.
Trong năm nay, FiinGroup kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ tăng trưởng 23,8%. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao; đẩy mạnh cho vay sau khi tăng quy mô vốn chủ; áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không lớn nhờ Thông tư 03 và thu nhập từ hoạt động dịch vụ đang không ngừng tăng trưởng cao.
Thực tế kết thúc quý I/2021, các ngân hàng đã thực hiện 1/3 kế hoạch lợi nhuận năm, cho thấy khả năng cao có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Trong quý I/2021, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tuy có giảm nhẹ 1,2% so với quý IV năm ngoái, nhưng đã tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng cả thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ (thanh toán và bán chéo bảo hiểm).
"Tuy nhiên, vấn đề là tín dụng cá nhân, thường là nguồn thu tín dụng lớn và đóng góp lớn vào NIM của các ngân hàng trong thời gian qua, đã có dấu hiệu chững lại và chỉ ngang bằng với tín dụng doanh nghiệp", theo nhóm phân tích.
Nợ xấu và nợ cần chú ý bắt đầu tăng so với quý trước và hiện ở mức tương ứng 1,41% và 1,12% vào cuối quý I/2020. Dư nợ cho vay cá nhân của các ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn, dẫn đến rủi ro tín dụng được phân tán, mặc dù dịch bệnh có thể làm ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận khách hàng nhất định.
Hơn nữa, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 đều có tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu dư nợ theo ngành", FiinGroup cho biết.
"Sau khi tăng mạnh trong quý IV/2020, tỷ lệ dự phòng rủi ro trên nợ xấu và nợ cần chú ý tiếp tục tăng. Như vậy, các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc trích lập để chuẩn bị bộ đệm lớn hơn dự phòng rủi ro có thể xảy ra. Mặt khác, một phần quỹ trích lập có thể được hoàn nhập, góp phần vào lợi nhuận tương lai", FiinGroup đánh giá.
Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng tiếp tục được cải thiện cùng với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) liên tục giảm qua các năm và tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý I/2021.
Lê Huy
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|