Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 2/2024, thị trường chứng khoán đã lấy lại sắc xanh với đà tăng trên 8 điểm với thanh khoản trên 15 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp gặp phải áp lực chốt lời với đà giảm của các cổ phiếu TCB, VPB, BID, VIB.
Diễn biến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm nay. |
Dưới áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường chứng khoán biến động tương đối mạnh. Để có góc nhìn chuyên sâu hơn về diễn biến của VN-Index cũng như xu thế của nhóm ngân hàng trong thời gian sắp tới, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Tài chính Phạm Quang Thịnh, hiện đang là nhân viên tư vấn CTCK SSI.
PV: Thị trường chứng khoán khép lại tháng đầu tiên của năm 2024 với sự dẫn dắt của dòng bank. Theo ông, liệu dòng bank có thể duy trì sức mạnh trong giai đoạn tiếp theo?
Ths. Phạm Quang Thịnh: Trong tháng 1/2024, nhóm cổ phiếu Ngân hàng đã có sự thể hiện tốt khi hầu hết các cổ phiếu thuộc nhóm này đều có mức tăng khoảng 20%. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu đã thiết lập được mức đỉnh lịch sử mới như ACB, BID hay VCB.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, hiện tại nhiều cổ phiếu Ngân hàng đã xuất hiện phân kỳ đỉnh ngắn hạn. Thực tế, nhịp điều chỉnh dường như đã bắt đầu ngay trong phiên giao dịch 31/1 với đà giảm gần 6% của cổ phiếu SHB cùng thanh khoản cao nhất lịch sử. Nhịp điều chỉnh này có thể kéo dài trong khoảng một tuần và các cổ phiếu Ngân hàng có thể cân bằng ở vùng trung bình động EMA50.
Trong thời gian tới nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tiếp tục tăng thêm một đoạn nữa sau nhịp điều chỉnh ngắn này để hình thành phân kỳ đỉnh tam đoạn và sau đó đi vào xu hướng giảm ngắn hạn. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng trong giai đoạn tới, sức mạnh của nhóm Ngân hàng sẽ có chút suy yếu so với thời điểm trước do một phần dòng tiền đã có dấu hiệu dịch chuyển dần sang nhóm cổ phiếu MidCap, điển hình như nhóm Chứng khoán.
PV: Thời điểm hiện tại, có thể thấy rằng dòng tiền đang có xu hướng nghỉ lễ khi Tết nguyên đán đang tới gần. Theo ông, liệu dòng tiền có quay trở lại thị trường sau tết và NĐT nên làm gì?
Ths. Phạm Quang Thịnh: Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản thị trường đang khá trầm lắng do hiệu ứng kỳ nghĩ Tết Nguyên đán đang tới gần. Thực tế, nhiều NĐT có tâm lý phân vân muốn dự trữ tiền cho việc mua sắm Tết hoặc đã thu hẹp danh mục/hạn chế sử dụng margin để tránh phải chịu lãi trong 7 ngày nghỉ.
Theo thống kê từ năm 2001 đến nay, VN-Index có 17/23 lần tăng trong 5 ngày giao dịch cuối cùng trước Tết và 14/23 lần VN-Index tăng trong 5 ngày giao dịch đầu tiên sau Tết. Điểm lại những con số trong quá khứ cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam thường khá hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết”, thậm chí mức tăng còn rất tích cực so với những lần ít ỏi giảm điểm. Trong đó, nếu chỉ tính riêng phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán, thống kê cho thấy VN-Index có 15 phiên tăng và 8 phiên giảm.
Do đó, cá nhân tôi đánh giá dòng tiền sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, dựa vào thống kê lịch sử, NĐT có thể xem xét mua cổ phiếu vào nhịp điều chỉnh này và bán ngay phiên giao dịch đầu tiên đầu Xuân mới (mùng 6 Tết) để lấy lộc đầu năm.
PV: Tới thời điểm hiện tại, các DN đã công bố BCTC quý 4/2023. Theo ông, đâu sẽ là nhóm ngành hút tiền trong những tháng tiếp theo?
Ths. Phạm Quang Thịnh: Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã công bố BCTC với nhiều điểm nhấn. Dựa trên góc kết quả kinh doanh của từng ngành nói chung hay các doanh nghiệp nói riêng, tôi đánh giá như sau:
Ngân hàng: Xét về lợi nhuận thì nhóm này vẫn là quán quân khi trong số 22 Ngân hàng đã công bố lợi nhuận Quý IV/2023 thì chỉ có 6 Ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều Ngân hàng như LPB, NAB có sự tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh trên 250% và HDB, VPB tăng trưởng gần 100%.
Chứng khoán: Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ đến từ việc thị trường tăng nhẹ và thanh khoản dù chưa thể quay lại mức đỉnh kỷ lục như thời gian trước nhưng vẫn đạt xấp xỉ 17.000 tỷ đồng/phiên. Thị trường giao dịch tốt đã tạo điều kiện cho mảng môi giới và margin duy trì doanh thu. Đồng thời, các nhịp hồi phục dài cũng giúp danh mục tài sản hồi phục, thúc đẩy lợi nhuận của CTCK hồi phục.
Đầu tư công: Được sự hỗ trợ từ chính sách và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp đã giúp cho nhiều doanh nghiệp trong nhóm này tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ tuy nhiên chưa có quá nhiều đột phá.
Thép: Lợi nhuận của nhóm này đã cho dấu hiệu tạo đáy trong bán niên cuối năm 2022 và bắt đầu tăng trưởng trở lại trong năm 2023 đến từ việc đáp ứng cho nhu cầu xây dựng các công trình công và giá HRC đã tăng trở lại về vùng đỉnh ngắn hạn.
Khu công nghiệp: Lợi nhuận tăng trưởng khá ổn định do hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang dẫn đến việc giá thuê tăng và tỷ lệ lấp đầy ở mức cao. Ngoài ra, theo thông tin mới nhất, nguồn vốn FDI liên tục tăng cao cũng sẽ là động lực cho nhóm này trong thời gian tới.
Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi thì nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa gồm 4 nhóm Chứng khoán, Đầu tư công, Thép, Khu công nghiệp sẽ thu hút được dòng tiền trong nhịp sau Tết và nhóm Ngân hàng sẽ là điểm tựa khi thị trường cần đến để vượt các mốc kháng cự lớn như 1.200 điểm, dư địa còn lại của nhóm này sẽ là không nhiều.
PV Gas (GAS) lãi ròng 14 con số sau một năm, phải thu từ POW hơn 2.400 tỷ đồng Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty CP (PV Gas, HOSE: GAS) kết thúc năm 2023 ghi nhận khoản lãi ròng đạt 11.600 ... |
GVR dẫn sóng khu công nghiệp, VN-Index lấy lại đà tăng Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Hai, nhóm cổ phiếu BĐS KCN bất ngờ dẫn sóng. Đáng chú ý, GVR tăng trần với ... |
Hưởng lợi giá vàng neo cao, PNJ ghi nhận doanh thu khủng trong quý 4/2023 Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với nhiều điểm đáng chú ý. |
Thiên Dương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|