Cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp

(Banker.vn) Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên 4/5 khi nỗi lo về tác động lây lan trong lĩnh vực ngân hàng địa phương chưa được kiểm soát. Nhà đầu tư cũng đánh giá tác động từ đợt nâng lãi suất 25 điểm cơ bản của Fed và các nhận định của Chủ tịch Jerome Powell trong cuộc họp báo.

Trong phiên giao dịch ngày 4/5, chỉ số Dow Jones đã giảm 287 điểm, tương ứng 0,86% và chốt phiên ở mức 33.127 điểm. Đà giảm của Boeing, Disney, Goldman Sachs và American Express góp phần kéo lùi Dow Jones.

S&P 500 rớt 0,72%, đóng cửa ở ngưỡng 4.061 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,49% xuống còn 11.966 điểm. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã giảm điểm liên tiếp trong 4 ngày qua.

Cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp

Dow Jones đã sụt giảm 0,06% so với đầu năm 2023. Các chỉ số như S&P 500, Nasdaq Composite hiện vẫn đang cao hơn so với đầu năm.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đối diện với những lo ngại từ cuộc khủng hoảng ngân hàng. Cổ phiếu PacWest rớt hơn 50% sau thông tin ngân hàng này cân nhắc các phương án chiến lược, bao gồm cả "bán mình", dựa trên nguồn tin từ CNBC.

Sự sụt giảm trên diễn ra sau khi có tin vào cuối ngày 3/5 rằng ngân hàng có trụ sở tại California này đang đánh giá các lựa chọn chiến lược, bao gồm khả năng bán mình.

Cổ phiếu của nhóm ngân hàng địa phương bị bán tháo mạnh, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Bank ETF (KRE) sụt gần 5%. Western Alliance rớt 39% và bị tạm ngừng giao dịch vài lần vì biến động quá mạnh. Trước đó, có lúc cổ phiếu này lao dốc tới 59%. Còn cổ phiếu Zions Bancorporation sụt 7%.

Jeffrey Gundlach, CEO của DoubleLine, nhận định tình trạng của lĩnh vực ngân hàng địa phương có thể không khá hơn cho đến khi Fed giảm lãi suất. Kể từ sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank trong tháng 3/2023, First Republic là nạn nhân mới nhất và đã bị JPMorgan thâu tóm.

"Việc giữ lãi suất ở mức cao thế này sẽ tiếp tục gây áp lực lên các ngân hàng địa phương", ông Gundlach cho biết trong ngày 4/5. "Tôi tin rằng khả năng rất cao là sẽ tiếp tục có thêm ngân hàng địa phương sụp đổ".

Thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những bình luận sau cuộc họp hôm 3/5.

Ông Keith Apton, Giám đốc cấp cao tại UBS Wealth Management, cho rằng biến động trong lĩnh vực ngân hàng sẽ hỗ trợ cho Fed trong nhiệm vụ hạ nhiệt nền kinh tế.

“Tôi nghĩ khủng hoảng ngân hàng sẽ xử lý phần công việc của Fed… Các nhà băng khu vực sẽ phải hạn chế hoạt động cho vay. Tôi không nghĩ rằng tiền sẽ chảy qua hệ thống một cách dễ dàng trong nửa cuối năm nay và điều này sẽ gián tiếp hạ nhiệt nền kinh tế, giúp Fed thực hiện công việc bằng cách làm giảm lạm phát”, ông Apton nói.

“Vì vậy, tôi không nghĩ rằng Fed sẽ phải nâng lãi suất thêm nữa trong phần còn lại của năm nay, mặc dù dữ liệu việc làm ngày mai sẽ rất đáng chú ý”, ông nói thêm. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ sẽ được công bố vào ngày 5/5, cũng như các con số về tỷ lệ thất nghiệp.

FED bác bỏ khả năng giảm lãi suất trong năm 2023, thị trường chứng khoán đồng loạt đi xuống

Trước diễn biến không mấy tích cực của chứng khoán thế giới cũng như những thông điệp mà FED đưa ra, chứng khoản Việt Nam ...

Nhận định chứng khoán ngày 5/5/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 5/5/2023. Tạp ...

Thị trường chứng khoán ngày 5/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu vốn hóa lớn "nặng gánh", VN-Index lùi sâu; Phó Tổng Giám đốc ACL muốn thoái toàn bộ gần 5%; Chứng khoán Quốc Gia ...

Khánh Vân (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán