Cổ phiếu NDN "lao dốc", "sếp Phó" Nhà Đà Nẵng nhanh tay bắt đáy

(Banker.vn) Ông Nguyễn Quang Minh Khoa, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX – Mã: NDN) đăng ký giao dịch cổ phiếu tại công ty.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Minh Khoa, đăng ký mua 500.000 cổ phiếu NDN để nâng sở hữu từ 0,74% lên 1,44% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 17/10 - 11/11.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/10, cổ phiếu NDN tăng 200 đồng lên 7.500 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 260 nghìn đơn vị. Nếu tính theo giá thị trường ngày 12/10, ước tính ông Khoa sẽ bỏ ra 3,75 tỷ đồng để mua vào 500.000 cổ phiếu NDN.

Thực tế, sau khi ông Nguyễn Quang Trung, cha ông Nguyễn Quang Minh Khoa bị bắt tạm giam ngày 7/12/2021 tới nay, cổ phiếu NDN liên tục giảm điểm. Cụ thể, từ 7/12/2021 - 12/10/2022, cổ phiếu NDN đã giảm 57,2% từ 17.540 đồng về 7.500 đồng/cp.

Diễn biến thị giá cổ phiếu SIP thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).
Diễn biến thị giá cổ phiếu NDN thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).

Được biết, ngày 8/12/2021, HĐQT Nhà Đà Nẵng thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Minh Khoa, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Quang Minh Khoa sinh năm 1991, trình độ Cử nhân Kinh tế và chính là con trai của ông Nguyễn Quang Trung. Ông Khoa làm Thành viên HĐQT của Nhà Đà Nẵng từ ngày 24/7/2020. Đến ngày 22/6/2021, ông Khoa kiêm nhiệm thêm vị trí Phó Tổng Giám đốc của công ty.

Trước đó, HĐQT Nhà Đà Nẵng công bố thông tin thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Quang Trung khỏi vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nhà Đà Nẵng từ ngày 7/12/2021

Thông tin thêm về ông Nguyễn Quang Trung, theo tin từ Báo Công An Nhân Dân, chiều ngày 7/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1960), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự.

Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, Cơ quan điều tra đã tập trung làm rõ trước các sai phạm của ông Nguyễn Quang Trung trong việc chuyển nhượng nhà đất tại số 186 Trần Phú (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) để thực hiện các biện pháp tố tụng, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Nhà Đà Nẵng tiền thân là doanh nghiệp nhà nước. Theo kết quả điều tra, ngày 27/4/2009, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ba ngày, ông Nguyễn Quang Trung đã đại diện công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 186 Trần Phú với giá gần 2 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định công ty này đã không đấu giá bán tài sản, không tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng công khai theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,5 tỷ đồng vào thời điểm 2009. Tổng giá trị thiệt hại liên quan đến việc quản lý 7 dự án tại Nhà Đà Nẵng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Trung bắt đầu công tác ở Nhà Đà Nẵng từ năm 1992. Ông Trung đã kinh qua các vị trí như Kế toán trưởng, Phó Giám đốc, Giám đốc rồi lên làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty giai đoạn tháng 4/2010 - 5/2020. Thời điểm bị bắt tạm giam, ông Trung đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nhà Đà Nẵng.

Ngoài Nhà Đà Nẵng, ông Trung còn đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Xây lắp Phát triển Nhà Đà Nẵng và CTCP Cấp nước Đà Nẵng Ngọc Hồi.

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ

Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC trong báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ có nêu, báo cáo tài chính giữa niên độ của NDN không phản ánh trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của công ty tại ngày 30/6/2022 và kết quả hoạt động kinh doanh cũng như các luồng lưu chuyển tiền tệ cho kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2022.

Cổ phiếu NDN

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ Báo cáo tài chính bán niên năm 2022. Hình minh họa.

Cơ sở để đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ như trên được trích dẫn trong báo cáo, gồm việc giới hạn phạm vi soát xét về khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án Khu phức hợp Monarchy B – Block B tại ngày 30/6/2022 (nêu trong báo cáo tài chính là hơn 277,5 tỷ đồng). Kiểm toán cho biết không đủ cơ sở đưa ra kết luận về giá trị dở dang này cũng như ảnh hướng của nó đến giá vốn hàng bán đã ghi nhận ở các kỳ kế toán trước.

Thêm nữa, tổng số tiền nhận trước về bán căn hộ của dự án Monarchy B tại ngày 30/6/2022 là 463,6 tỷ đồng. Theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán căn hộ thì Nhà Đà Nẵng phải trả lãi trên số tiền khách hàng đã ứng nếu chậm bàn giao căn hộ quá 3 tháng. Báo cáo tài chính đính kèm chưa ghi nhận khoản lãi dự trả này, ước tính số lãi lũy kế phải trả đến 30/6/2022 là 66,3 tỷ đồng (trong đó lãi dự trả năm 2021 trở về trước là 44,7 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 là 21,5 tỷ đồng).

Theo đó, nếu hạch toán đầy đủ khoản lãi phát sinh do chậm bàn giao căn hộ nêu trên thì Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu “chi phí phải trả” sẽ tăng thêm 21,5 tỷ đồng và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” sẽ giảm tương ứng.

Đồng thời, trên Bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6/2022, chỉ tiêu “chi phí phải trả” sẽ tăng thêm 66,3 tỷ đồng, chỉ tiêu “thuế và các khoản phải nộp Nhà nước” sẽ giảm 13,3 tỷ đồng và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ giảm đi 55 tỷ đồng.

Một vài con số kinh doanh nửa đầu năm 2022 của Nhà Đà Nẵng

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sau kiểm toán Nhà Đà Nẵng ghi nhận lỗ 95,22 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 132,97 tỷ đồng. Như vậy, nếu điều chỉnh theo yêu cầu của Kiểm toán, lợi nhuận sau thuế có thể lỗ 116,72 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu giảm 99,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 233,22 tỷ đồng về 1,27 tỷ đồng (không đáng kể); doanh thu tài chính giảm 72,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 83,44 tỷ đồng về 31,97 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 328,5%, tương ứng tăng thêm 92,24 tỷ đồng lên 120,32 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, lợi nhuận ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do chi phí tài chính tăng đột biến. Trong đó, Công ty thuyết minh chủ yếu do ghi nhận 53,29 tỷ đồng lỗ kinh doanh chứng khoán, 66,22 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán…

Tính tới 30/6/2022, Nhà Đà Nẵng ghi nhận đầu tư tài chính ở mục chứng khoán kinh doanh giảm từ hơn 485 tỷ đồng xuống còn 309,5 tỷ đồng, và đã trích lập dự phòng tới 89,3 tỷ đồng.

Cụ thể, Nhà Đà Nẵng hiện đang nắm giữ lượng lớn một số cổ phiếu như SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (giá gốc hơn 124 tỷ đồng), cổ phiếu VHM của Vinhomes (hơn 87,6 tỷ đồng) hay cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (hơn 59 tỷ đồng).

Trong kỳ báo cáo, NDN từng mua vào hơn 8,2 triệu cổ phiếu SHB với tổng chi phí hơn 154,3 tỷ đồng nhưng cũng bán ra hơn 11,3 triệu cổ phiếu ngân hàng này. Tương tự là hoạt động mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu VHM (chi phí hơn 78,2 tỷ đồng), và bán ra hơn 700 ngàn cổ phiếu này.

Một số mã cổ phiếu mà Nhà Đà Nẵng đang đầu tư gồm Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP); Ngân hàng An Bình (ABB); Vinamilk (VNM); Chứng khoán Tiên Phong (ORS)…

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

VN-Index dù hồi phục, tự doanh vẫn tiếp tục bán ròng phiên thứ 6 với tâm điểm MSN

Phiên VN-Index hồi phục tốt, tự doanh công ty chứng khoán vẫn giữ chuỗi bán ròng với tâm điểm bán cổ phiếu MSN.

Chứng khoán Quốc Gia vừa gom xong 2,3 triệu cổ phiếu SAM của SAM Holdings

Tổ chức liên quan đến ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SAM Holdings (HOSE – Mã: SAM) báo cáo kết quả ...

Chốt lời cổ phiếu CKG, “Sếp phó” CIC Group “bỏ túi” hơn 8 tỷ đồng

Trên thị trường, từ ngày 22/6 - 12/10, cổ phiếu CKG của CIC Group tăng hơn 106% từ 12.350 đồng lên mức 25.500 đồng/cp và ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán