Cổ phiếu nào sáng cửa lọt rổ VN30 trong năm 2023?

(Banker.vn) Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán VNDirect, HOSE sẽ công bố kết quả xem xét định kỳ chỉ số VN30 vào 16/1/2023 và sẽ có hiệu lực từ ngày 6/2/2023. Cổ phiếu BCM có khả năng được đưa vào rổ VN30, trong khi mã KDH sẽ bị loại khỏi rổ VN30.

Kỷ lục gần 21.000 tỷ đồng qua quỹ ETF đổ vào cổ phiếu Việt Nam

Theo báo cáo cập nhật của Công ty chứng khoán VNDirect – VND, các quỹ ETF đã ghi nhận dòng vốn vào ròng với giá trị đạt 12.636 tỷ đồng (537 triệu USD) vào Việt Nam trong quý 4/2022 (so với chỉ 6,4 tỷ đồng trong quý 3/2022). Trong số các quỹ ETF, Fubon ETF có dòng tiền vào ròng lớn nhất trong quý 4/2022 với 5.252 tỷ đồng (~41% tổng dòng vốn), tiếp theo là VNDiamond ETF với 2.890 tỷ đồng (~22,6% tổng dòng vốn) và V.N.M ETF với 2.762 tỷ đồng (~21,6% tổng dòng vốn).

Trong năm 2022, dòng vốn ròng đến từ các quỹ ETF ghi nhận giá trị lên đến 20.853 tỷ đồng (880 triệu USD), gấp 4,3 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sự đóng góp lớn của Fubon ETF (~53,2% tổng dòng vốn vào) và ETF VNDiamond (32,8% tổng dòng vốn vào). VNDirect thấy rằng dòng vốn vào ròng của các ETF chiếm 81% tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm 2022.

Dòng vốn của các quỹ ETF nổi bật và tổng dòng tiền vào/ra ròng tại Việt Nam năm 2022 (Đơn vị: tỷ đồng)

Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, Bloomberg
Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, Bloomberg

Đối với năm 2023, VNDirect kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ nhích lên mức 5% trong nửa đầu năm 2023 và bắt đầu đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên trong quý 1/2024. Nhưng sự kết hợp của việc cải thiện dự trữ ngoại hối cùng với lập trường bớt diều hâu hơn của Fed vào khoảng giữa năm 2023, sẽ chấm dứt đà giảm giá của đồng VND và hé mở khả năng tỷ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1-2% (so với mức hiện tại) sẽ giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn để tiếp tục thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF.

Dòng vốn đổ mạnh vào các quỹ ETF đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các quỹ ETF ngoại cũng cho thấy việc thị trường Việt Nam điều chỉnh mạnh thời gian gần đây đã kích thích dòng vốn ngoại ưa thích khẩu vị rủi ro và tìm kiếm những thị trường tăng trưởng. Hơn nữa, việc các cổ phiếu công nghệ bị thất thế gần đây đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các doanh nghiệp truyền thống, đây là chất xúc tác cho các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa thị trường.

BCM nhiều khả năng thay thế KDH

HOSE sẽ công bố kết quả xem xét định kỳ chỉ số VN30 vào 16/1/2023 và sẽ có hiệu lực từ ngày 6/2. Nhóm phân tích kỳ vọng BCM có khả năng được đưa vào rổ VN30, trong khi KDH sẽ bị loại khỏi rổ VN30.

Theo ước tính của VNDirect, BCM với tỷ lệ tự do chuyển nhượng - freefloat trên 3% sẽ giúp giá trị vốn hóa điều chỉnh freefloat trung bình năm 2022 lớn hơn mức 2.500 tỷ để đáp ứng yêu cầu vào chỉ số VN30 trong kỳ xem xét này. Với việc BCM được đưa vào rổ VN30, KDH, cổ phiếu nhỏ nhất tính theo vốn hóa thị trường điều chỉnh freefloat bình quân năm 2022 khoảng 24.468 tỷ đồng sẽ bị loại trong đợt xem xét định kỳ lần này.

Freefloat sẽ được HOSE tính toán lại với dữ liệu sở hữu được cập nhật vào ngày 31/12. Nếu freefloat mới của BCM thấp hơn ước tính của VNDirect (dưới 3%), BCM sẽ không đáp ứng yêu cầu về vốn hóa thị trường điều chỉnh freefloat. Như vậy, trong kịch bản này, danh mục VN30 có thể không thay đổi và không có sự mua/bán đáng kể trong đợt xem xét định kỳ này.

Các quỹ ETF tham chiếu dựa trên chỉ số VN30, với tổng giá trị tài sản ròng đạt mức 8.605 tỷ đồng (bao gồm ETF DCVFM VN30, ETF SSIAM VN30, ETF FUEMAV30 và ETF KIM Growth VN30), sẽ thực hiện cân đối danh mục vào ngày 03/02/2023. VNDirect ước tính, trong quá trình xem xét này, 294.420 cổ phiếu BCM có thể được mua và 3,8 triệu cổ phiếu KDH sẽ được bán ra.

Các mã được mua nhiều nhất về giá trị bao gồm FPT, VPB và BCM với quy mô lần lượt là 30,4 tỷ đồng, 24,6 tỷ đồng và 23,4 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán nhiều nhất về giá trị bao gồm KDH và GAS, với giá trị 102,4 và 14,5 tỷ đồng.

Nguồn: VNDirect Research.
Nguồn: VNDirect Research.

PDR có thể bị thay thế bởi SSB trong đợt cơ cấu nửa cuối năm 2023

Trước tác động của thị trường trái phiếu thời gian gần đây, giá cổ phiếu NVL và PDR đã bị điều chỉnh mạnh, giảm lần lượt 81% so với đầu năm và 80% so với đầu năm. Điều này khiến vốn hóa thị trường của các cổ phiếu này giảm mạnh chỉ còn 35.491 tỷ đồng và 9.738 tỷ đồng, đứng thứ 29 và 61 trên thị trường vào ngày 19/12.

Do đó, ước tính vốn hóa trung bình của PDR trong đợt xem xét định kỳ nửa cuối năm 2023 sẽ không đủ lớn để nằm trong top 40 thị trường và sẽ bị loại khỏi thành phần chỉ số VN30. Việc PDR bị loại khỏi VN30 sẽ cho phép SSB - cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất trong số các cổ phiếu đủ điều kiện nhưng không thuộc chỉ số VN30 - trở thành thành phần của VN30 trong đợt xem xét định kỳ nửa cuối 2023.

Ngoài ra, nếu vốn hóa thị trường của NVL liên tục sụt giảm và rơi khỏi top 40, NVL cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị loại khỏi VN30 trong các đợt xem xét định kỳ tiếp theo.

Nguồn: VNDirect Research, Bloomberg.
Nguồn: VNDirect Research, Bloomberg.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán