Cổ phiếu lập đỉnh và "phong trào" tăng vốn của nhóm ngân hàng

(Banker.vn) Trong khi hầu hết các ngân hàng đều lên kế hoặc tăng vốn điều lệ trong năm 2021 thông qua việc chia cổ tức thì SHB lại bất ngờ hủy đăng ký 4.824.032 chứng khoán - tương ứng vốn điều lệ giảm đi 48,24 tỷ đồng...

Hầu hết các nhà băng đều lên kế hoạch tăng vốn năm 2021

Trong năm 2021, nhiều ngân hàng đưa ra mức chi trả cổ tức khá ấn tượng nếu nhìn vào con số. Chẳng hạn, ACB dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Sau khi hoàn tất chia cổ phiếu, dự kiến vốn điều lệ ngân hàng ACB tăng lên 25%, vốn điều lệ SHB tăng 21%.

Tài liệu đại hội cổ đông của MSB cho biết, ngân hàng này dự kiến chia cổ tức năm 2020 lên tới tỷ lệ 30%, trong khi đại hội cổ đông năm ngoái đã thông qua con số kế hoạch 10% và không chia cổ tức trong năm 2019. Ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM vào cuối năm ngoái, cũng dự kiến tăng vốn thêm 30% trong năm nay.

Đáng chú ý là trường hợp BIDV, ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội cổ đông thường niên trong năm nay, đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%. Các kỳ chi trả trước đó, ngân hàng quốc doanh này đều chia tiền mặt. Vào đầu tháng 2 vừa qua, BIDV đã hoàn tất trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2019 với tỷ lệ 8%. Theo đó, BIDV cũng đưa dự kiến phát hành thêm 341 triệu cổ phần (tỷ lệ khoảng 8,5% tính ở thời điểm cuối năm 2020) để tăng vốn.

Một trường hợp điển hình khác là Ngân hàng Quốc tế (VIB) dự kiến tăng vốn từ phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu, dự kiến hoàn thành trước thời điểm cuối quý III. Đây là năm thứ hai VIB trình phương án không chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn.

Sau chia cổ phiếu thưởng, ngân hàng này còn muốn phát hành thêm gần 46,6 triệu cổ phiếu (phát hành riêng lẻ hoặc công chúng) để tăng vốn. Trước đó, cuối quý IV năm ngoái, VIB hoàn tất tăng vốn từ 9.245 tỉ đồng lên 11.094 tỷ đồng cũng từ phương án chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% từ nguồn chủ sở hữu.

Dự kiến vốn điều lệ của VIB trong năm nay tăng từ mức gần 11.094 tỷ đồng lên gần 16.000 tỷ đồng. Con số này được ngân hàng đánh giá là đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản trong năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Vietinbank cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2017 - 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ là 28,79%, nhờ đó giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Tương tự, một trường hợp mới đây là Ngân hàng NCB đưa ra kế hoạch tăng vốn từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu, tương đương 36,87% vốn điều lệ. Thị giá cổ phiếu NVB của ngân hàng này đã tăng khoảng 70% so với hồi đầu năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng Bản Việt vào tháng 8/2020, đã thông qua phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ thêm 906 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ dự kiến đạt hơn 4.077 tỷ đồng qua hai đợt, dự kiến hoàn tất vào quý I/2021. Nếu tăng vốn thành công, đây sẽ là dấu ấn mới cho tổ chức tín dụng quy mô có mức vốn điều lệ duy trì sát mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng) trong nhiều năm qua.

SHB ngược sóng

Theo tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, ngày 17/3/2021 vừa qua, VSD đã hoàn tất việc điều chỉnh giảm số lượng chứng khoán đăng ký của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) để giảm vốn điều lệ.

Theo đó, SHB đã hủy đăng ký 4.824.032 chứng khoán qua đó giảm vốn điều lệ xuống hơn 48,24 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh giảm, số chứng khoán đăng ký còn lại 1.751.009.094 cổ phiếu, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký hơn 17.510 tỷ đồng.

Trước đó ngày 3/3/2021, SHB đã công bố thông tin về việc điều chỉnh kết quả chào bán cổ phiếu. Đây là số cổ phiếu ngân hàng chào báo từ giữa năm 2020. Tổng số cổ phiếu được chấp thuận thay đổi niêm yết lúc đó là 300.779.981 cổ phiếu.

Tuy nhiên, gần 1 năm sau, SHB có văn bản điều chỉnh kết quả chào bán, giảm 4.824.032 cổ phiếu, giảm tổng số lượng cổ phiếu đã chào bán thành công xuống 295.955.949 cổ phiếu. Số cổ phiếu này đúng bằng số cổ phiếu mà SHB vừa công bố hủy đăng ký niêm yết để giảm vốn điều lệ.

Nguyên nhân điều chỉnh giảm này là do nhà đầu tư đã nộp tiền không phù hợp với quy định khi tham gia mua cổ phần góp vốn tại SHB.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHB kết phiên ngày 18/3/2021 với mức tăng hơn 3% qua đó thị giá đạt 19.500 đồng; khớp cuối phiên gần 62,5 triệu đơn vị. Đây đã là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của mã này kể từ ngày 10/3.

Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, SHB thông qua phương án chia cổ tức từ lợi nhuận của ngân hàng năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%.

Ngoài ra, với kết quả hoạt động đã đạt được năm 2020, SHB cũng trình Đại hội kế hoạch thông qua phương án chia cổ tức từ lợi nhuận 2020 với tỷ lệ 10,5%. Như vậy, cổ đông SHB có thể được nhận cổ tức lên tới 20,5% trong năm 2021. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng (tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại).

Văn Thắng T/H

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam (link gốc)

Theo: