Cổ phiếu HPG lấy đi gần 260 tỷ đồng của NĐT sau 4 phiên

(Banker.vn) Trong 2 phiên 31/10 và 1/11, ước tính nhà đầu tư dự chi gần 2.300 tỷ đồng bắt đáy cổ phiếu HPG với giá trung bình 15.446 đồng/cp. Chốt phiên 7/11, thị giá HPG giảm 6,8% xuống mức 13.700 đồng/cp. Theo đó, nhà đầu tư tạm lỗ khoảng 11,3% từ giá mua, tương ứng hơn 258 tỷ đồng.

Buồn của cổ đông HPG

Khi cổ phiếu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục giảm sâu xuống vùng đáy trong lịch sử, dòng tiền lớn gia nhập bắt đáy cổ phiếu. Riêng trong phiên 1/11, cổ phiếu HPG đã giảm 4,15% xuống mức 15.000 đồng/cp, mức giá thấp nhất 25 tháng kể từ đầu tháng 10/2020.

Cổ phiếu HPG lấy đi gần 260 tỷ đồng của NĐT sau 4 phiên
Nhà đầu tư cổ phiếu HPG tạm lỗ khoảng 11,3% từ giá mua, tương đương hơn 258 tỷ đồng. Hình minh họa

Không chỉ giảm mạnh, thanh khoản cũng xác lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 82 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,4% khối lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Giá trị giao dịch của HPG trong phiên được đẩy lên mức 1.244 tỷ đồng, chiếm gần 12% thanh khoản sàn HoSE. Riêng khối ngoại ghi nhận bán ròng gần 35 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 531 tỷ đồng.

Trong 2 phiên 31/10 và 1/11, ước tính nhà đầu tư dự chi gần 2.300 tỷ đồng bắt đáy cổ phiếu HPG với giá trung bình 15.446 đồng/cp. Chốt phiên 7/11, thị giá HPG giảm 6,8% xuống mức 13.700 đồng/cp. Theo đó, nhà đầu tư tạm lỗ khoảng 11,3% từ giá mua, tương ứng hơn 258 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu TAR thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu HPG. Nguồn: TradingView

Thông tin về hoạt động kinh doanh, HPG nói riêng và cổ phiếu thép nói chung diễn biến tiêu cực trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 3/2022 sa sút nghiêm trọng. Cụ thể, Hoà Phát ghi nhận doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Công ty chịu lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, trái ngược với số lãi kỷ lục 10.351 tỷ của quý 3 năm ngoái. Đây là lần thua lỗ đầu tiên của Hòa Phát kể từ năm quý 4/2008.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát có 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm. Lĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn.

Theo lý giải của Hoà Phát, kết quả kinh doanh trên do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường. Tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của công ty.

Sản lượng thép thô 567.000 tấn trong tháng 10 của Hòa Phát giảm 19% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, bằng 45% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%. Đây là mức bán hàng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay và cũng là lần sản lượng quay xuống dưới mốc 500.000 tấn/tháng.

Tập đoàn đầu ngành này cho biết sản lượng sản xuất và bán hàng từ quý 3 đến nay giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.

Phía Hòa Phát nói thêm, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và chi phí vận hành.

Trước đó, có Công ty CP Thép Pomina (mã: POM) thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9 và chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.

Tương tự, Công ty TNHH Thép Miền Nam - VNSTEEL trong ngày 25/10 cũng gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2022.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Tập đoàn Hòa Phát có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022.

Theo đó, ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất, tức là từ nay đến cuối năm, Hòa Phát Dung Quất có thể có 3 lò cao dừng hoạt động. "Ngay khi chúng tôi chắc chắn về việc dừng lò cao lần thứ 3, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức" - Văn bản viết.

Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì - động thái này được Hòa Phát nhận định là để "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Dù thị trường đang gặp khó nhưng hiện tại tồn kho của các doanh nghiệp thép vẫn ở mức khá cao, do đó có thể thấy việc giảm công suất để tập trung giải phóng hàng tồn là phương án hợp lý. Cuối quý 2/2022, hàng tồn kho của Hòa Phát tăng vọt lên 57.600 tỷ đồng từ mức 40.000 tỷ cuối quý 1 trước khi giảm về 44.000 tỷ cuối quý 3.

Khối ngoại trở lại mua ròng, tập trung gom cổ phiếu HPG phiên 7/11

Phiên VN-Index giảm sâu hơn 21 điểm, khối ngoại lại mua ròng tích cực hơn 588 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu HPG được mua ...

Cổ phiếu ngân hàng “đua” giảm sàn, điều gì đang xảy ra với chứng khoán Việt tháng 11?

Cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần (7/11) ghi nhận nhiều mã vốn hoá lớn giảm kịch sàn như TCB, ...

Chứng khoán Shinhan: Xếp dỡ Hải An (HAH) không quá bị ảnh hưởng từ việc cước vận tải giảm

Theo CTCK Shinhan Việt Nam (SSV), giá cước vận tải biển trong thời gian qua đã có mức sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên điều ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán