Cổ phiếu HNG gây sốt phiên 8/1: Quán quân thanh khoản 3 sàn, thị giá tăng kịch biên độ

(Banker.vn) Thời gian gần đây, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico liên tục ghi nhận đà tăng tích cực cùng thanh khoản gây chú ý trên thị trường chứng khoán. Với đà tăng 120% từ đáy, HNG đã tạo sức hút lớn trên UPCoM cùng với kỳ vọng đạt lợi nhuận 926 tỷ đồng năm 2025.

Ngày 18/9/2024, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 4.600 đồng/cổ phiếu.

Kết phiên 8/1/2025, cổ phiếu HNG Lai gây chú ý khi tăng trần lên 8.000 đồng/cổ phiếu, mức giá này đã tăng hơn 70% từ khi giao dịch tại UPCOM. Nếu tính từ mức thấp nhất đầu tháng 8/2024, cổ phiếu này đã tăng tới 120%, minh chứng cho sức bật ấn tượng của HNG sau giai đoạn khó khăn.

Diễn biến giá cổ phiếu HNG
Diễn biến giá cổ phiếu HNG

Đáng chú ý, phiên giao dịch hôm nay cổ phiếu HNG cũng ghi nhận thanh khoản đạt hơn 21 triệu cổ phiếu, trong trạng thái "trắng bên bán" với dư mua hơn 11 triệu đơn vị, qua đó trở thành cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trên toàn thị trường.

Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, cổ phiếu HNG đã duy trì xu hướng tăng tích cực, với nhiều phiên tăng trần và thanh khoản đột biến. Điều này phản ánh sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này sau những nỗ lực tái cấu trúc và cải thiện hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Cùng với HNG, cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Chốt phiên 8/1, cổ phiếu HAG tăng lên mức 11.850 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch hơn 5 triệu đơn vị.

Chặng đường gian nan của HAGL Agrico

Ngày 9/8/2024, HoSE thông báo hủy niêm yết cổ phiếu HNG kể từ ngày 6/9/2024, với lý do công ty thua lỗ ba năm liên tiếp, dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2021, 2022 và 2023. Tuy nhiên, ngay trước ngày hủy niêm yết, cổ phiếu HNG bất ngờ tăng kịch trần lên mức 4.680 đồng/cp trong phiên giao dịch cuối trên HoSE (5/9/2024). Trước đó, trong phiên 28/8/2024, cổ phiếu HNG cũng gây chú ý khi tăng kịch biên độ, bất chấp ngày hủy niêm yết gần kề.

Không dừng lại ở đó, HAGL Agrico đã thực hiện loạt động thái mạnh mẽ nhằm trả nợ và tái cấu trúc tài chính. Tính đến ngày 31/12/2024, công ty tuyên bố đã thanh toán toàn bộ khoản nợ lên tới 4.228 tỷ đồng, gồm khoản vay trực tiếp 2.094 tỷ đồng với Ngân hàng BIDV và khoản nợ liên quan đến lô trái phiếu HAGLBOND16.26 trị giá 2.314 tỷ đồng cho Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

Sau khi thanh toán toàn bộ nợ, HAGL Agrico đang thực hiện kế hoạch nhận lại tổng cộng 42.567 ha đất cây trồng công nghiệp, gồm hơn 18.500 ha cọ dầu và 24.000 ha cao su thông qua 4 đợt bàn giao.

Đợt 1: Quyền sử dụng đất và khai thác 5.357 ha cọ dầu, cùng nhà máy và văn phòng thuộc HA Andong Meas.

Đợt 2: Quyền sử dụng đất và khai thác 9.231 ha cao su và 9.996 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu, Lào.

Đợt 3: Quyền sử dụng đất và khai thác 4.733 ha cao su và 3.155 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu của Hoàng Anh Attapeu.

Đợt 4: Các tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất và khai thác tại HA Quang Minh, Công ty TNHH Heng Brother, và Công ty TNHH CRD.

Những khó khăn kéo dài

Dù có những tín hiệu tích cực trên sàn UPCoM, HAGL Agrico vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Tính đến cuối tháng 9/2024, công ty ghi nhận lỗ lũy kế gần 8.650 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 14.100 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.860 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh năm 2024 tiếp tục ảm đạm với doanh thu chưa đầy 300 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 550 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương đã chia sẻ những thách thức mà HAGL Agrico phải đối mặt kể từ khi ông tiếp quản công ty từ Hoàng Anh Gia Lai. Ông thẳng thắn thừa nhận: “Nếu có giải pháp thoát niêm yết thì công ty cũng đã thực hiện rồi. Nhưng hai năm qua, công ty lại đối mặt với dịch bệnh, chi phí logistics tăng cao, thậm chí không có container để vận chuyển hàng hóa”.

Bên cạnh đó, ông Dương còn nhấn mạnh đến những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm: Thiên tai, sâu bệnh, thiếu nước và hạ tầng không đồng bộ khiến sản lượng thu hoạch không đạt kỳ vọng. Tại các vùng trồng chuối, công ty chỉ đạt 60% sản lượng kỳ vọng, nguyên nhân chủ yếu do kỹ thuật chăm sóc chưa tốt. Tại Lào, công ty thiếu lao động trầm trọng, có thời điểm không đủ nhân sự để thu hoạch.

Dù phải đối mặt với khó khăn chồng chất, ông Trần Bá Dương vẫn giữ niềm tin vào tương lai của HAGL Agrico, khẳng định rằng “nhanh lắm thì đến năm 2024 và chắc chắn nhất là năm 2025, HNG mới có lãi trở lại”. Theo ông Dương, mục tiêu lợi nhuận của HNG năm 2025 là khoảng 926 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng việc chấp nhận hủy niêm yết trên HoSE vào tháng 9/2024 là bước đi cần thiết để tái cấu trúc và hồi phục công ty. "Cổ đông cần chấp nhận thực tế vì thực sự không còn giải pháp nào khác", ông Dương nói.

Phó Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng bày tỏ sự tin tưởng vào chiến lược và sự quyết tâm của ông Dương: “Anh Dương làm rất kỹ, có chiến lược dài hạn và nguồn lực tài chính vững mạnh. Chỉ có những người tâm huyết và dám dấn thân mới làm được điều này”.

Hoàng Anh Gia Lai sửa đổi điều kiện lô trái phiếu hơn 4.000 tỷ, bổ sung tài sản đảm bảo mới

Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thông qua nghị quyết sửa đổi điều kiện lô trái phiếu 2016. Theo đó, trái ...

HNG ngày về UPCoM: Chủ tịch Trần Bá Dương thuyết phục thành công các nhà đầu tư?

Phiên đầu tiên khi trở lại UPCoM, cổ phiếu HNG bất ngờ được mua bán mạnh, thanh khoản đột biến với 15 triệu cổ phiếu ...

HAGL Agrico công bố kết quả kinh doanh kém khả quan

HAGL Agrico vừa công bố báo cáo tài chính quý 3, tiếp tục chuỗi thua lỗ lên 14 quý liên tiếp. Doanh thu thuần giảm ...

Anh Vũ

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục