Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình định ngày về UPCoM

(Banker.vn) Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình đã chính thức nhận lịch rời HOES, vậy khi nào cổ phiếu này giao dịch trên UPCoM?

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa có thông báo kể từ ngày 10/9, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) sẽ chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký chứng khoán mã HBC từ sàn HoSE sang thị trường đăng ký giao dịch UPCoM với khối lượng 347,2 triệu cổ phiếu.

Trước đó, HOSE đã quyết định huỷ niêm yết bắt buộc hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC, cổ phiếu HBC sẽ giao dịch phiên cuối cùng ngày 5/9 và chính thức không còn giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 6/9.

Lý do được cơ quản lý đưa ra do Xây dựng Hòa Bình có tổng lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp căn cứ Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hoà Bình đang có lỗ luỹ kế 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của cổ đông (vốn điều lệ cuối năm 2023 là 2.741 tỷ đồng).

Thực tế, trước đó ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã có thông báo gửi Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình về việc hủy niêm yết bắt buộc.

Ngay sau thông báo cổ phiếu có thể bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE, cổ đông lớn Hyundai Elevator Co., Ltd đã bán ra 5 triệu cổ phiếu HBC để giảm sở hữu từ 28,06 triệu cổ phiếu (8,08% vốn điều lệ) về còn 23,06 triệu cổ phiếu (6,64% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện ngày 31/7.

Để khắc phục tình trạng, Hòa Bình đã tiến hành tăng vốn cổ phần nhằm gia tăng vốn điều lệ và cải thiện quy mô vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp cho biết sẽ sớm khắc phục tình trạng để quay trở lại sàn HoSE.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8, cổ phiếu HBC giảm 140 đồng về 4.700 đồng/cổ phiếu. Nếu nhìn rộng ra từ khi có quyết định huỷ niêm yết bắt buộc ngày 26/7 tới nay, cổ phiếu HBC đã giảm 35,2% từ 7.250 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình định ngày về UPCoM
Từ khi có quyết định huỷ niêm yết bắt buộc ngày 26/7 tới nay, cổ phiếu HBC đã giảm 35,2%

Hòa Bình còn hơn 14 nghìn tỷ đồng nợ phải trả

Về hoạt động kinh doanh, trong quý 2/2024, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu đạt 2.160 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 684 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 268 tỷ đồng, tức tăng thêm 953 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,2% về 4,6%.

Về chi phí, chi phí bán hàng tăng nhẹ 3,6%, tương ứng tăng thêm 0,23 tỷ đồng lên 6,55 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức âm 220 tỷ đồng, so với mức dương 528 tỷ đồng của quý 2/2023, tức giảm 748 tỷ đồng chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng gần 293 tỷ đồng. Đáng chú ý, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới 502,9 tỷ đồng, so với mức 5,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, lợi nhuận gộp trong quý 2 tạo ra của Xây dựng Hoà Bình không đủ trả chi phí tài chính và chi phí bán hàng, Công ty thoát lỗ do ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp âm, đồng thời lợi nhuận khác tăng đột biến. Theo thuyết minh chi phí quản lý doanh nghiệp giảm chủ yếu do hoàn nhập dự phòng 293 tỷ đồng so với cùng kỳ trích lập 412 tỷ đồng; đồng thời thu nhập khác tăng do ghi nhận thu nhập thanh lý, nhượng bán tài sản cố định 503 tỷ đồng so với cùng kỳ 5,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình định ngày về UPCoM

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu đạt 3.811 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 741 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 713 tỷ đồng, tức tăng thêm 1.454 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 433 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.110,7 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và 171% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024

Tính tới 30/6/2024, Xây dựng Hoà Bình còn lỗ luỹ kế tới 2.498 tỷ đồng, bằng 72% so với vốn điều lệ. Tổng tài sản Công ty đạt 15.632 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 72% tổng tài sản, đạt 11.219 tỷ đồng; hàng tồn kho chiếm 10%, đạt 1.583 tỷ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tại thời điểm cuối quý 2/2024, nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình đạt 14.064 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 4.484 tỷ đồng, giảm 5%.

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình định ngày về UPCoM
Tại thời điểm cuối quý 2/2024, nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình đạt 14.064 tỷ đồng (Biểu đồ: kinhtechungkhoan.vn)

Khi một cổ phiếu bị hủy niêm yết và phải chuyển về giao dịch trên sàn UpCoM, sẽ có những tác động nhất định đến các nhà đầu tư chứng khoán:

1. Tính thanh khoản giảm: Sàn UpCoM thường có tính thanh khoản thấp hơn so với các sàn niêm yết chính như HOSE hoặc HNX. Điều này có thể khiến nhà đầu tư khó khăn hơn trong việc mua bán cổ phiếu, và có thể dẫn đến việc giá cổ phiếu bị giảm do ít người quan tâm.

2. Giá cổ phiếu có thể giảm: Do sự thiếu quan tâm từ các nhà đầu tư lớn và tổ chức, giá cổ phiếu có thể giảm khi bị chuyển về sàn UpCoM. Sự thiếu thông tin minh bạch và chất lượng quản lý của công ty cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.

3. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng: Việc một cổ phiếu bị hủy niêm yết có thể gây ra lo lắng cho nhà đầu tư về tình hình tài chính và hoạt động của công ty. Điều này có thể dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu, gây thêm áp lực giảm giá.

4. Khó khăn trong việc huy động vốn: Khi cổ phiếu của một công ty bị hủy niêm yết và chuyển về UpCoM, công ty đó có thể gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán do mức độ tin cậy và minh bạch bị suy giảm.

5. Yêu cầu theo dõi và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn: Nhà đầu tư cần phải theo dõi và nghiên cứu kỹ hơn khi giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCoM, do các công ty trên sàn này thường ít được theo dõi và có thông tin công khai kém hơn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng có một số cổ phiếu khi chuyển về UpCoM vẫn có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, đặc biệt nếu công ty có kế hoạch phục hồi tốt và tái niêm yết trong tương lai.

HNG, HBC chắc suất về UPCoM, vì sao HVN của Vietnam Airlines được ở lại HOSE?

Dù Vietnam Airlines đã ghi nhận thua lỗ 4 năm liên tiếp, song cổ phiếu HVN vẫn ở lại sàn HOSE mà chỉ phải chịu ...

Đếm ngược ngày hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC và HNG

Ngày 9/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HBC của Công ty CP ...

Giải mã pha bứt tốc của cổ phiếu Chứng khoán Hòa Bình (HBS)

Khởi đầu tuần mới bằng một phiên tăng hết biên độ, cổ phiếu HBS của Chứng khoán Hòa Bình đã có chuỗi 5 phiên tăng ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục