Cổ phiếu HAH mất 65% giá trị từ đầu tháng 6, cổ đông lớn đăng ký mua vào 1 triệu đơn vị

(Banker.vn) Việc đăng ký mua vào của Công ty CP Đầu tư và Vận tải Hải Hà diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HAH đang giảm mạnh, mất hơn 65% giá trị so với đỉnh đầu tháng 6 vừa qua.

Thông tin công bố mới đây, Công ty CP Đầu tư và Vận tải Hải Hà, cổ đông lớn của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HAH theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận.

Cổ phiếu HAH mất 65% giá trị từ đầu tháng 6, cổ đông lớn đăng ký mua vào 1 triệu đơn vị

Mục đích thực hiện giao dịch là tăng đầu tư. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu nắm giữ của Công ty CP Đầu tư và Vận tải Hải Hà dự kiến nâng lên 8.794.500 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ nắm giữ tăng từ 11,08% lên 12,5% tổng số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến trong khoảng thời gian 11/11 - 8/12.

Việc đăng ký mua vào của Công ty CP Đầu tư và Vận tải Hải Hà diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HAH đang giảm mạnh, mất hơn 65% giá trị so với đỉnh đầu tháng 6 vừa qua. Tạm tính theo giá kết phiên hôm 8/11 là 31.100 đồng/cổ phiếu, ước tính Công ty CP Đầu tư và Vận tải Hải Hà phải chi khoảng 31,1 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Chiều ngược lại, theo đó, ngày 30/9, nhóm Dragon Capital vừa bán ra 1.090.000 cổ phiếu HAH để giảm sở hữu tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An từ 7,45% về còn 5,86% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán 840.000 cổ phiếu và quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán 250.000 cổ phiếu.

Tiếp đến, ngày 4/10, nhóm Dragon Capital tiếp tục bán 600.000 cổ phiếu HAH để giảm sở hữu về còn 4,54% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện bán 600.000 cổ phiếu là CTBC Vietnam Equity Fund.

Như vậy, sau khi liên tục bán ra, nhóm Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An.

Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch sáng ngày 9/11, cổ phiếu HAH tăng 3,7% lên mức 32.250 đồng/cổ phiếu. Khối lượng gia dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 1,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu HAH mất 65% giá trị từ đầu tháng 6, cổ đông lớn đăng ký mua vào 1 triệu đơn vị
Diễn biến giá cổ phiếu HAH thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Thông tin liên quan, trước đó ngày 23/9, Cục Thuế TP. Hà Nội Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Theo đó, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã kê khai doanh thu tính thuế GTGT 10% sai thời điểm; chưa phân bổ thuế GTGT đầu vào khấu trừ của chi phí quản lý dùng chung không hạch toán riêng được cho doanh thu không chịu thuế GTGT.

Thêm nữa, Công ty đồng thời hạch toán thiếu chi phí thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phân bổ cho doanh thu không chịu thuế GTGT; hạch toán thiếu doanh thu tài chính.

Đáng lưu ý, trong năm 2020, đơn vị có 1 tình tiết tăng nặng vì vi phạm hành chính nhiều lần theo quy định tại tiết b, khoản 1, điều 10, Luật số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 xử lý vi phạm hành chính của Quốc hội.

Tiếp tới năm 2021, Công ty tiếp tục có 1 tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần theo quy định tại tiết b, khoản 1, điều 10, Luật số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 xử lý vi phạm hành chính của Quốc hội.

Hình thức xử phạt, phạt 75,57 triệu đồng do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế TNDN phải nộp; phạt tiền 2,1 triệu đồng do khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp (năm 2019); phạt 7,15 triệu đồng do khai sai và có 1 tình tiết tăng nặng nhưng không dẫn đến thiếu thuế GTGT phải nộp (năm 2020); phạt 7,15 triệu đồng do khai sai và có 1 tình tiết tăng nặng nhưng không dẫn đến thiếu thuế GTGT phải nộp (năm 2021); phạt tiền 4 triệu do hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế; phạt 34,34 triệu đồng tiền chậm nộp thuế TNDN.

Ngoài ra, Công ty bị yêu cầu nộp đủ số tiền thuế TNDN thiếu qua kiểm tra là 377,86 triệu đồng. Trong đó, năm 2019 là 29,79 triệu đồng, năm 2020 là 129,83 triệu đồng và năm 2021 là 218,24 triệu đồng. Tổng số tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp là 508,17 triệu đồng.

Xếp dỡ Hải An chính thức vượt 57% chỉ tiêu lợi nhuận 2022

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022. Theo đó, trong quý 3/2022, HAH ghi nhận doanh thu đạt 779 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chi phí giá vốn chỉ tăng thêm 20%, giúp lợi nhuận gộp gấp gần 3 lần cùng kỳ lên mức 377 tỷ đồng, biên lợi nhuận quý 3 theo đó tăng cải thiện từ 29% của quý 3 năm ngoái lên mức 48%.

Các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng so với quý 2/2022. Kết quả, lợi nhuận sau thuế mà Hải An thu về trong quý 3 vừa qua vẫn tăng gấp 2,7 lần cùng kỳ lên hơn 274 tỷ đồng, trong đó lãi ròng đạt xấp xỉ 218 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lãi kỷ lục 240 tỷ trong quý 2.

Giải trình về tình hình kinh doanh trong quý 3, Công ty cho biết:

Thứ nhất, tổng số tàu trong đội tàu của Hải An quý 3 năm nay là 10, nhiều hơn quý 3 năm trước (8 tàu), số tàu cho đi thuê cũng nhiều hơn

Thứ hai, sản lượng vận tải tuy thấp hơn so số tàu tự khai thác ít hơn nhưng giá cước và các phụ phí năm nay tăng so với cùng kỳ, do đó kết quả kinh doanh đội tàu tăng mạnh.

Cuối cùng, lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên kết cũng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Luỹ kế 9 tháng, HAH đạt 2.360 tỷ đồng doanh thu, tăng 84% và lợi nhuận sau thuế đạt 861 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ đầu năm ngoái, như vậy mỗi tháng trong năm 2022 Hải An ghi nhận 96 tỷ đồng tiền lãi.

Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.388 tỷ và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, 9 tháng đầu năm, HAH đã thực hiện gần sát chỉ tiêu doanh thu và vượt 57% chỉ tiêu lợi nhuận.'

Xếp dỡ Hải An không quá bị ảnh hưởng từ việc cước vận tải giảm

Theo CTCK Shinhan Việt Nam (SSV), giá cước vận tải biển trong thời gian qua đã có mức sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên điều này ảnh hưởng không quá lớn đối với kết quả kinh doanh năm 2022 của Hải An do phân nửa đội tàu của công ty được thuê ngoài với thời hạn từ 1-2 năm với giá thuê cố định ở mức cao.

Theo báo cáo của SSV, cước vận tải biển container thế giới chủ yếu bao gồm các tuyến tàu đi từ Thượng Hải - Mỹ và các tuyến từ Rotterdam – New York. Việc kiểm soát tốt tình hình Covid tại Trung Quốc đã giúp cho tình trạng ách tắc tại các cảng biển giảm bớt, do đó tàu không mất thời gian chờ và hoạt động hiệu quả hơn trên các tuyến trên.

Lượng tàu không mất thời gian chờ đợi ở các bến tàu đã giúp tàu hoạt động hiệu quả hơn làm tăng nguồn cung tàu ra thị trường vận tải biển. Nhìn chung giá cước vận tải đến và đi từ Thượng Hải đã giảm mạnh trong thời gian qua trong khi các tuyến khác như Rotterdam-New York vẫn giữ ở mức cao.

SSV đánh giá ảnh hưởng của giá cước giảm không tác động nhiều lên kết quả kinh doanh hiện tại do phần lớn tàu của Hải An hoạt động trong nước và không chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá cước thế giới. Bên cạnh đó, Hải An đang cho thuê 4 tàu trong đó có 2 tàu đã ký được hợp đồng thuê dài hạn (1 tàu đến quý 3 năm 2023 và 1 tàu đến quý 2 năm 2025). Triển vọng trong ngắn và dài hạn tiếp tục được đảm bảo bởi số tàu đầu tư trong tương lai.

SSV ước tính doanh thu năm 2022 của Hải An sẽ đạt 2.985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.009 tỷ đồng. Doanh thu của Hải An sẽ giảm vào năm 2023 do giá cước vận tải biển giảm mạnh và một số hợp đồng thuê tàu của Hải An hết hạn.

Triển vọng dài hạn sau khi tình hình biến động giá cước vận tải do Covid-19, doanh thu và lợi nhuận sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam thông qua các hiệp định kinh tế trong tương lai như EVFTA, RCEP và nguồn vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam. Bên cạnh đó số lượng tàu đầu tư mạnh mẽ và liên doanh ZIM – Hải An mở ra cơ hội đầu tư các tuyến vận tải quốc tế tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn trong tương lai.

Mặc dù giá cước vận tải biển có giảm nhanh hơn dự kiến nhưng tiềm lực nội tại doanh nghiệp vẫn tốt, do đó SSV vẫn tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng đối với Hải An với những quan điểm: Triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam; Tăng trưởng từ việc liên danh với Zim - hãng tàu top 10 thế giới; Đầu tư phát triển mạnh mẽ đội tàu vận tải container; Giá xăng dầu giảm làm giảm chi phí vận tải biển.

Kết hợp phương pháp định giá P/E và chiết khấu dòng tiền (FCFF) với tỷ trọng lần lượt là 20% và 80%, SSV đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu HAH với giá mục tiêu 65.100 đồng/cp.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục