Ngân hàng Eximbank giải trình khi cổ phiếu giảm sâu. (Ảnh minh họa) |
Cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là một trong những cổ phiếu ít chịu biến động tiêu cực nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam trong thời qua.
Theo đà “lao dốc” của thị trường chứng khoán xuống vùng dưới 1.000 điểm, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã mất tới 50 – 60% thị giá, thì cổ phiếu EIB chỉ giảm nhẹ từ vùng giá 36.000 đồng/cổ phiếu về vùng 30.000 đồng cổ phiếu trong tháng 7, tháng 8/2022.
Đáng chú ý, cổ phiếu EIB nhanh chóng được đẩy tăng trở lại trong tháng 9, tháng 10. Đặc biệt, trong tháng 10, dù thị trường diễn biến rất tiêu cực nhưng EIB lại ngược dòng tăng mạnh từ vùng giá 33.000 đồng lên mức đỉnh lịch sử là 42.000 đồng/cổ phiếu.
Theo tìm hiểu, khoảng thời gian này trùng hợp với giai đoạn nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công rút toàn bộ vốn khỏi ngân hàng Eximbank. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB.
Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Lê Hồng Anh là Công ty CP Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp tác xã Thành Công bán hơn 44,7 triệu CP EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty CP Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cp EIB (tỷ lệ 1,005%).
Kể từ ngày 28/10 đến nay, cổ phiếu EIB chỉ ghi nhận duy nhất 1 phiên tăng, còn lại 13 phiên giảm. Tiêu cực nhất là 6 phiên trở lại đây, cổ phiếu này liên tục giảm hết biên độ, chốt phiên giao dịch 16/11 ở mức giá 19.500 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch chiều 17/11, EIB giảm sàn xuống 18.150 đồng/cổ phiếu, giảm gần 55% so với mức giá 42.000 đồng ghi nhận phiên 27/10, khối lượng khớp lệnh trên 50 triệu đơn vị.
Cổ phiếu EIB đã giảm hơn 50% thị giá. |
Trước tình trạng cổ phiếu liên tục giảm sàn, ngân hàng Eximbank đã phải có công văn giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Eximbank lý giải việc cổ phiếu giảm sàn liên tiếp là do cung cầu của thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng.
Ngân hàng khẳng định hoạt động kinh doanh trong thời gian qua tăng trưởng rất tốt, an toàn và luôn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, sự biến động của giá cổ phiếu không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng.
Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã quyết định chốt danh sách cổ đông vào 28/11/2022 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức tháng 1/2023 tại TP.HCM.
Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng ban hành Nghị quyết thông qua việc đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử là 11/11/2022. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung sẽ được nêu và công bố thông tin tại thông báo gửi cổ đông.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.
Theo đó, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014.
Thu Thủy
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|