Cổ phiếu DIG "rơi tự do" khi lãnh đạo DIC Group liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu

(Banker.vn) Lãnh đạo tại Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) tiếp tục bị bán giải chấp cổ phiếu.

Áp lực bán giải chấp còn đó, thị trường chứng khoán liệu có tìm được điểm cân bằng?

Theo đó, ngày 14/11, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, sẽ bán giải chấp 1,6 triệu cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời con gái ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT tại DIC Corp.

Cổ phiếu DIG
Tính tới ngày 11/11, gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn đã bị bán giải chấp 26,1 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 4,29% vốn điều lệ. Hình minh họa

Theo thông tin từ phía DIC Corp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch HĐQT DIC Corp, đồng thời là con gái ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Group vừa bị bán giải chấp thêm hơn 5,8 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 4,36% về còn 3,39% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 7/11, ngày 9/11 và ngày 10/11.

Thêm nữa, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con trai ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng vừa bị bán giải chấp hơn 6,4 triệu cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 10,06% về còn 9% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 7/11 và ngày 9/11.

Trước đó, từ ngày 27-28/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn và ông Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp hơn 4,4 triệu cổ phiếu DIG.

Ngoài ra, hơn 9,4 triệu cổ phiếu DIG do ông Nguyễn Thiện Tuấn sở hữu cũng đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp trong 4 phiên 4/11, 7/11, 8/11 và 9/11. Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu DIG mà Chủ tịch DIC Corp còn nắm giữ là hơn 49 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm từ 9,59% xuống còn 8,04%.

Như vậy, tính tới ngày 11/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con đã bị bán giải chấp 26,1 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 4,29% vốn điều lệ.

Trong thời gian lãnh đạo DIC Corp bị bán giải chấp, giá cổ phiếu DIG ghi nhận chuỗi 7 phiên giảm sàn liên tiếp từ 4-14/11. Chốt giao dịch 14/11, cổ phiếu DIG tiếp tục nằm sàn với 10.850 đồng/cp. Đến phiên sáng 15/11, cổ phiếu DIG tiếp tục giảm 6,91% về mức 10.100 đồng/cp (lúc 9h54), khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt hơn 12,1 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu FRT. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu DIG. Nguồn TradingView

Thiên Tân cũng bị bán giải chấp

Ở diễn biến khác, Công ty CP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng vừa bị bán giải chấp hơn 5,8 triệu cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 14,1% về còn 13,15% vốn điều lệ. Trước đó, ngày 11/10, Thiên Tân đã hoàn tất bán gần 3,4 triệu cổ phiếu DIG để giảm tỷ lệ sở hữu.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Phát triển Thiên Tân được thành lập năm 2007, địa chỉ tại số B11/10 Khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu (dự án Khu đô thị Chí Linh do DIC Corp làm chủ đầu tư) và đại diện pháp luật là ông Đỗ Thanh Tùng.

Được biết, ngày 7/10/2021, DIC Corp đã phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cp để huy động 1.500 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu chỉ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Trong danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ bao gồm 6 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Trong đó, Thiên Tân được mua tới 38 triệu cổ phiếu, ước tính lãi 414,5 tỷ đồng sau 1 năm nắm giữ; ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT và hai người con là Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Thị Thanh Huyền được mua tổng cộng 25 triệu cổ phiếu, ước tính lãi 272,7 tỷ đồng; ông Cao Văn Vũ được mua 10 triệu cổ phiếu, lãi 109,1 tỷ đồng; và Công ty CP Chứng khoán Liên Việt được mua 2 triệu cổ phiếu, lãi 21,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong danh sách này là Thiên Tân, được giới thiệu không phải là đơn vị liên quan tới DIC Corp, tuy nhiên, liên tục được ưu đãi mua trong các đợt phát hành riêng lẻ và xuất hiện nhiều giao dịch trực tiếp với DIC Corp. Cụ thể, năm 2015, DIC Corp phát hành 19,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.600 đồng/cổ phiếu, Thiên Tân được mua 4,9 triệu cổ phiếu, chiếm 24,6% tổng lượng cổ phiếu phát hành.

Trong năm 2020, DIC Corp ghi nhận khoản phải thu khách hàng ngắn hạn là 59 tỷ đồng và phải thu khác dài hạn 1.298,2 tỷ đồng liên quan tới Thiên Tân. Tính tới 30/6/2022, DIC Corp tiếp tục ghi nhận 1.298,2 tỷ đồng phải thu dài hạn đối với Thiên Tân. Trong đó, DIC Corp chỉ thuyết minh phải thu dài hạn là các khoản tiền góp vốn để hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư Đức Hoà III – Resco và Thiên Tân theo hợp đồng ký ngày 30/11/2020.

Như vậy, về hoạt động kinh doanh Thiên Tân có địa chỉ nằm tại dự án của DIC Corp, được “ưu đãi” tham gia liên tục trong các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ và có hoạt động hợp tác cùng kinh doanh.

Tại thời điểm tháng 10/2020, bà Lê Thị Hà Thành, vợ Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn từng là Chủ tịch HĐQT Thiên Tân, trong khi đó các con ông Tuấn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng nắm vị trí Thành viên HĐQT công ty này. Dù vậy, các cá nhân kể trên sau đó không lâu đã rời khỏi các vị trí cấp cao ở Thiên Tân.

Quan điểm chuyên gia

Đáng chú ý, không chỉ DIG, khá nhiều mã chứng khoán bất động sản cũng rơi vào cảnh bị bán giải chấp. Cổ phiếu nhóm ngành này nhiều phiên gần đây bị giảm sâu, nhiều mã nằm sàn liên tục nhiều phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư bi quan hơn với nhóm ngành này.

Thực tế, giá cổ phiếu giảm sâu thời gian qua là điều nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khó lường tới. Các doanh nghiệp bất động sản, không chỉ riêng DIG, đang chịu nhiều áp lực về dòng tiền do nguồn vốn bị siết lại. Khi cổ phiếu giảm, dòng tiền mặt không đủ nộp công ty chứng khoán để đảm bảo ký quỹ an toàn thì các lãnh đạo lớn bị bán giải chấp là điều dễ hiểu.

Theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, thường khi nhà đầu tư sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, tỷ lệ ban đầu có thể rất cao nhưng cũng không nhiều người lường trước câu chuyện giá cổ phiếu doanh nghiệp của mình có thể giảm với khối lượng lớn như vậy. Khi giá trị tài sản đảm bảo xuống thì có hai cách để duy trì, tăng thêm cổ phiếu để đưa tỷ lệ về ngưỡng an toàn hoặc giải quyết các tài sản đảm bảo để bên cho vay không bán tiếp cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi giá cổ phiếu rơi xuống một mức nhất định thì sẽ có lãnh đạo doanh nghiệp vào đỡ giá. Tuy nhiên, đối với trường hợp nhà lãnh đạo có thể bổ sung tiền mặt để đưa trạng thái tài khoản về ngưỡng an toàn, giá cổ phiếu sau đó có thể vẫn giảm nữa mà vị thế của khoản vay vẫn đảm bảo.

Do vậy, trong đầu tư không nên thần thánh hóa hay tin tưởng mù quáng vào những ngưỡng mà lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải giữ giá cổ phiếu ở một ngưỡng nhất định. Nếu họ có tiền nộp vào thì giá cổ phiếu có thể giảm xuống dưới ngưỡng này mà họ vẫn cảm thấy thoải mái với khoản vay của mình.

Hệ lụy từ làn sóng bán giải chấp cổ phiếu

Bán giải chấp cổ phiếu là công cụ được các CTCK thực hiện để bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư, nhằm hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn theo quy định, giao dịch xảy ra khi nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ (margin). Thông thường, CTCK sẽ thông báo trước để khắc phục và chỉ bán sau khi các nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục. Tuy nhiên chưa khi nào việc lãnh đạo cũng như cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu nhiều như ở thời điểm hiện tại.

Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân do thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong hai tháng gần đây hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin một số lãnh đạo tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh bị bắt thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Các kênh huy động vốn như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu đều đang gặp khó, tiến độ bán dự án lại chậm, dẫn đến việc "bị cạn tiền, cạn lực để trợ giá cổ phiếu".

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, thị trường đã phản ứng thái quá với việc bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo tại một số doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định nhưng vẫn bị bán bất chấp. Hệ lụy của nhóm bất động sản kích hoạt tâm lý tiêu cực cho cả thị trường dẫn đến nhiều phiên không có quá tin xấu nhưng Vn-Index lao dốc, mua bán cạn kiệt, thanh khoản chỉ chưa đạt 10.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC - nhận định có không ít cổ đông lớn, chủ doanh nghiệp quá cần tiền nên đã xoay xở bằng cách vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, nếu thị trường chứng khoán giảm quá sâu, không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng call margin ở cấp độ doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc các công ty chứng khoán thông báo hạ margin này dự báo sẽ khiến cổ phiếu nhóm bất động sản còn khó khăn hơn trong thời gian tới khi mà thanh khoản đang là vấn đề "sống còn" của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Bán giải chấp cổ phiếu là gì?

Khi công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư nhằm hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định được gọi là bán giải chấp cổ phiếu. Việc bán giải chấp cổ phiếu thường xảy ra khi các nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ và giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức cho phép của công ty chứng khoán tuy nhiên nhà đầu tư vẫn chưa nộp thêm tiền.

Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán sẽ gửi thông báo đến khách hàng biết trước 1 đến 2 ngày. Nếu không muốn bị bán giải chấp cổ phiếu, nhà đầu tư cần phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ do công ty chứng khoán quy định để đạt mức an toàn tối thiểu.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán