Cổ phiếu điện đồng loạt giảm điểm sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt

(Banker.vn) Ngành điện là ngành chủ chốt trong nền kinh tế, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sử dụng điện, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh. Do đó, nhóm cổ phiếu điện cũng được nhà đầu tư quan tâm và đặt kỳ vọng về sự tăng trưởng trong năm 2023. Sau tin giá bán điện bình quân tăng 3%, mới đây Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, nhóm cổ phiếu điện diễn biến ra sao trước thông tin tích cực này.

Mới đây, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng tỷ trọng, năm 2020 từ 12,5% lên tới 25,5% vào năm 2030.

Cổ phiếu điện đồng loạt giảm điểm sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt
Nhóm cổ phiếu điện quay đầu giảm sau thông tin Quy hoạch điện VIII được phê duyệt

Hưởng ứng thông tin tích cực này, trong phiên giao dịch ngày 16/5, nhóm cổ phiếu điện như GEG, REE, PC1, BCG, HDG,... kết phiên trong sắc xanh, khối lượng khớp lệnh tăng mạnh. Đơn cử BCG duy trì khớp lệnh gần 11 triệu cổ phiếu.

Đến phiên 17/5, VN-Index giao dịch giằng co rung lắc trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu kèm theo sự phân hóa. Lực cầu chủ yếu tìm đến những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản với mức tăng xấp xỉ 1%. Kết phiên 17/5, VN-Index giảm 5,47 điểm, tương đương với 0,51% xuống 1.060,44 điểm.

Trong phiên 17/5, nhóm cổ phiếu điện cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi nhóm này bất ngờ quay đầu giảm điểm dù được giới chuyên gia dự báo còn tiềm năng tăng giá trong thời gian tới. Cụ thể, chốt phiên hôm nay, GEG giảm -1,25% về mức 15.850 đồng/cp; REE giảm -1,19% về mức 66.700 đồng/cp; PC1 giảm -0,52% về mức 28.650 đồng/cp;...

Đáng chú ý, cổ phiếu cùng ngành BCG giảm mạnh tới 2,63% về mức 8.520 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 8 triệu đơn vị.

Cổ phiếu điện đảo chiều giảm điểm sau thông tin tích cực từ Quy hoạch điện VIII
Hầu hết các cổ phiếu điện giảm điểm trong phiên 17/5

Trước đó trong phiên 4/5, do lực bán bung ra khá mạnh khiến chỉ số chính “rơi” về mốc 1.040 điểm. Ngược dòng thị trường, cổ phiếu ngành điện vẫn là điểm sáng với những mã hồi phục tích cực, như: AVC, CHP, BTP, EIC, GEG, GHC, HNA, HPD, NT2…

Đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu điện diễn ra sau thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá bán điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 3%. Với quyết định này, giá điện bán lẻ bình quân đã được điều chỉnh tăng sau 4 năm bị kìm giữ (kể từ tháng 3/2019).

Nhìn chung, ngành điện là một trong những ngành kinh tế cơ bản của mỗi quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, nhóm cổ phiếu ngành điện, nhất là các công ty sản xuất và phân phối điện luôn là một trong những chiếc “bánh ngọt” được nhiều nhà đầu tư săn đón. Vì thế việc cổ phiếu điện hút tiền mạnh hơn khi thông tin tăng giá điện diễn ra là điều dễ hiểu.

Trong báo cáo ngành điện công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo tăng trưởng sản lượng điện năm 2023 khá thận trọng, chỉ tăng 6% so với năm ngoái, thấp hơn 28% so với dự báo của Quy hoạch điện 8. Lý do là nhu cầu điện mảng xây dựng dự kiến giảm sút do những khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở.

VNDirect nhận định, những ngành công nghiệp sản xuất như sắt thép, xi măng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, dự báo một mùa hè nóng bức hơn sẽ kéo nhu cầu điện nhóm tiêu dùng dân cư, bù đắp sự sụt giảm mảng công nghiệp – xây dựng. Trong 2024-2030, dự kiến tăng trưởng kép sản lượng điện sẽ dựa trên kịch bản cơ sở trong Quy hoạch điện 8 đạt 8,4%/năm.

Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện tăng sẽ giảm áp lực cho những khó khăn tài chính của EVN, cải thiện dòng tiền thanh toán và tạo dư địa huy động cho nguồn điện giá cao. Đồng thời, điện khí sẽ hưởng lợi trong việc huy động sản lượng do thủy điện suy yếu, tạo dư địa huy động cho các nguồn thay thế và dự báo giá dầu Brent giảm trong 2023-2024 đạt 85-80 USD/thùng hỗ trợ khả năng cạnh tranh giá của nguồn trong bối cảnh giá đầu vào than tiếp tục neo cao.

Đối với điện than, kỳ vọng các nhà máy sử dụng than nội địa tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ giá than nội ổn định cũng như chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, một mùa hè nhiệt độ cao hơn sẽ là yếu tố cơ bản, hỗ trợ huy động sản lượng các nhà máy điện than tại khu vực này trong năm 2023.

Theo đó, VNDirect đưa ra khuyến nghị đầu tư vào 4 cổ phiếu sáng giá ngành điện gồm PC1, POW, NT2, QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh).

Trong năm 2023, VNDirect kỳ vọng giá cổ phiếu POW sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của mảng điện khí. Doanh nghiệp này đang nắm trong tay chuỗi hai dự án bao gồm 100% sở hữu tại Nhơn Trạch 3 và 4 (1.600MW) và 33% cổ phần tại dự án LNG Quảng Ninh (1.500MW).

Ngoài ra, trong bối cảnh vẫn có bất ổn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của điện năng lượng tái tạo, một cơ chế giá điện chính thức sẽ được ban hành trong năm nay. Khi mọi nút thắt được giải quyết, mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ bùng nổ đầu tiên. Do đó, PC1 là sẽ là doanh nghiệp đón đầu xu hướng này.

Các dự án điện gió của PC1 cũng là một trong những dự án nổi bật của Đông Nam Á, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quản trị, môi trường (ESG) và đang được hưởng chính sách lãi vay rất ưu đãi (5-6%/năm) thấp hơn nhiều so với các dự án vay nội tệ khoảng 10-11%.

Doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII?

Theo đánh giá của Agriseco Research, Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là chính sách quan trọng, tác động tích cực đối với ngành điện nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với nhóm được hưởng lợi trực tiếp, với việc nguồn điện gió được ưu tiên phát triển với tỷ trọng cơ cấu nguồn phát tăng từ 5% năm 2022 lên 18% năm 2030, những doanh nghiệp đầu ngành như Cơ điện lạnh (REE); GEG; HDG,… sẽ được hưởng lợi nhờ tiềm lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm trong việc phát triển, vận hành các dự án giúp các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn rẻ và tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, điện khí LNG cũng được kỳ vọng sẽ thay thế cho nhiệt điện than, có tỷ trọng cơ cấu nguồn phát dự kiến tăng từ 0% năm 2022 lên 14% năm 2030. Do đó, PV Power (POW) sẽ được hưởng lợi từ dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 là LNG Quảng Ninh. Các doanh nghiệp phân phối khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước như GAS cũng được hưởng lợi từ sự kiện này.

Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII có kế hoạch đầu tư 134,7 tỷ USD trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12 tỷ USD/năm); lưới điện truyền tải khoảng 15 tỷ USD (trung bình khoảng 1,5 tỷ USD/năm), tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây lắp điện như PC1, TV2.

Quy hoạch điện VIII kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng. Agriseco Research dẫn từ NHNN cho biết tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng cho các dự án xanh tăng gần 13% so với cùng kỳ và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm trong giai đoạn 2017 – 2022.

Hiệu ứng "Sell in May" mờ nhạt, nhà đầu tư cần biết "chớp thời cơ"

Bối cảnh hiện tại của thị trường chứng khoán đang tương đối khó đoán định, thế nhưng vẫn có những cơ hội sinh lời cho ...

Cổ phiếu HVN vào diện kiểm soát, Vietnam Airlines nói gì?

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vừa có báo cáo giải trình và biện pháp khắc phục tình ...

Thị trường thép 4 tháng đầu năm: Sản xuất suy yếu, tiêu thụ thép giảm mạnh

Thị trường thép đã có phần khởi sắc trong quý I/2023. Tuy nhiên, xét trên 4 tháng đầu năm, khả năng sản xuất cũng như ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán