Cổ phiếu DGC: Ngày về đỉnh cũ còn xa

(Banker.vn) Trong bối cảnh thị giá DGC đã giảm tới 62% so với mức đỉnh, cổ đông lớn là nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục bán ra cổ phiếu DGC để giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,06% xuống chỉ còn 5,98% vốn điều lệ...

Thời hoàng kim lợi nhuận đã qua

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/5, cổ phiếu DGC giảm 0,97% về mức 51.200 đồng/cổ phiếu. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam ước tính, với mức giá hiện tại của DGC chỉ tương đương với VN-Index ở thời điểm 900 điểm.

Trở về với giai đoan từ ngày 31/12/2019 đến ngày 16/6/2022, cổ phiếu DGC đã trở thành "hiện tượng" trên thị trường chứn khoán khi liên tục tăng nóng với mức tăng 15,66 lần từ 7.730 đồng/cp lên 128.770 đồng/cp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, so với mức đỉnh trên, cổ phiếu DGC đã giảm tới 62%.

Cổ phiếu DGC: Ngày về đỉnh cũ còn xa

Một trong những lý do chính hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu DGC trong giai đoạn trước đó là bởi đại dịch Covid – 19 đã thúc đẩy giá sản phẩm phốt pho vàng (nguyên liệu đầu vào cho chất bán dẫn) – chiếm 50% doanh thu của công ty và giá phân bón liên tục tăng cao, giúp lợi nhuận của “ông lớn” ngành hóa chất này tăng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2022.

Trong đại dịch, tiền rẻ ngập tràn thị trường, thúc đẩy tài sản tài chính tăng chóng mặt. Tuy nhiên sau đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đồng loạt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dẫn tới tài sản tài chính như cổ phiếu liên tục bị bán tháo trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cổ phiếu DGC cũng bị bán mạnh và liên tục giảm sâu từ cuối tháng 6/2022 tới nay.

Cùng với đó, triển vọng kinh doanh đi xuống, DGC đã đi qua thời điểm thuận lợi nhất cũng được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư bán ra, dẫn tới đà lao dốc của cổ phiếu DGC trong giai đoạn vừa qua.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận đạt 6.036,98 tỷ đồng, tăng 140,2% so với năm 2021, chưa biết đến năm nào, công ty mới quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.

Dự phòng cho kịch bản giá phốt pho vàng và giá phân bón giảm, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu giảm 24,7%, về 10.875 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 50,3%, chỉ còn 3.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu chưa thực sự về đáy?

Việc cổ phiếu DGC đang không ngừng lao dốc đã khiến nhiều nhà đầu tư lỡ “đu đỉnh” rơi vào thế khó bởi chưa biết bao giờ mới có ngày “về bờ”. Dù vậy, một trong những yếu tố để cổ đông có thể kỳ vọng giá cổ phiếu hồi phục trở lại đó là định giá của DGC có vẻ hấp dẫn với P/E cốt lõi năm 2023/2024 là 6,4x/6,0x so với mức trung bình 3 năm của DGC và P/E trượt trung bình của các công ty cùng ngành lần lượt là 14,0x và 11,5x.

Hơn nữa, Đức Giang cũng có số dư tiền mặt dồi dào chiếm khoảng 50% vốn hóa thị trường và không có nợ dài hạn cũng là một điều kiện để nhà đầu tư muốn “xuống tiền”.

Đặc biệt, sau thông tin “ông lớn” ngành hóa chất đã thông qua chủ trương mua 100% cổ phần của Công ty CP Phốt pho 6 để có thể giúp nâng thêm 18% tổng sản lượng sản xuất của Đức Giang đã giúp giá cổ phiếu bật tăng cùng thanh khoản bùng nổ lên 4,8 triệu đơn vị được sang tay (phiên 13/4).

Tuy nhiên, lại thêm một yếu tố tiêu cực nữa khi mà kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy doanh thu của DGC chỉ đạt 2.483 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 47% về còn gần 36% - thấp nhất trong vòng 6 quý. Sau khi trừ đi các khoản thuế phí, công ty báo lãi sau thuế gần 823 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.

Thậm chí kỳ vọng Phốt pho 6 mang lại lợi nhuận khả quan song Đức Giang vẫn dự phóng kế hoạch kinh doanh quý II/2023 với doanh thu 2.172 tỷ đồng và 630 tỷ lợi nhuận sau thuế hợp nhất, lần lượt giảm 46% và 67% so với mức đỉnh lịch sử ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng sẽ là quý giảm thứ 4 liên tiếp cả về doanh thu lẫn lợi nhuận của công ty.

Trở lại với việc cổ phiếu đi xuống, trong bối cảnh thị giá DGC đã giảm tới 62% so với mức đỉnh, cổ đông lớn là nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục bán ra cổ phiếu DGC để giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,06% xuống chỉ còn 5,98% vốn điều lệ.

Đáng nói, trong bối cảnh như vậy, thông thường nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có động thái mua vào để để “đỡ giá” cổ phiếu nhằm mục đích hãm đà rơi của cổ phiếu, song Chủ tịch Đào Hữu Huyền cũng như thành viên gia đình lại không những không mua vào mà lại có động thái bán ra.

Điều này không khỏi khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi “phải chăng thị giá cổ phiếu DGC vẫn chưa chạm đáy?” Cùng với kết quả kinh doanh chưa có dấu hiệu phục hồi, e rằng còn đường trở về đỉnh vẫn còn khá là xa vời.

Tại ĐHCĐ thường niên cuối tháng 3, Chủ tịch Đào Hữu Huyền từng nhấn mạnh “không giải quyết nỗi buồn của cổ đông” và cho biết, chứng khoán hoàn toàn do quy luật thị trường quyết định, một mình ông không thể chống lại xu hướng thị trường, nên ông không có kế hoạch mua, mà ngược lại, nếu có điều kiện, gia đình sẽ bán ra, giảm sở hữu từ mức hơn 40% vốn điều lệ hiện tại.

“Ngày nào đó, thị trường quay lại, cổ phiếu DGC sẽ quay trở lại”, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang nói.

Trước đó, thống kê từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022, người thân và lãnh đạo Hóa chất Đức Giang đã mua vào 214.900 cổ phiếu và bán ra 3.821.967 cổ phiếu DGC, tương ứng bán ròng hơn 3,6 triệu cổ phiếu.

Nhận định chứng khoán ngày 11/5/2023: VN-Index rung lắc, giao dịch trong biên độ hẹp

Lực cầu quay trở lại trong phiên chiều giúp VN-Index duy trì được sắc xanh, nối dài nhịp phục hồi tiệm cận khu vực 1.060 ...

Nhận định chứng khoán ngày 11/5/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 11/5/2023. Tạp ...

Thị trường chứng khoán ngày 11/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Dòng tiền khởi sắc, VN-Index vững đà tăng; Một cá nhân rời ghế cổ đông lớn CT6; Tổng Giám đốc BCG đăng ký bán 6 ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục