Cổ phiếu DDG bất ngờ lao dốc, mất thanh khoản: Lịch sử của FTM cùng CDO có lặp lại?

(Banker.vn) Tuần giao dịch vừa qua có thể coi là "đáng quên" với các cổ đông DDG, khi chỉ sau đúng 1 tuần với các phiên giảm sàn tắt thanh khoản liên tiếp, cổ phiếu DDG đã "bốc hơi" 46,4% thị giá.

Cổ phiếu bất ngờ lao dốc sau 'chuỗi uptrend' 4 năm

Sau hai tháng đi ngang ở vùng giá đỉnh lịch sử 42.000 - 43.000 đồng/cp, cổ phiếu DDG của Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex, HNX: DDG) đã giảm sàn 6 phiên liên tiếp (10/4 – 17/4). Theo đó, chỉ sau một tuần, giá cổ phiếu này đã giảm hơn 46% giá trị từ 42.200 đồng/cp xuống mức đáy gần hai năm 22.600 đồng/cp; vốn hoá cũng mất hơn 1.170 tỷ, xuống còn 1.350 tỷ đồng.

Bên cạnh việc giảm giá mạnh, cổ phiếu DDG còn mất thanh khoản. Khối lượng khớp lệnh mã này giảm xuống còn trung bình vài chục nghìn đơn vị, trong đó có những phiên ghi nhận chỉ quanh 10.000 đơn vị, trong khi giai đoạn trước đó, khối lượng giao dịch mã này đạt hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên. Trong phiên hôm qua (17/4), cổ phiếu DDG dư bán giá sàn hơn 5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu DDG bất ngờ lao dốc, mất thanh khoản: Lịch sử của FTM cùng CDO có lặp lại?
Trước diễn biến giá như hiện nay của DDG, nhiều nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi liệu rằng cổ phiếu DDG có lặp lại lịch sử của FTM hay CDO

Giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, Indochine Imex cho biết hiện tại công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu giảm là do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua khiến tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

"Việc giá cổ phiếu giảm do cung cầu của thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Công ty cam kết luôn tuân thủ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của công ty", Indochine Imex đưa ra lời giải trình.

Trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều cổ phiếu từng bất ngờ lao dốc và mất thanh khoản sau giai đoạn tăng giá mạnh kể từ khi lên sàn như FTM, CDO. Hiện tại thì cả hai cổ phiếu này đều đang nằm vùng "trà đá" và gần như không có thanh khoản. Gần đây nhất, việc nhiều công ty bất động sản gặp khó trả nợ gốc và lãi trái phiếu cũng liên tục giảm sàn khi nhiều công ty chứng khoán bán giải chấp lượng lớn. Trước diễn biến giá như hiện nay của DDG, nhiều nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi liệu rằng cổ phiếu DDG có lặp lại lịch sử của FTM hay CDO, Và chân dung cũng như hoạt động của doanh nghiệp này ra sao?

Lợi nhuận liên tục tăng nhưng cổ đông chưa một lần nhận tiền cổ tức

DDG tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành được thành lập ngày 25/6/2010 vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Sau 2 lần tăng vốn vào tháng 9/2015 và tháng 9/2016 nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ của công ty được nâng lên mức 120 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2017, DDG trở thành công ty đại chúng và sau đó chính thức niêm yết 12 triệu cổ phiếu trên sàn HNX vào ngày 18/12/2018. Sau khi niêm yết, công ty đã liên tục có động thái tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% vào tháng 5/2020; phát hành riêng lẻ 14 triệu cổ phiếu vào tháng 7/2020; chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 vào tháng 10/2021; và ESOP 2,8 triệu cổ phiếu vào tháng 10/2022.

Năm 2022, doanh thu thuần của DDG ở mức 974,5 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm trước đó, chủ yếu nhờ đóng góp của khoản doanh thu bán hàng hóa gần 700 tỷ đồng. Tuy nhiên trong kỳ lại ghi nhận sự tăng lên của các khoản chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 3 tỷ, đạt mức 44,3 tỷ đồng.

Như vậy với kế hoạch 880 tỷ đồng doanh thu và 70,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì DDG đã hoàn thành được 110,8% kế hoạch doanh thu và 63% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm vừa qua. Tổng tài sản tính đến cuối năm ngoái ở mức 1.853 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Hai khoản chiếm tỷ trọng lớn lần lượt là tài sản cố định 826,5 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn 671 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, DDG có 1.074 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó dư nợ trái phiếu ở mức 299,4 tỷ đồng. Năm 2022 công ty này đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 11,5%, kỳ hạn 2 năm. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là quyền sử dụng đất, hệ thống lò hơi và tài sản trên đất thuộc sở hữu của công ty tại Khu công nghiệp Trà Nóc II. Số tiền thu về được dùng để đầu tư vào dự án đầu tư sản xuất hơi và sấy hèm ở nhà máy bia Heineken Việt Nam-Vũng Tàu giai đoạn 2, dự án thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng từ lò hơi.

Bên cạnh đầu tư dự án cung cấp nhiệt Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu, DDG còn đầu tư và thực hiện nhiều công trình như: Nhà máy điện rác BIWASE, nhà máy xử lý rác thải Long An, dự án lò hơi cấp nhiệt công suất 35 tấn/giờ tại Cần Thơ cho công ty Suntory Pepsico Việt Nam; dự án cung cấp hơi công suất 25 tấn/giờ cho Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Tiền Giang; dự án cấp hơi Công xuất 18 tấn/giờ cho nhà máy giấy Đồng Tiến; dự án cung cấp nhiệt sấy mủ cao su với công suất 25 tấn/giờ cho Công ty TNHH SX và TM Linh Hương; dự án cung cấp hơi công suất 7,5 tấn/giờ cho Công ty Cổ phần Tôn Đông Á… Sang năm 2023, công ty này sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 Khu công nghiệp Mỹ Xuân A.

Kể từ khi thành lập đến nay, DDG đã có 5 lần tăng vốn, cập nhật tại tháng 2/2023 công ty này có số vốn điều lệ 598,2 tỷ đồng với 87,13% nằm trong tay các cổ đông cá nhân nhỏ lẻ và 12,87% vốn thuộc sở hữu của các cổ đông các nhân lớn, đó là Thành viên HĐQT Trần Kim Sa (6,39%) và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Quang (6,48%).

Cổ phiếu DDG bất ngờ lao dốc, mất thanh khoản: Lịch sử của FTM cùng CDO có lặp lại?
Cơ cấu cổ đông sáng lập của DDG (Nguồn: DDG)

Liên tục tăng vốn sau hơn 5 năm lên sàn, thế nhưng DDG lại chưa một lần chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông dù kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng. Năm 2023, DDG lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 27% so với thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành mục tiêu đề ra, DDG sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận. Dù vậy, DDG đánh giá năm nay vẫn còn nhiều thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành năng lượng nói riêng.

Thị trường chứng khoán ngày 18/4/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Xanh vỏ đỏ lòng, thanh khoản cũng "giảm tốc"; Cổ phiếu ITA tiếp tục bị cảnh báo trên HOSE; VNPost đấu giá bất thành cổ ...

NovaGroup tiếp tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu NVL

Công ty CP NovaGroup báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ Công ty CP ...

Chiến lược giao dịch cổ phiếu những quý tiếp theo: "Năng nhặt chặt bị"

VCBS nhận diện 2023 là năm thị trường chứng khoán đối diện với nhiều thách thức. Do đó, chiến lược giao dịch cho những quý ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục