Cổ phiếu DBC dù mất 60% thị giá, chủ tịch Dabaco vẫn muốn bán 10 triệu đơn vị

(Banker.vn) Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu DBC chỉ còn 15.500 đồng/cp. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Tạm chiếu theo thị giá này, ước tính ông So sẽ thu về 150,5 tỷ đồng.

Mới đây, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) đã đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu DBC từ ngày 2/11 đến 1/12 với mục đích nhu cầu tài chính cá nhân. Hiện, ông So đang là cổ đông lớn tại doanh nghiệp nhà với tỷ lệ sở hữu đạt 28,3%. Nếu giao dịch hoàn tất, vị lãnh đạo này sẽ giảm tỷ lệ sở tại DBC về còn 24,16% vốn điều lệ,

Cổ phiếu DBC dù mất 60% thị giá, chủ tịch Dabaco vẫn muốn bán 10 triệu đơn vị

Trên thị trường, cổ phiếu DBC trải qua đà giảm sâu (mất 58,3% thị giá so với hồi tháng 4/2022) và hiện vẫn đang dò đáy. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu DBC chỉ còn 15.500 đồng/cp. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Tạm chiếu theo thị giá này, ước tính ông So sẽ thu về 150,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã này từng tăng mạnh 7x% từ vùng đáy cuối tháng 6/2022 đến cuối tháng 8/2022. Trong bố cảnh đó, hai người con gái của ông So đã nhanh tay "chốt lời". Cụ thể, ngày 28/7, bà Nguyễn Thị Tân Hòa đã bán 2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,05% về còn 2,23% vốn điều lệ. Từ ngày 22/8 đến 23/8, bà Nguyễn Thu Hiền bán ra toàn bộ 3 triệu cổ phiếu đăng ký để giảm sở hữu từ 2,39% về còn 1,15% vốn điều lệ.

Cổ phiếu DBC dù mất 60% thị giá, chủ tịch Dabaco vẫn muốn bán 10 triệu đơn vị
Diễn biến giá cổ phiếu BDC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Việc liên tục bán ra cổ phiếu của người thân cùng lãnh đạo DBC cũng đi ngược với xu hướng mua vào "đỡ giá" của nhiều lãnh đạo hiện nay.

Đơn cử, một DN cùng ngành là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG), trong bối cảnh cổ phiếu giảm mạnh do áp lực thị trường cùng những tin đồn liên quan đến Chủ tịch, người nội bộ là bà Đoàn Hoàng Anh (con gái Chủ tịch) đăng ký mua thêm cổ phiếu Công ty.

Hay tại một số doanh nghiệp bất động sản, lãnh đạo Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển Xây dựng (DIG) và Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng đăng ký mua hàng chục triệu cổ phiếu Công ty.

Doanh thu từ bất động sản "cứu" tăng trưởng lợi nhuận quý 3

Sau 4 quý tăng trưởng âm vì hoạt động chăn nuôi gặp bất lợi, Dabaco công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với lãi ròng tăng trở lại (tăng 50% so với cùng kỳ), đạt hơn 206 tỷ đồng, nhờ ghi nhận doanh thu đột biến từ kinh doanh bất động sản.

Theo DBC, quý 3/2022, tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng địa chính trị tại một số nước trên thế giới, ngành thức ăn chăn nuôi nói chung cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do chi phí đầu vào, giá nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí vận chuyển, logistic tăng cao.

Ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn, do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và nuôi tái đàn, doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị chăn nuôi cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, DBC ghi nhận doanh thu thuần 3.567 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn (34%), khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 14,3% xuống 13,6%. Lợi nhuận gộp đạt 485,6 tỷ đồng, vẫn tăng 26%.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính gần như đi ngang, đạt hơn 4,5 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 6%, còn hơn 43 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay gần 40 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi phí khác biến động không quá nhiều so với cùng kỳ. Kết quả, DBC báo lãi ròng quý 3 đạt hơn 206 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, DBC thu về 9.339 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ kinh doanh bất động sản tăng đột biến, đạt hơn 843,5 tỷ đồng (gấp 3,6 lần cùng kỳ). Sau khi khấu trừ chi phí, Công ty báo lãi ròng hơn 229 tỷ đồng, giảm 68%, do ảnh hưởng từ mảng heo nửa đầu năm.

Có thể thấy khoản thu bất động sản chủ yếu được ghi nhận trong quý 3 và chính lợi nhuận của hoạt động này đã giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3 tăng trưởng so với cùng kỳ.

Ngoài ra, trong văn bản giải trình, DBC cho biết mặc dù tình hình chung còn khó khăn nhưng với kinh nghiệm lâu năm trong ngành, Tập đoàn đã luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị thành viên tích cực áp dụng các giải pháp kỹ thuật, quản lý, nâng cao năng suất, tiết kiệm triệt để nhằm hạ giá thành sản xuất, nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy thức ăn chăn nuôi vẫn ổn định và tăng trưởng.

DBC dự báo 2022 tiếp tục là năm khó khăn khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới, kèm theo đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Trên cơ sở đó, Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với doanh thu 22.558 tỷ đồng, lãi sau thuế 918 tỷ đồng.

So với kế hoạch đề ra, DBC thực hiện hơn 41% chỉ tiêu doanh thu và gần 25% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng.

Chi phí xây dựng cơ bản gấp gần 2,3 lần đầu năm

Tại ngày 30/09/2022, tổng tài sản của DBC đạt hơn 11.314 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền đạt hơn 239 tỷ đồng (tăng 21%), chủ yếu là tiền gửi ngân hàng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 522,7 tỷ đồng (giảm 9%), đều là tiền gửi có kỳ hạn; các khoản phải thu ngắn hạn hơn 574 tỷ đồng (tăng 5%).

Hàng tồn kho hơn 4.167 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm; trong đó Công ty không còn phát sinh khoản hàng mua đang đi trên đường (cùng kỳ hơn 86 tỷ đồng).

Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại cuối quý 3 đạt hơn 1.076 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do Công ty đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn Thanh Hóa gần 586 tỷ đồng (gấp 7,6 lần đầu năm); đầu tư mới dự án nhà máy ép dầu giai đoạn 3 hơn 99 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận), ngoài ra tăng đầu tư đối với các dự án chăn nuôi khác…

Về nguồn vốn, nợ phải trả tới cuối kỳ gần 6.449 tỷ đồng, tăng 5%, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay nợ thuê ngắn hạn gần 3.369 tỷ đồng (tăng 30%), chiếm chủ yếu là vay các ngân hàng thương mại Nhà nước (hơn 2.528 tỷ đồng); vay nợ thuê dài hạn gần 795 tỷ đồng (tăng 16%).

Vốn chủ sở hữu đạt hơn 4.865 tỷ đồng, tăng 4%; song lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 232 tỷ đồng, giảm gần 62%.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Nhận định chứng khoán ngày 31/10/2022: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 31/10/2022. Tạp ...

Phiên giao dịch ngày 31/10/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Nhận định chứng khoán ngày 31/10/2022: Thị trường cần tích lũy thêm

Thị trường ghi nhận một phiên giảm điểm chủ yếu do áp lực chốt lời T+, trong bối cảnh số mã tăng giá chiếm ưu ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán