Cổ phiếu AGM liên tục tím dù đang khó trong kinh doanh, quá khứ cũng từng bị thao túng

(Banker.vn) Sau "sóng gió" thao túng liên quan tới ông Đỗ Thành Nhân, cổ phiếu AGM đã rơi thẳng đứng từ vùng đỉnh hơn 60.000 đồng/cổ phiếu xuống mức giá như hiện tại...

Đóng cửa phiên giao dịch 12/9, cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất Nhập Khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) tiếp tục tăng trần (+6,77%), đánh dấu phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu lúa gạo này. Với mức giá 3.470 đồng/cổ phiếu như hiện tại, thị giá AGM đã lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây. Khối lượng khớp lệnh phiên hôm nay đạt gần 112.000 cổ phiếu, trong khi dư mua tại giá trần còn 210.300 cổ phiếu.

AGM cũng là một trong những mã cổ phiếu hiếm hoi trên sàn HoSE liên tục lội ngược dòng thị trường để tăng mạnh thời gian gần đây. Dù vậy, so với vùng giá đầu năm là 6.300 đồng/cổ phiếu, thị giá AGM vẫn mất gần 45%. Vốn hoá thị trường của công ty cũng giảm khoảng một nửa, hiện chỉ còn 63 tỷ đồng.

Cổ phiếu AGM liên tục tím dù đang khó trong kinh doanh, quá khứ cũng từng bị thao túng
AGM cũng là một trong những mã cổ phiếu hiếm hoi trên sàn HoSE liên tục lội ngược dòng thị trường để tăng mạnh thời gian gần đây

Hiện tại, cổ phiếu AGM đang thuộc diện kiểm soát theo Quyết định số 129 ngày 29/3/2024 do lợi nhuận sau thuế là âm 98,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 264,2 tỷ đồng căn cứ tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

Đà tăng đột biến của cổ phiếu này diễn ra ngay khi lãnh đạo Angimex thông tin về lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Trong văn bản giải trình ngày 11/9, ông Huỳnh Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Angimex cho biết công ty đang thực hiện nhiều giải pháp để đưa cổ phiếu ra khỏi diện kiểm soát. Cụ thể, Angimex tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tiến hành thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng quy mô vốn chủ sở hữu, qua đó bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khắc phục tình trạng lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ thực góp.

Ngoài ra, công ty cũng thực hiện tái cơ cấu toàn diện thông qua việc tối ưu hoá bộ máy quản lý, tinh gọn nhân sự, đôn đốc thu hồi những khoản nợ khó đòi đồng thời thanh lý tài sản.

Ban lãnh đạo Angimex cũng đang tính đến việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ trái phiếu thành cổ phiếu cho trái chủ, qua đó tăng vốn điều lệ và cải thiện tình hình tài chính. Ban lãnh đạo nói thêm, để khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, công ty sẽ giải trình và báo cáo tình hình hàng quý cũng như không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thách thức hiện tại của AGM: Lỗ lũy kế lên đến gần 260 tỷ đồng

Angimex đã ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần của công ty đạt gần 151 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Angimex không còn khoản thu 207 tỷ đồng từ hoạt động bán xe máy, phụ tùng và dịch vụ sửa chữa như trong quý trước đó, dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh thu.

Dù vậy, doanh thu từ mảng bán hàng lương thực của công ty lại tăng 67%, đạt hơn 118 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Angimex. Tuy nhiên, lợi nhuận từ mảng này cũng không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh, đặc biệt là giá vốn hàng bán. Hậu quả là công ty lỗ tới 99,5 tỷ đồng sau thuế trong nửa đầu năm 2024.

Angimex đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024, giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế xuống còn 5 tỷ đồng, thấp hơn 81% so với kế hoạch ban đầu. Dù vậy, công ty vẫn chưa thể đạt được lợi nhuận, và tình hình tài chính tiếp tục gặp khó khăn. Tính đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của Angimex đã lên gần 260 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm gần 78 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Angimex vào cuối quý II/2024 đạt 1.165 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng lo ngại, nợ phải trả của công ty vượt quá tổng tài sản, lên tới 1.242 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các khoản nợ ngắn hạn. Điều này cho thấy áp lực tài chính lớn mà công ty đang phải đối mặt.

Quá khứ từng dính thao túng

Angimex từng được biết đến là một trong những nhà xuất nhập khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam. Vào năm 2021, sự xuất hiện của nhà đầu tư mới - Louis Holdings - thay thế cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã mang lại nhiều kỳ vọng về một sự thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh của Angimex.

Tuy nhiên, từ năm 2022, công ty bắt đầu gặp sóng gió khi ông Đỗ Thành Nhân, lãnh đạo của Louis Holdings, bị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán. Sau khi ông Nhân bị bắt vào giữa năm 2022, Angimex đã liên tục biến động nhân sự cấp cao, khiến hoạt động quản lý và điều hành gặp nhiều khó khăn. Kể từ đó, kết quả kinh doanh của công ty rơi vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng và vẫn chưa thể phục hồi.

Hiện tại, Angimex đang phải đối mặt với bài toán khó về việc tìm kiếm chiến lược khắc phục tình hình tài chính cũng như ổn định hoạt động kinh doanh trong bối cảnh các khoản nợ ngày càng gia tăng.

Cổ phiếu VNZ của "kỳ lân công nghệ" VNG bất ngờ tăng trần

Kể từ tháng 8/2023, cổ phiếu VNZ của "kỳ lân công nghệ" VNG mới lại có một phiên tăng trần, củng cố vững chắc vị ...

Cổ phiếu "ngựa ô" của năm 2024 sắp niêm yết sàn HNX

Cổ phiếu PTX kết phiên 11/9 ở mức 16.500 đồng/cổ phiếu, tăng 34 lần so với đầu năm 2024. Còn tính ở đỉnh giá 22.900 ...

Cá mập ngoại không muốn ở lại với HNG ngày về UPCoM

Sau thông tin cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết trên HOSE, các nhà đầu tư nước ngoài lập tức kích hoạt trạng thái bán ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán