Có nên giao dịch theo cổ đông nội bộ?

(Banker.vn) Hiện nay, với việc tin tức trên thị trường cổ phiếu ngày càng trở nên phổ biến hơn, có rất nhiều sự kiện về doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể theo dõi. Một trong số đó là giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan (gọi tắt là cổ đông nội bộ). Mỗi khi nhóm cổ đông này giao dịch, họ phải công bố thông tin và nhà đầu tư cá nhân có thể tìm được báo cáo về sự kiện này trên nhiều kênh truyền thông đại chúng khác nhau.

Vậy tại sao đây lại là sự kiện mà chúng ta cần lưu tâm? Bởi lẽ, một trong những đặc tính của thị trường chứng khoán là sự bất cân xứng về thông tin. Nhà đầu tư cá nhân bên ngoài có thể tìm hiểu về một doanh nghiệp qua nhiều kênh, ví dụ như website công ty, báo cáo tài chính, đại hội cổ đông,… Mặc dù vậy, chất lượng dữ liệu quan trọng mà họ nắm được thường hạn chế hơn so với cổ đông nội bộ trong công ty, có thể kể đến ban lãnh đạo, đối tác chiến lược và những bên liên quan khác.

Hình minh họa
Hình minh họa

Nhóm cổ đông này thường nắm rõ hoạt động công ty, họ biết được công ty đang hoạt động kinh doanh như thế nào, các dự án được triển khai ra sao. Do vậy, việc họ mua bán cổ phiếu của công ty có thể đem đến tín hiệu về kết quả kinh doanh, hoặc tác động trực tiếp đến diễn biến giá cổ phiếu giai đoạn tiếp theo. Có thể kể đến một số giao dịch tiêu biểu của cổ đông nội bộ như giao dịch Mua 10 triệu cổ phiếu KBC của CTCP Đầu tư Vinatex – Tân Tạo; sau khi giao dịch hoàn tất, giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần trong thời gian ngắn…

Nguồn: TCInvest-TCBS
Nguồn: TCInvest-TCBS

…hoặc giao dịch Mua 12 triệu cổ phiếu BWE của TSK Corp, sau đó giá cổ phiếu tăng gấp 2 lần…

Nguồn: TCInvest-TCBS
Nguồn: TCInvest-TCBS

Chiến lược giao dịch theo cổ đông nội bộ

Vậy nhà đầu tư có nên ra quyết định mua bán theo cổ đông nội bộ của công ty hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi nghiên cứu tất cả giao dịch nội bộ của các cổ phiếu trên sàn trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, chúng tôi chỉ lựa chọn những công ty đáp ứng tiêu chí về vốn hóa và những giao dịch với khối lượng 100,000 cổ phiếu trở lên, để đảm bảo tầm quan trọng của những giao dịch này. Kết quả bao gồm ~9,000 giao dịch được chúng tôi phân tích.

Chúng tôi định nghĩa ngày T là ngày cổ đông nội bộ hoàn tất giao dịch. Các thời điểm được lựa chọn trong nghiên cứu là T-20 (20 phiên trước ngày T), ngày T, T+20 (20 phiên sau ngày T), T+40 (40 phiên sau ngày T), T+60 (60 phiên sau ngày T).

Có nên giao dịch theo cổ đông nội bộ?

Chúng tôi phân tích các giao dịch Mua và trình bày kết quả bên dưới, trong đó các khung thời gian có ý nghĩa như sau:

- T-20 đến T+20: Lợi nhuận tính từ 20 phiên trước ngày T tới 20 phiên sau ngày T

- T-20 đến T+40: Lợi nhuận tính từ 20 phiên trước ngày T tới 40 phiên sau ngày T

- T-20 đến T+60: Lợi nhuận tính từ 20 phiên trước ngày T tới 60 phiên sau ngày T

- T đến T+20: Lợi nhuận tính từ ngày T tới 20 phiên sau ngày T

- T đến T+40: Lợi nhuận tính từ ngày T tới 40 phiên sau ngày T

- T đến T+60: Lợi nhuận tính từ ngày T tới 60 phiên sau ngày T

Theo đó, những khung thời gian lợi nhuận dương hàm ý rằng sau khi nhà đầu tư mua cổ phiếu thì giá cổ phiếu tăng và ngược lại.

Lợi nhuận trung bình trước và sau ngày cổ đông nội bộ hoàn tất giao dịch Mua

Nguồn: TCData-TCBS
Nguồn: TCData-TCBS

Có thể thấy, trong hầu hết các năm nghiên cứu, việc mua cổ phiếu 20 phiên trước khi cổ đông nội bộ hoàn thành giao dịch Mua (đây là thời điểm cổ đông nội bộ công bố thông tin về việc đăng ký mua cổ phiếu) và nắm giữ tới 60 phiên sau đó cho mức lợi nhuận trung bình tương đối tốt, lên tới trên 20% vào giai đoạn 2020-2022 và tương đối khả quan ở những giai đoạn khác (trừ những năm thị trường khó khăn như 2018). Về giai đoạn sau khi cổ đông nội bộ hoàn tất giao dịch, chiến lược không thực sự hiệu quả, trừ những năm thị trường tăng giá mạnh.

Xác suất giao dịch thành công trước và sau ngày cổ đông nội bộ hoàn tất giao dịch Mua

Nguồn: TCData-TCBS
Nguồn: TCData-TCBS

Khi chúng tôi thống kê xác suất giao dịch thành công (có lãi) trước và sau các giao dịch Mua được nghiên cứu, chúng tôi thấy được kết quả tương đồng. Ngoại trừ những năm thị trường khó khăn, việc mua cổ phiếu 20 phiên trước ngày T cho xác suất thành công tương đối cao (trên 60% tỷ lệ giao dịch có lãi). Ngược lại, khi nhà đầu tư mua vào sau ngày T, xác suất thành công tương đối thấp.

Tương tự, chúng tôi phân tích các giao dịch Bán với cùng những khung thời gian nêu trên. Tuy nhiên, do đây là giao dịch Bán, lợi nhuận được tính ngược lại so với giao dịch Mua. Những khung thời gian lợi nhuận âm hàm ý rằng sau khi nhà đầu tư bán cổ phiếu thì giá cổ phiếu tiếp tục tăng và ngược lại.

Lợi nhuận trung bình trước và sau ngày cổ đông nội bộ hoàn tất giao dịch Bán

Nguồn: TCData-TCBS
Nguồn: TCData-TCBS

Lợi nhuận trung bình trước và sau các giao dịch Bán cho thấy bức tranh khác biệt. Ở hầu hết các khung thời gian bắt đầu từ T-20, có thể thấy nếu nhà đầu tư bán cổ phiếu trước khi cổ đông nội bộ hoàn thành giao dịch Bán, cổ phiếu vẫn còn dư địa tăng thêm. Do vậy, nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng “bán hớ” cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư bán tại ngày T, hiệu quả của chiến lược chưa thực sự rõ ràng ở các khung thời gian.

Xác suất giao dịch thành công trước và sau ngày cổ đông nội bộ hoàn tất giao dịch Bán

Nguồn: TCData-TCBS
Nguồn: TCData-TCBS

Thống kê về xác suất thành công trước và sau giao dịch Bán cũng cho thấy kết quả tương tự. Ở hầu hết các khung thời gian (trừ 2018), chiến lược giao dịch bán theo cổ đông nội bộ cho thấy xác suất thành công tương đối thấp, ở một số năm chỉ khoảng 20-30%. Nếu nhà đầu tư bán tại ngày T, tỷ lệ thành công có phần khả quan hơn, tuy nhiên ở nhiều thời điểm cũng chỉ ở quanh mức 50/50.

Lời kết

Trên đây chúng tôi đã trình bày những thống kê về mức lợi nhuận của cổ phiếu trước và sau khi cổ đông nội bộ hoàn tất giao dịch. Có thể thấy, mặc dù cổ đông nội bộ có nhiều thông tin về doanh nghiệp hơn nhà đầu tư, điều đó không có nghĩa là họ sẽ có những giao dịch “mua đáy bán đỉnh”. Nếu nhà đầu tư lựa chọn áp dụng chiến lược này, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 2 kết luận như sau:

- Đối với giao dịch Mua: Nếu nhà đầu tư mua vào 20 phiên trước khi hoàn tất (có thể hiểu là thời điểm cổ đông nội bộ công bố thông tin về việc đăng ký mua cổ phiếu), xác suất thành công và tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt.

- Đối với giao dịch Bán: Nhà đầu tư không nên bán trước khi hoàn tất, do xác suất thành công và tỷ suất lợi nhuận đều không thực sự hấp dẫn. Việc bán cổ phiếu tại ngày hoàn tất giao dịch cho kết quả khả quan hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, việc giao dịch theo cổ đông nội bộ chỉ nên được sử dụng với mục đích tham khảo. Nhà đầu tư nên lấy nội tại doanh nghiệp làm trọng tâm phân tích và sử dụng những tín hiệu Mua/Bán từ cổ đông nội bộ nhằm mục đích bổ trợ hoặc giúp tối ưu hoá lợi nhuận ngắn hạn trên cơ sở nắm giữ cổ phiếu trung – dài hạn.

Phương pháp hiệu quả để đa dạng hóa và kiểm soát rủi ro danh mục

Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư rất quan trọng để quản lý rủi ro, TCInvest cung cấp cho NĐT các công cụ, tiện ...

Lựa chọn kênh đầu tư giữa cơn gió nghịch

Áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu khiến các kênh đầu tư suy giảm. ...

Thị trường chứng khoán đã rẻ, thời điểm để giải ngân?

Kinh tế Việt Nam đang là bức tranh sáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng trưởng, mang lại cơ hội đầu tư trong ...

Trang Nhi t/h từ nguồn TCBS

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán