Có nên đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)?

(Banker.vn) Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) còn có 2 luồng ý kiến khác nhau về quản lý nước khoáng và nước nóng thiên nhiên.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Đề xuất không quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên Quy định mới trong việc cấp phép tài nguyên nước Hiệu quả của quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Hai luồng ý kiến về quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên

Sáng 14/8, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật.

Có nên đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Về vấn đề này, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao (điều kiện khai thác, cấp quyền khai thác, giá trị khai thác, sử dụng…).

Hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản và cho đến nay chưa có vướng mắc, bất cập gì. Do đó, không nên bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là tài nguyên nước dưới đất nhưng ở vị trí đặc biệt, do tác động của động lực hay nhiệt học nên có chứa khoáng chất và nhiệt độ cao hơn nước thông thường. Tuy vậy, loại nước này vẫn có đầy đủ các đặc tính của nước nên cần được quản lý thống nhất trong Luật Tài nguyên nước.

Việc khai thác, sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên cũng tuân thủ nguyên tắc về thăm dò, đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác và do cùng một cơ quan chuyên môn về tài nguyên môi trường quản lý, cấp phép thì nên quản lý thống nhất một đầu mối.

Hơn nữa, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên khác với các loại khoáng sản khác (kim loại, than, dầu khí…) ở khả năng có thể tái tạo nếu được khai thác và sử dụng hợp lý nên nếu quy định trong Luật Khoáng sản cũng chưa thực sự phù hợp. Do đó, nên đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước để khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Hiện nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản, Chính phủ cũng không đề xuất bổ sung nội dung này; nếu chuyển sang điều chỉnh tại Luật Tài nguyên nước thì cũng cần có đánh giá tác động, phải sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý phù hợp với tính đặc thù của loại nước này trong dự thảo Luật và đồng thời phải sửa đổi pháp luật có liên quan. Do đó, xin phép giữ nội dung này như khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật.

Quy định rõ trách nhiệm điều hòa, phân phối tài nguyên nước

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Điều 35, Điều 36), có ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ, nguyên tắc thực hiện điều hòa, phân phối tài nguyên nước; giải pháp thực hiện điều hòa phân phối tài nguyên nước để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên khai thác, sử dụng nước; giữa thượng lưu và hạ lưu; đề nghị rà soát, chỉnh sửa quy định về việc phải dự báo được tình hình tài nguyên nước hàng năm để có phương án điều hòa nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước; trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong điều hòa, phân phối nguồn nước.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, điều hòa, phân phối tài nguyên nước là hoạt động quan trọng để bảo đảm ổn định khai thác, sử dụng nước cho các ngành kinh tế, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa quy định của Luật Tài nguyên nước và các luật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước thuộc trách nhiệm quản lý của 5 Bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải.

Do đó, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã nêu rõ căn cứ, nguyên tắc cho việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước (khoản 1 Điều 35); giải pháp thực hiện hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình (điều chỉnh quy trình vận hành) (khoản 2 Điều 35), giải pháp phi công trình (thông qua việc xây dựng kịch bản tài nguyên nước, kế hoạch khai thác, sử dụng nước (khoản 3, 4 Điều 35).

Đồng thời, bổ sung quy định việc dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến lượng mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa để dự báo lượng nước theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước (khoản 3,5 Điều 35); quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm của các Bộ có liên quan, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước (khoản 5 Điều 35) và trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước (tại khoản 6 Điều 35).

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần có chính sách về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, cần có mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau và bố trí các nguồn lực thiết yếu để triển khai. Đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng để chỉ đạo kịp thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều hòa, phân phối nguồn nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước (khoản 1 Điều 36); trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh trong thực hiện điều tiết nguồn nước, quyết định việc hạn chế phân phối, sử dụng nước; quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn; chỉ đạo huy động nguồn nước trong phạm vi quản lý để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác (khoản 2 Điều 36).

Quản lý nghiêm ngặt nước cho sinh hoạt

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt (Điều 43), có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương riêng quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt; đề nghị bổ sung việc quy định giao nhiệm vụ hoặc yêu cầu năng lực của đơn vị cấp nước khi tham gia đầu tư xây dựng công trình cấp nước để có cơ sở quản lý; quy định về phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước để tránh chồng chéo, xung đột giữa các đơn vị cấp nước.

Bên cạnh đó, quy định rõ công trình cấp nước ở vùng giáp ranh đô thị và nông thôn hoặc khi nông thôn được đô thị hóa; quy định chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi phát sinh trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; quy định sử dụng, mua bán nước sinh hoạt, hợp đồng mua bán nước sinh hoạt; ứng phó đối với các sự cố về nước, cấp nước…

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, ý kiến đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Nước cho sinh hoạt là sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và cần quản lý nghiêm ngặt.

Hiện nay, việc quản lý cấp nước sinh hoạt đang thực hiện theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP, ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2007/NĐ-CP.

Để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong quy định pháp luật về quản lý nước, Luật Tài nguyên nước chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nguồn nước, còn các hoạt động khai thác, sử dụng nước được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành; Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, được thể hiện tại Điều 27, Điều 43 dự thảo Luật.

Còn các nội dung cụ thể liên quan đến khai thác, sử dụng, cấp nước cho sinh hoạt như đầu tư xây dựng công trình cấp nước, điều kiện, năng lực của đơn vị cung cấp nước, hợp đồng mua bán nước, phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước; bồi thường thiệt hại có liên quan đến khai thác, sử dụng và cung cấp nước cho sinh hoạt, ứng xử với sự cố về nước… sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước. Do đó, xin không bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương