Thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần giao dịch tương đối ảm đạm khi VN-Index đánh mất 40 điểm và một lần nữa tạm xa ngưỡng quan trọng 1.100. Áp lực chốt lời ngắn hạn khiến thị trường diễn biến kém sắc, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đồng loạt giảm giá đã gây áp lực lớn khiến VN-Index giảm sâu, tiêu biểu là những bluechips như VHM, MSN, VPB, VIC. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 39,95 điểm (3,58%) xuống 1.077,15điểm.
Trong bối cảnh thị trường không mấy tích cực, thanh khoản cũng có dấu hiệu cải thiện so với giai đoạn cuối năm trước, giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn trong tuần qua đạt khoảng 15.200 tỷ đồng/phiên.
Dữ liệu trong quá khứ cho thấy, tháng 2 là khoảng thời gian VN-Index thường có biến động mạnh nhất trong năm với mức tăng/giảm có thể lên đến hàng chục %. Và, thống kê trong 22 năm qua, VN-Index có xác suất tăng điểm trong tháng 2 lên đến gần 70%. Thậm chí, chỉ số còn có chuỗi 6 năm liên tiếp tăng điểm trong tháng này từ năm 2014 - 2019. Hai năm gần nhất, VN-Index đều tăng điểm trong tháng này.
Dù vậy, dữ liệu quá khứ chỉ mang tính tham khảo và không dễ để VN-Index nối dài mạch tăng điểm trong tháng 2 năm nay. Bởi bối cảnh thị trường mỗi năm mỗi khác và thời điểm hiện tại không có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực sau mùa báo cáo tài chính quý IV/2022. Hàng loạt nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, thép, phân bón,... tăng trưởng lợi nhuận âm, thậm chí thua lỗ trong khi nhóm ngân hàng lại phân hóa rõ rệt.
Và chính tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết âm đã đẩy P/E của VN-Index tăng vọt lên 13,x lần. Mức định giá này không còn quá hấp dẫn khi cao hơn nhiều so với vùng đáy hồi giữa tháng 11/2022 và gần tương đương vùng giá trước dịch Covid. Đây là một trong những yếu tố có thể sẽ hạn chế dòng tiền vào thị trường thời gian tới, đặc biệt là từ khối ngoại.
Hơn nữa, xu hướng tăng lãi suất được dự báo còn duy trì ít nhất đến hết nửa đầu năm 2023 sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền trên các tài sản tài chính rủi ro cao. Mặt bằng lãi suất cao duy trì trong thời gian dài cũng tác động tiêu cực đến lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp, qua đó gián tiếp đẩy định giá cổ phiếu lên cao cũng là một rủi ro đáng lưu ý.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cho rằng, bối cảnh liên thị trường và nội bộ thị trường Việt Nam vẫn còn đủ dư địa cho một nhịp tăng tiếp diễn (dù có thể là nhịp tăng ngắn và rủi ro cao).
Cũng theo chuyên gia đến từ DSC, dù bối cảnh vĩ mô năm 2023 không quá tươi sáng, song biến động của thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc vào dòng tiền. Hai yếu tố hỗ trợ dòng tiền thời gian tới là dư nợ margin trong quý IV/2022 đã giảm hơn 40.000 tỷ đồng nên rủi ro margin thấp hơn trước rất nhiều và khối ngoại tiếp đà mua ròng thêm 1 tỷ USD là vùng đệm cứng cho ngưỡng 1.000 điểm.
“Nhà đầu tư nên tập trung chiến lược mua thấp bán cao, chốt lời khi thị trường tăng mạnh. Có thể canh mua trong những nhịp giảm mạnh tại những ngưỡng 1.050 điểm, nếu bối cảnh xấu là 1.000 điểm”, ông Huy khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cũng nhận định nhịp điều chỉnh của chỉ số sẽ là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục và tích luỹ các cổ phiếu thuộc những nhóm ngành đang thu hút dòng tiền và có triển vọng tăng trưởng.
Dù vậy, trong giai đoạn tới, thị trường sẽ phân hoá mạnh khi nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh kể từ đáy, nên nhà đầu tư cần sàng lọc và lựa chọn những cổ phiếu có kỳ vọng tốt.
“Nhóm cổ phiếu đầu tư công, cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, chứng khoán, ngân hàng có thể sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới”, ông Ngọc lưu ý.
Linh Đan
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|