Cơ hội thu “tỷ đô” mỗi năm từ hợp tác song phương Việt Nam-Dubai

(Banker.vn) Dubai thiết lập văn phòng điều phối quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh mở rộng hơn nữa cơ hội hợp tác song phương Việt Nam-Dubai.
Quan hệ hợp tác Việt Nam-UAE sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới Thúc đẩy quan hệ song phương tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - UAE

Dư địa rất lớn

Theo thống kê của Hải quan Dubai, giá trị thương mại song phương giữa Việt Nam và Dubai đạt mức ấn tượng là 28,3 tỷ AED (7,7 tỷ USD) trong năm 2022. Tính đến ngày 31/5/2023, tổng cộng có 170 công ty Việt Nam đã đăng ký làm thành viên của Đại hội đồng Thương mại Dubai, trong đó có 22 công ty gia nhập từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay.

Cơ hội thu “tỷ đô” mỗi năm từ hợp tác song phương Việt Nam-Dubai

Ra mắt Hội đồng điều phối, văn phòng đại diện quốc tế Dubai tại TP. Hồ Chí Minh

Năm ngoái, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Dubai bao gồm điện tử (5,15 tỷ USD), giày dép (564 triệu USD) và máy móc (375 triệu USD), cùng với các sản phẩm dệt, hóa chất không hữu cơ, quần áo, trái cây và hạt, cà phê, trà và gia vị, nội thất và các sản phẩm da.

Các mặt hàng nhập khẩu đáng chú ý của Việt Nam từ Dubai bao gồm thuốc lá (92 triệu USD), thức ăn gia súc (38 triệu USD) và nhôm (33 triệu USD), cũng như nước hoa và mỹ phẩm, máy móc, nhựa, sắt và thép, nhiên liệu khoáng và bítum, các dụng cụ y tế.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, các lĩnh vực có tiềm năng cao để tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Dubai bao gồm: cà phê, trái cây nhiệt đới, nội thất và hạt điều. Ngược lại, lợi thế tiềm năng để tăng nhập khẩu từ Dubai vào Việt Nam trong lĩnh vực như thịt, đồ uống, cà phê, gia vị, nước hoa và mỹ phẩm... cũng đang có dư địa khá lớn. Ngoài ra, phía Dubai cũng xác định một số lĩnh vực tiềm năng để đầu tư tại Việt Nam, bao gồm nông nghiệp, kinh doanh, xây dựng, du lịch sinh thái, chế biến thực phẩm và năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang UAE có thể kể đến như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị… tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào nhiều thị trường đã đạt tới ngưỡng thì UAE được đánh giá là thị trường hết sức tiềm năng, mở ra cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, nhất là khi việc khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) đã được ký ở cấp bộ trưởng ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiệp định CEPA được thông qua sẽ giúp khai thác các tiềm năng, dư địa trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nền kinh tế vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau.

Theo ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE, một số mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam cũng đang có cơ hội xuất khẩu sang UAE.

Cơ hội tiếp cận thị trường mới nổi

Theo các chuyên gia, mới đây việc Dubai mở Văn phòng đại diện quốc tế mới tại Việt Nam, đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh vào thị trường Dubai. Đặc biệt, đây còn là dịp để các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng truyền thống phát huy lợi thế cạnh tranh, là cơ hội tốt để chuyển hướng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống vào Dubai.

Về phía Dubai cũng xem việc đặt đầu mối văn phòng điều phối tại TP. Hồ Chí Minh nhằm tận dụng thành phố sôi động này như một cửa ngõ để tiếp cận các thị trường mới nổi, nhằm hỗ trợ các công ty của Dubai mở rộng thị trường vào Việt Nam.

Tiến sĩ Bader Abdullah Al Matrooshi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của UAE tại Việt Nam cho rằng, việc thiết lập văn phòng đại diện mới tại Việt Nam là một trong những bước đi quan trọng của UAE nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước. Đây còn là dịp để UAE tiếp tục củng cố sự hiện diện của đại hội đồng trong khu vực Đông Nam Á sau các văn phòng mới khác tại Indonesia và Singapore, với mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương và đầu tư giữa Việt Nam và Dubai.

“Các số liệu thương mại và các chỉ số quan trọng khác tiết lộ những cơ hội đầy hứa hẹn cho tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa các quốc gia của chúng ta và văn phòng Phòng Quốc tế Dubai sẽ góp phần hiệu quả để đạt được mục tiêu này” - ông Bader Abdullah Al Matrooshi nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, với UAE, một thị trường trọng điểm ở Trung Đông, là đầu mối cho các nước như châu Phi, châu Mỹ La Tinh và châu Âu, châu Á nói chung, nhờ có cơ sở hạ tầng cảng biển rất là tốt, cùng hàng không phát triển, sẽ rất dễ dàng kết nối được với các thị trường. Nhiều doanh nghiệp thông qua UAE để vào thị trường châu Phi. Cho nên đây là một thị trường tiềm năng, nếu chúng ta biết phát huy sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác rất tốt thời gian tới.

Sáng kiến “Dubai Toàn cầu” được ra mắt bởi Thái tử Dubai - Chủ tịch Hội đồng Hành pháp Dubai H.H. Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum, nhằm thiết lập một mạng lưới mạnh mẽ gồm 50 văn phòng đại diện quốc tế cho Dubai trên toàn thế giới vào năm 2030.

Theo Thời báo tài chính

Theo: Báo Công Thương