Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng

(Banker.vn) Ngày 26/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính - ngân hàng”.

Tham dự Tọa đàm có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam; ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước); ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam; đại diện Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an; đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước); đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam; cùng đông đảo đại diện các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các trường đại học...

Tiềm năng phát triển hệ sinh thái Blockchain

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, với đặc tính phi tập trung, Blockchain đã giải quyết được nhiều vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật…. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain (chuỗi khối) và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục....

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tại Việt Nam, Blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ Blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các công nghệ chủ chốt.

Blockchain cũng đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo, thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng…. Chính vì thế, Blockchain đang dần được thấu hiểu đó chính là công nghệ, không phải bitcoin hay tiền điện tử như lầm tưởng trước đây…

Hiện tại, Blockchain ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số. Ngoài một vài dự án crypto (tiền mã hóa) và Blockchain Việt Nam nổi bật như: Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thì phần lớn các ứng dụng Blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật. Những tiềm năng ứng dụng khác của công nghệ Blockchain như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục,… chưa được ứng dụng nhiều.

Tuy nhiên, Blockchain cũng đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam, với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo, thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng…. Chính vì thế, Blockchain đang dần được thấu hiểu đó chính là công nghệ, không phải bitcoin hay tiền điện tử như lầm tưởng trước đây…

Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, doanh nghiệp Bitcoin/Blockchain chiếm 7,895%.

Toàn cảnh hội thảo

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, BIDV tiên phong ứng dụng Blockchain trong tài trợ thương mại, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Blockchain trong giao dịch phát hành thư tín dụng tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống. MB, VPBank, Vietcombank... đã công bố ứng dụng Blockchain trong giao dịch tài chính.

Blockchain cũng đang được một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khác ứng dụng, ví như: Viettel ứng dụng vào hồ sơ bệnh án điện tử; Misa phát triển hóa đơn điện tử. Một số doanh nghiệp khác ứng dụng thành công Blockchain vào kinh doanh, như Masan Group; Bảo Việt; AIA,…

Từ thực tế hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định, Việt Nam là một quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ công nghệ Blockchain, những tác động mà nó mang lại đã thể hiện rằng Blockchain chính là lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có thể sánh kịp, thậm chí vượt lên so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

“Với những tác động mang tính cách mạng lên nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, có thể nhận định rằng tiềm năng phát triển của hệ sinh thái Blockchain là rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do Việt Nam không có nhiều chuyên gia về Blockchain, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo và cho đến hiện tại, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ một hành lang pháp lý cụ thể nào cho công nghệ này”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh những mặt tích cực, thị trường Blockchain Việt Nam cũng đang xảy ra các sự vụ tiêu cực, ảnh hưởng to lớn đến lòng tin của dư luận đối với lĩnh vực công nghệ chuỗi khối này, từ những tác hại của việc đào Bitcoin, những người nổi tiếng sẵn sàng vì tư lợi mà quảng cáo cho những đồng tiền điện tử nhiều rủi ro hay những vụ lừa đảo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về Blockchain tham gia vào sàn tiền ảo…

Do đó, để thị trường công nghệ Blockchain phát triển đúng hướng, lành mạnh, phát huy được tiềm năng, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: "cần nâng cao nhận thức, bổ sung các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao".

Ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và những thách thức

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Vũ Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Chính sách Sản phẩm Bán buôn, Vietcombank cho biết, tháng 12/2020, Vietcombank thực hiện thí điểm thành công giao dịch Thư tín dụng trên nền tảng Blockchain tại thị trường Việt Nam. Tháng 9/2021, Vietcombank là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam ứng dụng thành công Blockchain trên nền tảng Ngân hàng số VCB Digibank, phát triển dịch vụ VCB Rewards – chương trình tri ân dành cho khách hàng cá nhân. Ứng dụng Blockchain mang đến nhiều ưu điểm vượt trội về minh bạch, bảo mật, tốc độ và chi phí.

Bà Vũ Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Chính sách Sản phẩm Bán buôn, Vietcombank phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công nghệ này, Vietcombank cũng gặp nhiều thách thức. Thách thức thức đầu tiên là rào cản pháp lý.

“Việc triển khai công nghệ Blockchain tại các ngân hàng thương mại vẫn mang tính chất thí điểm. Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình vận hành”, bà Vũ Thị Hồng Nhung cho biết.

Bên cạnh đó, chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao, cùng với yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống và tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính bảo mật, an toàn thông tin. Các nền tảng Blockchain yêu cầu ngân hàng, khách hàng của ngân hàng trả phí dịch vụ khiến việc mở rộng danh mục khách hàng và hiệu suất sử dụng dịch vụ trên nền tảng Blockchain gặp nhiều thách thức.

“Khả năng mở rộng mạng lưới, kết nối đa phương là nhu cầu của nhiều ngân hàng. Chỉ khi nào mạng Blockchain thực sự đủ lớn kết nối được các chủ thể, bao gồm chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn”, đại diện của Vietcombank lưu ý.

Ông Tống Văn Tiến, Giám đốc Giải pháp mua ngoài và Quan hệ đối tác, TP Bank chia sẻ tại hội thảo

Ông Tống Văn Tiến, Giám đốc Giải pháp mua ngoài và Quan hệ đối tác, TP Bank, chia sẻ, với tư cách là một ngân hàng công nghệ, TP Bank không nhìn nhận và triển khai Blockchain là một công nghệ riêng biệt, mà nằm trong chuỗi công nghệ mới thuộc chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng.

TP Bank định hướng ứng dụng Blockchain trong 5 lĩnh vực chính là: xác minh danh tính kỹ thuật số, giao dịch liên ngân hàng, mua bán tài sản, tín dụng, cho vay về tài chính thương mại. Trong đó, giao dịch liên ngân hàng, tín dụng và cho vay và tài chính thương mại là 3 lĩnh vực mà có thể tập trung làm nhanh, dễ và cho kết quả hiệu quả ngay.

Về những thách thức trong quá trình triển khai ứng dụng Blockchain tại TP Bank, ông Tống Văn Tiến cho biết, phát triển nguồn nhân lực luôn là thách thức, cần đội ngũ nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển gắn với với bài toán cụ thể. Công nghệ Blockchain chỉ là một công cụ hỗ trợ, về bản chất, ngân hàng cần xác định việc tạo giá trị và phục vụ khách hàng như thế nào. Đầu tư nghiêm túc vào ứng dụng Blockchain cho nghiệp vụ ngân hàng để đạt hiệu quả cao thay vì chạy đua theo trào lưu.

“Cách thức triển khai hiệu quả là kết hợp khai thác cùng các đối tác và chủ động nghiên cứu công nghệ cho bài toán phù hợp theo lộ trình hợp lý. Có thể lựa chọn những nền tảng Blockchain sẵn có để từ đó xây dựng nên những giải pháp kinh doanh hữu hiệu theo nhu cầu của ngân hàng. Ngoài ra, phát triển thành công Blockchain cần cơ chế sandbox, tham khảo các ngân hàng trong khu vực, các nhà tư vấn quốc tế, lưu ý tới cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, sẵn sàng ứng dụng, sáng tạo hợp lý”, đại diện TP Bank đề xuất.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công nghệ thông tin, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng, Blockchain là giải pháp công nghệ tiềm năng giúp phát triển nền kinh tế. Blockchain mang đến nhiều lợi thế cho các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), Chủ tịch CLB Fintech (trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng) cho biết, năm 2018, Napas là một trong những đơn vị đầu tiên thử nghiệm tiên phong ứng dụng Blockchain vào giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng cùng VietinBank, TP Bank và VIB.

"Sau khi thử nhiệm thành công, chúng tôi nhận thấy, công nghệ này đã rút ngắn được một số quy trình truyền thống và tăng tính chính xác trong giao dịch. Đây thực sự là một công nghệ tiềm năng. Tuy nhiên, do những điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý, hiện tại các thử nghiệm mà chúng tôi triển khai mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm và mang tính chất đánh giá công nghệ”, ông Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết, qua nghiên cứu, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã đưa ra 9 đánh giá về thực trạng ứng dụng công nghệ Blockchain tại Việt Nam.

Thứ nhất, về sử dụng Blockchain trong dịch vụ tài chính. Năm 2018, VietinBank, VIB, TPBank thử nghiệm chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain. Năm 2019, HSBC áp dụng Blockchain trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt Nam bằng giao dịch thư tín dụng (L /C), sau đó đến 5 ngân hàng thương mại Việt Nam - BIDV, HDBank, Vietinbank, MBBank và Vietcombank tính đến cuối tháng 2/2021.

Thứ hai, về cách tiếp cận của cơ quan quản lý. Không có khuôn khổ pháp lý rõ ràng ở Việt Nam về Blockchain và tiền mã hóa.Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề pháp lý xung quanh cơ chế sandbox cho Blockchain. Các văn bản có đề cập đến Blockchain: Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020, Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021, Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021.

Thứ ba, về phân loại tài sản Blockchain. Tài sản, tiền mã hóa liên quan đến Blockchain không được Ngân hàng Nhà nước công nhận là công cụ tài chính.

Thứ tư, về quy định về nhà phát hành tài sản Blockchain. Không có tổ chức phát hành tài sản Blockchain nào tồn tại hợp pháp tại Việt Nam, vì việc sử dụng tiền mã hóa bị cấm.

Thứ năm, về quy định của sàn giao dịch tài sản mã hoá. Các sàn giao dịch tài sản Blockchain không quảng bá tại Việt Nam. Không có nơi nào cấp phép cho các sàn cũng như ví tài sản mã hoá.

Thứ sáu, về quy định về đầu tư tài sản Blockchain, không có quỹ nào được phép đầu tư vào tài sản Blockchain tại Việt Nam.

Thứ bảy, quy định về tiền kỹ thuật số, tiền kỹ thuật số và tài sản Blockchain không phải là phương tiện thanh toán theo Nghị định 101/2012. Chúng bị cấm sử dụng làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam.

Thứ tám, về tác động của quy định đối với nền tảng DeFi, ở Việt Nam, chưa có một khung pháp lý rõ ràng về DeFi, dù có rất nhiều công ty cho vay P2P đang hoạt động tại Việt Nam nhưng tư cách pháp nhân của họ không được chính phủ công nhận.

Cuối cùng, về quy định về NFT, NFT chưa được chính phủ Việt Nam quy định. Do hoạt động xung quanh NFT ngày càng tăng cao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuẩn bị dự thảo cho Luật Công nghiệp Công nghệ Kỹ thuật số. Theo đó, NFT dự kiến sẽ được công nhận là tài sản kỹ thuật số và cơ chế Sandbox cho việc mua, bán và trao đổi tài sản kỹ thuật số, bao gồm NFT và cơ chế quản lý nền tảng NFT cũng được lên kế hoạch đưa vào dự thảo.

Từ những đánh giá trên, ông Phan Đức Trung đưa ra 3 đề xuất hướng đi cho ngân hàng thương mại Việt Nam trong vận hành Blockchain, bao gồm: Cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ ngân hàng dưới góc nhìn ứng dụng Blockchain thông quan cơ chế đồng thuận/phê duyệt giao dịch; xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain; ứng dụng các lợi thế của Blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng.

Ông Vũ Công Hùng, Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng, khuyến khích cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, tại nhiều diễn dàn vấn đề thiếu cơ sở pháp lý đã được nêu ra như là một trở ngại cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain.

Mặc dù vậy, có rất ít ý kiến nêu được cụ thể trở ngại pháp lý đối với ứng dụng công nghệ Blockchain là gì và sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Phần lớn các ý tưởng ứng dụng công nghệ Blockchain đang tập trung vào các lĩnh vực tài sản số, tiền số, huy động vốn. Đây là các lĩnh vực có rủi ro rất cao, vì vậy cần xây dựng cơ chế Sandbox để thử nghiệm.

“Về mặt này Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, đề xuất, triển khai nhưng do có độ rủi ro cao, các cơ quan này đều đang tiến hành rất thận trọng. Ngoài lĩnh vực nói trên, thực tế, một số ứng dụng Blockchain tại Việt Nam đã được triển khai mà chưa đòi hỏi phải có thay đổi lớn về quy định pháp lý như các ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng giao dịch thư tín dụng (L/C), bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử”, ông Vũ Công Hùng nói.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, lưu ý, hoạt động phòng chống rửa tiền có quan hệ mật thiết với các giải pháp công nghệ mới. Những đối tượng rửa tiền, tài trợ khủng bố hay phổ biến vũ khí hủy diệt có thể lợi dụng hoạt động tài chính qua hệ thống công nghệ mới nhằm chuyển dịch tiền và tài sản bất hợp pháp. Đối với vấn đề này, hệ thống khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hiện nay còn chưa rõ ràng. Các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục có những nghiên cứu cụ thể. 

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, đang trên đà phát triển nên những hạn chế là khó tránh khỏi nhưng những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận, còn nhiều ưu điểm chưa được khai thác, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và quan tâm hơn nữa trong công cuộc phát triển công nghệ Blockchain.

"Hiệp hội Ngân hàng cũng như Hiệp hội Blockchain sẽ cùng tổng hợp và nghiên cứu những ý kiến đưa ra trong buổi hội thảo hôm nay để đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, gần nhất là Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, vì đây là một giải pháp công nghệ mới mẻ nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyền thông quảng bá", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi hội thảo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược.

Trong thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có nhiều cuộc trao đổi để thống nhất các nội dung, chương trình hợp tác nhằm góp phần nâng cao chất lượng hợp tác, nâng cao nguồn nhân lực trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ Blockchain, mang lại lợi ích thiết thực cho hai bên, đặc biệt là trong việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. 

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ