Cơ hội nhận lại tiền của 42.000 người bị lừa mua trái phiếu ở Ngân hàng SCB?

(Banker.vn) Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Hộp thư ngày 27/11: Bạn đọc hiến kế lấy lại tiền gửi từ Ngân hàng SCB Công ty “ma” giúp bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” Ngân hàng SCB thế nào?

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan; để nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan và 85 bị can.

Cơ hội nhận lại tiền của 42.000 người bị lừa mua trái phiếu ở Ngân hàng SCB?
Nhiều người tụ họp ở các ngân hàng SCB để căng băng rôn, biểu tình đòi ngân hàng hoàn trả tiền bị lừa mua trái phiếu

Theo đó, bà Lan bị đề nghị truy tố các tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tội Tham ô tài sản.

Ngoài 3 tội danh trên, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu, nhưng hiện cơ quan điều tra đã tách vụ án để xử lý sau.

Trong vụ án này, bước đầu cơ quan chức năng xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Cụ thể, cơ quan điều tra xác định từ năm 2018 - 2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số công ty, tổ chức đã thực hiện các hành vi gian dối, vi phạm quy định pháp luật để tạo ra 25 gói trái phiếu.

Các mã trái phiếu bao gồm ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã khác từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20.

Theo cơ quan điều tra, những người sở hữu 25 mã trái phiếu nêu trên do các công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành đã được xác định là bị hại trong vụ án. Nhà chức trách đề nghị các bị hại đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố liên quan theo hợp đồng mua bán để cung cấp thông tin, ghi lời khai và giải quyết theo quy định.

Liên quan tới vụ án, câu hỏi đặt ra là khả năng thu hồi tiền của nhà đầu tư như thế nào?

Trao đổi với Báo Công Thương, luật sư Phạm Ba Đô - Công ty Luật TNHH SJKLAW (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, nhà đầu tư bị lừa đảo sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án. Khi đó, người bị hại nên làm đơn trình bày sự việc và cung cấp các tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra về yêu cầu của mình. Từ đó cơ quan điều tra tổng hợp và xác định số người bị hại, thiệt hại về vật chất là bao nhiêu để đưa vào tài liệu hồ sơ vụ án.

Trong vụ án này, khi các trái chủ được xác định là bị hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà C03 đã khởi tố, thì việc chi trả sẽ thực hiện thông qua bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này, cơ quan thi hành án sẽ dựa trên số tài sản còn lại của người phạm tội và số tiền theo đơn yêu cầu thi hành án của các bị hại để thực hiện nguyên tắc phân chia và hoàn trả theo quy định về thi hành án.

"Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, các trái chủ phải khẩn trương củng cố hồ sơ chứng lý và trình báo cơ quan điều tra để được xác định tư cách bị hại trong vụ án.

Nếu không, nhìn từ vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, có người là nạn nhân nhưng không trình báo, đến khi xử án thì khó còn cơ hội lấy lại quyền lợi", luật sư Phạm Ba Đô nhấn mạnh.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương