Cơ hội lớn để doanh nghiệp logistics tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh

(Banker.vn) Năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới từng bước phục hồi, cùng với xu hướng dịch chuyển đầu tư... Đây là cơ hội để các doanh nghiệp logistics tìm lại đơn hàng.
Công bố 10 sự kiện Logistics Việt Nam năm 2023 Tăng đầu tư hạ tầng logistics, thúc đẩy lưu thông hàng hóa Doanh nghiệp logistics nỗ lực hướng đến tăng trưởng xanh

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.

Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023, song ngành logistics vẫn nỗ lực không ngừng để lấy lại đà tăng trưởng. Ông nhận định gì về điều này?

Trong bối cảnh nhiều biến động lớn trên hầu hết các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, có tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (Ảnh: Cấn Dũng)
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Năm 2023, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên tốc độ phục hồi chậm do nhiều yếu tố phức tạp đan xen cộng với các rủi ro địa chính trị khó lường, làm nền kinh tế toàn cầu đối diện với nguy cơ suy thoái. Nhu cầu yếu, chi phí tăng kéo lùi hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại.

Việc Hoa Kỳ liên tục tăng lãi suất có tác động tiêu cực đến tỷ giá USD, lạm phát toàn cầu, giá cả năng lượng, thực phẩm thiết yếu biến động mạnh. Lãi suất đồng USD cao cùng với sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn cũng gây ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI và kéo theo sự thay đổi lớn trong chính sách tài chính tiền tệ của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tất cả các yếu tố trên đều có ảnh hưởng đến sự phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó để giữ được mức tăng trưởng ổn định, thứ hạng cao trong trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics toàn cầu; đồng thời, đạt được một số bước tiến trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics, hạ tầng kết nối, nâng cao năng lực doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Còn theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, với quy mô của ngành đạt hơn 40 tỷ USD mỗi năm. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực thi các FTA thế hệ mới. Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng trong năm vừa qua ngành logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng của nền kinh tế.

Trước nhiều kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024 của Việt Nam, các doanh nghiệp logistics bày tỏ lạc quan khi nhận định ngành này sẽ tăng trưởng tốt hơn. Xin ông chia sẻ về những cơ hội cho ngành logistics trong năm 2024?

Năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi, dù tốc độ còn chậm. Ngay trong những tháng cuối năm 2023, chúng ta cũng thấy, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng trở lại, cao hơn so với những tháng đầu năm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dịch vụ logistics tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam, sẽ tạo nên xung lực mới cho sản xuất công nghiệp, tạo thêm nguồn cung hàng hóa cho dịch vụ logistics. Đặc biệt, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đối với dịch vụ logistics đang góp phần cải thiện điều kiện hạ tầng, môi trường kinh doanh, giúp các doanh nghiệp của chúng ta có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

Năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có năng lực cạnh tranh logistics cao nhất trong cả nước. Đây cũng là một thuận lợi vì TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp logistics đang từng bước tham gia tích cực hơn hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Để nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics, ông có lưu ý gì?

Số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics ngày càng gia tăng, từng bước nâng cao năng lực và tham gia tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước, xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, tiến dần đến những khâu có giá trị gia tăng cao; đã từng bước hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực logistics, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Cơ hội lớn để doanh nghiệp logistics tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh
Thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây nhất, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics với tổng số 563.354 lao động đang làm việc. Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó, có những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker…

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: Vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu...

Mặc dù vậy, so với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt, toa xe, xe tải...). Đồng thời, có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa, nhưng hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Trong thời gian tới, tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ, các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao thông, an toàn lao động cũng đặt các doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi mới.

Các doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, đầu mối điều phối, thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai những hoạt động gì nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics, thưa ông?

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dịch vụ logistics. Cụ thể như: Tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc trao đổi, góp ý, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ đươc giao tại Quyết định 200 và Quyết định 221; góp ý trong công tác xây dựng chính sách; phối hợp tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, hiệp hội với cơ quan quản lý nhà nước, kết nối doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu… Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi, nắm bắt về những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động dịch vụ logistics của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý.

Hoạt động dịch vụ logistics bao gồm rất nhiều hoạt động thuộc phạm vi quản lý của nhiều Bộ, ngành, địa phương, song Bộ Công Thương đã phát huy vai trò cầu nối giữa các hiệp hội, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên nhằm mục tiêu xử lý những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp logistics phát triển.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-BCT về việc phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics quốc gia của Bộ Công Thương giai đoạn 2023 - 2026; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Công Thương cũng tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì thực hiện trong Quyết định 200 và Quyết định 221 như: Rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý về dịch vụ logistics; rà soát các cam kết về dịch vụ logistics trong FTA; các nhiệm vụ về khuyến khích phát triển thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát huy vai trò của Diễn đàn Logistics Việt Nam; xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam…

Quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics cũng có nhiều bước phát triển tích cực. Các hoạt động thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng logistics và hợp tác quốc tế cũng được lồng ghép trong các chuyến thăm, tiếp xúc ngoại giao của Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế. Đã có nhiều đoàn giao thương, văn bản hợp tác ghi nhớ và các chuyến giao lưu hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với hiệp hội và doanh nghiệp quốc tế...

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương