Cơ hội hút vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp đang gia tăng

(Banker.vn) Với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới”, Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2022 đã được tổ chức vào sáng 24/5.

Tiềm năng từ bất động sản công nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, hiện nay, Việt Nam có 335 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích hơn 100.000 ha, các KCN tại Việt Nam đang phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Các KCN cũng đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường” - Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.

Cơ hội hút vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp đang gia tăng
Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho biết, cơ hội để Việt Nam phát triển bất động sản công nghiệp đang rất lớn. Nhất là trong bối cảnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam những năm qua có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng mạnh, đặc biệt vốn FDI đầu tư mở rộng tăng mạnh tới 40,5%.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

“Việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những giải pháp rất hiệu quả của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19 để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế”, ông Trần Duy Đông nói và cho biết thêm, qua đó cho thấy, nhu cầu bất động sản KCN sẽ tăng cao trong thời gian tới đây.

Thực tế thời gian qua, theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam: Nếu như trước đây, dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam tập trung chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở, nhưng thời gian gần đây, đã có sự dịch chuyển san phân khúc bất động sản KCN. Theo đó, có nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế cũng tham gia đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Nhằm đáp ứng nhu cầu bất động sản KCN của nhà đầu tư trong và ngoài nước gia tăng nhanh chóng thời gian gần đây, thông tin tại diễn đàn cho biết, rất nhiều địa phương trên cả nước đã đặt mục tiêu phát triển số lượng các KCN trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Điển hình như tại TP. Hải Phòng, địa phương này đặt mục tiêu có thêm 15 KCN mới trong giai đoạn 2021-2025, hay tỉnh Bắc Giang, đặt mục tiêu có gần 30 KCN vào năm 2030…

“Gỡ” điểm nghẽn phát triển bất động sản công nghiệp

Cơ hội phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp đang rất lớn, đặc biệt, việc phát triển hạ tầng KCN hoàn chỉnh cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam hấp dẫn được những dự án đầu tư của những tập đoàn lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, việc phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang đối mặt với một số “điểm nghẽn” liên quan đến cơ chế, chính sách, đến hạ tầng và nguồn nhân lực… đang rất cần được tháo gỡ.

Cụ thể, liên quan đến vấn đề này, ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C - cho rằng: Việt Nam là một quốc gia có môi trường đầu tư tốt, nhưng với nhà đầu tư, khi quyết định bỏ vốn thì họ phải cân nhắc đến yếu tố hoàn vốn. Do đó, tất cả những yếu tố như con người, nguồn cung năng lượng, hạ tầng, đất đai… đều được quan tâm. Do đó, Việt Nam cần quan tâm đến tất cả những yếu tố này. Bên cạnh đó, để thu hút được dòng vốn đầu tư, ngoài tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh tốt, Việt Nam cũng cần xây dựng một môi trường sống tốt, vì môi trường sống tốt cũng tạo ra những cơ hội thuận lợi để Việt Nam thu hút thêm được dòng vốn đầu tư.

Cơ hội hút vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp đang gia tăng

Còn theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, một trong những “điểm nghẽn” đối với phát triển bất động sản KCN và thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay đó là vấn đề hạ tầng, Việt Nam dành 5,8% GDP mỗi năm để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, chính sách phát triển về cơ sở hạ tầng của Việt Nam được quyết định rất nhanh, nhưng quá trình thực hiện lại rất chậm, chưa kể, hạ tầng hiện nay mới chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành, trong khi đó, có một số địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp, nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa phát triển. Điển hình như Tây Ninh - đây là địa phương có lợi thế phát triển, nhưng cơ sở hạ tầng kém phát triển, làm hạn chế cơ hội thu hút đầu tư của địa phương này.

Để khắc phục “điểm nghẽn” thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp, nhằm xây dựng được những KCN đạt chuẩn, từ năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO (Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc) và một số tổ chức quốc tế thực hiện thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động. Tại các KCN sinh thái, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương