Cơ hội để dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam

(Banker.vn) Theo SSI, xu hướng dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán yếu dần trong tháng 4 và SSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng đối với dòng vốn vào các quỹ ETF và chủ động trong thời gian tới.

Mới đây, Quỹ China Trust Vietnam Opportunity thông tin sẽ tiếp tục huy động vốn đầu tư vào Việt Nam từ ngày 8/5/2023. Đây là lần huy động vốn thứ 5 với giá trị khoảng 5 tỷ đài tệ, tương đương 163 triệu USD (3.824 tỷ đồng). Sau đợt tăng vốn này, tổng huy động vốn của quỹ vào khoảng 16,5 tỷ đài tệ, tương đương 537,9 triệu USD (12.616 tỷ đồng).

Cơ hội để dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Xu hướng dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán yếu dần trong tháng 4.

Tính đến cuối quý I/2023, quy mô của China Trust Vietnam Opportunity đạt 22,78 tỷ đài tệ (742,7 triệu USD), là quỹ đầu tư cổ phiếu quốc tế lớn thứ 2 tại Trung Quốc của CTBC Investment.

Trước đó, vào năm 2020, CTBC Investments đã lần đầu tiến hành huy động vốn cho quỹ China Trust Vietnam Opportunity Fund nhằm đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam. Đây là quỹ đầu tiên rót vốn vào Việt Nam bằng đô la Đài Loan dưới sự tư vấn từ Dragon Capital.

Đây là thông tin tích cực với tâm lý thị trường, thể hiện nhà đầu tư ngoài biên giới tranh thủ thời điểm thị trường đang định giá thấp để rót thêm vốn đầu tư.

Báo cáo Cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 4/2023 của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết, phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính kém tích cực đối với các tài sản tài chính rủi ro. Tâm lý đầu tư đã có sự cải thiện trong tháng 4, sau những số liệu kinh tế có phần nào tích cực từ Mỹ, Trung Quốc hay Châu Âu và các sự kiện biến động trong tháng 3 đã được kiểm soát phần nào. Tuy nhiên, các điều kiện tài chính vẫn duy trì thắt chặt trên phạm vi toàn cầu cũng như việc đóng cửa của một ngân hàng khác của Mỹ vào cuối tháng 4 khiến việc phân bổ danh mục vẫn nghiêng nhiều vào các tài sản tài chính an toàn hơn.

Cụ thể, trạng thái vào ròng các quỹ tiền tệ vẫn tiếp tục được duy trì trong tháng 4, tuy nhiên với cường độ hạ nhiệt hơn (+185 tỷ USD) và các quỹ trái phiếu đã quay lại thu hút một lượng lớn dòng tiền (vào ròng 39,2 tỷ USD). Trong khi đó, các quỹ cổ phiếu tiếp tục trạng thái rút ròng 6,1 tỷ USD.

Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi có sự cải thiện, duy trì tháng vào ròng thứ 9 liên tiếp, với tốc độ giải ngân cải thiện hơn, 10,9 tỷ USD.

Số liệu kinh tế tích cực hơn kỳ vọng từ Trung Quốc đã kích hoạt dòng tiền vào ròng 9,4 tỷ USD vào Trung Quốc (so với mức 4 tỷ USD trong tháng 3). Ngược lại, đối với nhóm các quốc gia khác trong khu vực Châu Á, dòng tiền vẫn tương đối thận trọng và 3 quốc gia ghi nhận dòng tiền vào ròng là Ấn Độ (666 triệu USD), Đài Loan (+274 triệu USD) và Indonesia (+55 triệu USD).

Đối với thị trường Việt Nam, dòng vốn ETF đảo chiều trong tháng 4. Nhóm quỹ ETF nội ghi nhận rút ròng tháng thứ 2 liên tiếp, với khối lượng giảm nhiệt (chỉ rút ròng 338 tỷ đồng, so với mức rút 620 tỷ đồng trong tháng 3). Lực rút chủ yếu đến từ nhóm VNDiamond (-272 tỷ đồng) trong khi tốc độ rút từ nhóm VN Finlead (-28 tỷ đồng) và VFM VN30 (-44 tỷ đồng) đã thu hẹp đáng kể. Ngược lại, nhóm quỹ ngoại đảo chiều rút ròng tổng cộng 418,7 tỷ đồng trong tháng 4, đánh dấu tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 4/2022. Đóng góp lớn nhất đến từ Vaneck (-590 tỷ đồng) trong khi đó tốc độ giải ngân từ Fubon Việt Nam đã hạ nhiệt đáng kể khi chỉ ghi nhận vào ròng 90,1 tỷ đồng (so với 1.528 tỷ đồng ở tháng 3).

Tuy nhiên dòng tiền đã bắt đầu cải thiện phần nào trong nửa cuối tháng 4 và sau khi hoàn thành hồ sơ cho phép nâng hạn mức từ UBCK Đài Loan, quỹ ETF Fubon Việt Nam đã huy động tổng cộng được 56.8% hạn mức cho phép. Như vậy, dòng vốn ETF đảo chiều rút ròng 757 tỷ đồng trong tháng 4.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng dòng vốn ETF đạt 5,26 nghìn tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ Fubon (1,65 nghìn tỷ đồng), Vaneck (+1,62 nghìn tỷ) và DB FTSE (+1,35 nghìn tỷ).

Đối với các quỹ chủ động, tốc độ giải ngân thu hẹp chỉ còn 39 tỷ đồng trong tháng 4 (so với mức 201,8 tỷ trong tháng 3). Tính chung trong 4 tháng đầu năm, các quỹ chủ động đã vào ròng 3,6 nghìn tỷ đồng, tập trung vào 2 tháng đầu năm.

Khối ngoại bán ròng 1.466 tỷ đồng trong tháng 4, hoặc bán ròng 2.827 tỷ đồng nếu loại trừ giao dịch đột biến từ IDP. Trạng thái bán ròng được duy trì xuyên suốt tháng, việc mua/bán giữa các nhóm ngành cũng không có xu hướng rõ rệt. Tỷ trọng giao dịch khối ngoại giảm mạnh trong tháng 4, khi chỉ chiếm 7,7% tổng giá trị giao dịch trên thị trường – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Tính chung trong 4 tháng, khối ngoại duy trì mua ròng 5.496 tỷ đồng (7.556 tỷ nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến).

Nguồn: Bloomberg, SSI
Nguồn: Bloomberg, SSI

Như vậy, xu hướng dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán yếu dần trong tháng 4 và SSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng đối với dòng vốn vào các quỹ ETF và chủ động trong thời gian tới.

Điểm sáng trong thời gian tới là kỳ vọng sự hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ và NHNN đã liên tục ra các chính sách nhằm tháo gỡ phần nào những nút thắt trên thị trường TPDN và BĐS và những nỗ lực nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Xét trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ và do vậy dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng.

Trong thời gian tới, SSI cho rằng áp lực rút ròng sẽ đến nhiều từ các quỹ chủ động, tuy nhiên bất kì cơ hội điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, bên cạnh các yếu tố hấp dẫn về định giá, tính minh bạch, Việt Nam cần làm tốt một số vấn đề như: Sớm áp dụng hệ thống công nghệ mới để có đầy đủ các sản phẩm mới giúp nhà đầu tư có đủ công cụ để phòng ngừa rủi ro; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN tạo hàng hóa chất lượng cho thị trường, giúp tăng nhanh quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh quá trình mở room cho nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện… để tăng hấp dẫn và thu hút vốn ngoại.

Chuyên gia: Chưa có yếu tố có thể kích thích dòng tiền mua ròng trong ngắn hạn

VN-Index đang có sự điều chỉnh trong ngắn hạn, đại diện Chứng khoán BSC cho rằng, xét về trung và dài hạn, thị trường chứng ...

Nhà đầu tư cần chủ động và thận trọng hơn đối với dòng vốn vào các quỹ ETF

Theo giới phân tích, dòng tiền ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng rút ròng ...

Khối ngoại mua bán khá cân bằng phiên 12/5, cổ phiếu HPG được gom mạnh

Phiên giao dịch ngày 12/5, khối ngoại mua ròng khá cân bằng với tâm điểm gom mạnh cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán