Cơ hội của thực phẩm Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga

(Banker.vn) Các sản phẩm thực phẩm đa dạng, ngon miệng của châu Á, trong đó có thực phẩm Việt Nam đang ngày càng chinh phục được người tiêu dùng xứ Bạch Dương.

Việt Nam - Liên bang Nga phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào 2030 Năng lượng là trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga

Diễn ra từ ngày 5-9/2, Triển lãm Thực phẩm, đồ uống và nguyên liệu thực phẩm quốc tế lần thứ 31 (Prodexpo 2024) tại Nga đã quy tụ hơn 2.100 nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm đến từ 40 quốc gia trên thế giới.

Prodexpo gây ngạc nhiên cho khách tham quan không chỉ ở diện tích trưng bày lên tới 100.000m2 mà còn ở sự đa dạng của các nhà sản xuất tham gia, nhiều loại sản phẩm, thiết bị và số lượng lớn khách tham quan, mà đáng kể nhất là đại diện của các chuỗi cửa hàng liên bang và khu vực, các nhà bán lẻ, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng và quán càphê (HoReCA).

Cơ hội của thực phẩm Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga
Một góc triển lãm Thực phẩm, đồ uống và nguyên liệu thực phẩm quốc tế lần thứ 31 tại Moskva. (Nguồn: tvr)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Prodexpo hằng năm giới thiệu tới 14% các sản phẩm cũng như thương hiệu thực phẩm mới từ thực phẩm và đồ uống cơ bản hàng ngày cho đến những món ngon dành cho người sành ăn, hay dinh dưỡng thể thao, hữu cơ, thực phẩm dành cho lối sống lành mạnh, sản phẩm dành cho tín đồ Hồi giáo (halal), dành cho người Do Thái (kosher)...

Triển lãm năm nay cũng cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của nhiều thương hiệu thực phẩm và nhà sản xuất châu Á. Các sản phẩm thực phẩm đa dạng, ngon miệng của châu Á, trong đó có thực phẩm Việt Nam đang ngày càng chinh phục được người tiêu dùng xứ Bạch Dương.

Ông Đỗ Văn Phương, Giám đốc công ty Vietfood DV làm đại lý chính thức cho thương hiệu café Trung Nguyên của Việt Nam ở Liên bang Nga được 5 năm, cho biết Trung Nguyên là thương hiệu cà phê có lượng tiêu thụ lớn nhất ở Liên bang Nga với 3 thị trường chính là Vlapotosk, Novosibirsk, và Moskva. Trong năm 2023, doanh nghiệp của ông đã nhập khẩu khoảng 700 tấn cà phê Trung Nguyên các loại vào tiêu thụ ở thị trường Liên bang Nga.

Trong khi đó, bà Phạm Vân Anh, Giám đốc công ty Foodzone cho biết doanh nghiệp của bà trong 6 năm qua đã mang các loại nước ngọt, nước chấm, bún, phở, bánh hỏi sản xuất tại Việt Nam, sau đó đóng gói gắn nhãn Foodzi của công ty để tiêu thụ tại thị trường Nga.

Bà chia sẻ: "Về cơ bản thì hiện nay các mặt hàng của châu Á vẫn còn sức hút rất lớn với người Nga, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi người Nga chuyển sang du lịch châu Á rất nhiều nên quen thuộc hơn với bếp ăn châu Á."

Bình luận về việc hàng nghìn quán ăn Việt Nam đang kinh doanh tại Liên bang Nga, bà Vân Anh nhận xét: "Bếp Việt đã khẳng định được vị thế của mình không phải là bếp ăn theo trào lưu nữa mà đã trở thành nếp sống. Đó là một thành công của bếp ăn Việt tại nước Nga. Tôi cho rằng khi đồ ăn Việt được chọn là một trong phong cách sống của người Nga thì sẽ có cơ hội phát triển rất lớn."

Trong khi đó, các doanh nghiệp thực phẩm Nga cũng đang tất bật tìm kiếm khách hàng xuất khẩu. Sau nhiều năm vụ mùa đạt mức kỷ lục, nước Nga hiện là cường quốc xuất khẩu nông sản cũng như thực phẩm.

Tham gia Prodexpo 2024, công ty sản xuất gạo cao cấp "Thiên Nga" ở Krasnodar với năng lực cung cấp 5.000 tấn gạo mỗi tháng muốn tìm kiếm các đối tác tiêu thụ ở nước ngoài.

Ông Alexey Klemen, đại diện công ty, cho biết trước dịch COVID-19, công ty đã xuất khẩu sang nhiều nước, cả gạo hạt dài và gạo hạt tròn.

Thời gian tới đây, nếu Nga cho phép xuất khẩu trở lại công ty sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài./.

www.vietnamplus.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục