Cổ đông lớn Nhật Bản muốn "bơm" thêm 180 tỷ đồng cho Dược phẩm Hà Tây (DHT)

(Banker.vn) Dược phẩm Hà Tây sẽ chào bán 8,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược ASKA Pharmaceutical, cũng là cổ đông lớn của doanh nghiệp này với mức giá khá “mềm” 21.500 đồng/cp, qua đó huy động 180,6 tỷ đồng để đầu tư vào nhà máy sản xuất dược phẩm và tái cơ cấu nợ.
Cổ đông lớn Nhật Bản muốn
Dược phẩm Hà Tây sẽ được đối tác ngoại rót thêm 180,6 tỷ đồng

Mới đây, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) đã thông qua nghị quyết triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược ASKA Pharmaceutical Co., Ltd, cũng là cổ đông lớn của doanh nghiệp.

Theo đó, Dược phẩm Hà Tây sẽ chào bán 8,4 triệu cổ phiếu (tương đương 11,36% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho hãng dược Nhật Bản với giá 21.500 đồng/cp, thấp hơn giá thị trường 7%. Như vậy, số tiền mà ASKA Pharmaceutical phải bỏ ra cho thương vụ này là 180,6 tỷ đồng.

Dược phẩm Hà Tây cho biết, đợt phát hành này dự kiến sẽ diễn ra vào quý IV/2023, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

Nếu giao dịch được hoàn tất, ASKA Pharmaceutical sẽ nắm hơn 18,4 triệu cổ phiếu DHT, tương đương 32,56% vốn điều lệ của Dược phẩm Hà Tây. Thời gian hạn chế chuyển nhượng tối thiểu của cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (trừ các trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật).

Đối với nguồn vốn thu về, Dược phẩm Hà Tây ưu tiên sử dụng 78,3 tỷ đồng cho dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar. Số tiền 102,2 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng vào việc tái cơ cấu lại khoản nợ ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Theo văn bản của Dược phẩm Hà Tây, HĐQT cũng có thể cắt giảm nguồn vốn phân bổ cho các mục đích có sự ưu tiên thấp hơn, quyết định căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm sử dụng vốn. Dược phẩm Hà Tây sẽ ưu tiên sử dụng vốn vào việc tái cơ cấu lại khoản nợ ngân hàng trước việc đầu tư vào dự án nhà máy.

Ngoài ra, Nghị quyết HĐQT của Dược phẩm Hà Tây cũng tạm thời khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 44,31% để đảm bảo phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.

Về phía nhà đầu tư ngoại của Dược phẩm Hà Tây, theo tìm hiểu, ASKA Pharmaceutical được thành lập từ năm 1920, có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản, sở hữu kinh nghiệm trăm năm trong các lĩnh vực như nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu.

Trước đó vào đầu năm 2021, như một động thái trong chiến lược thiết lập địa điểm kinh doanh ở Đông Nam Á, hãng dược Nhật Bản đã rót 371 tỷ đồng để mua gần 5,3 triệu cổ phiếu phát hành mới của Dược phẩm Hà Tây với mức giá 70.000 đồng/cp, cao hơn 18% thị giá trên sàn chứng khoán khi đó. Kết thúc giao dịch, ASKA Pharmaceutical nắm 24,9% vốn điều lệ của Dược Hà Tây (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này. Sang tới tháng 6/2023, Dược Hà Tây chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 180%, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ của ASAKA lên hơn 18,4 triệu đơn vị.

Trở lại với Dược phẩm Hà Tây, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu doanh thu 1.526 tỷ đồng, tăng 17%, thực hiện được 95% kế hoạch năm. Lãi trước thuế và lãi ròng lần lượt đạt gần 89 tỷ đồng và 72 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, vượt 12% so với kế hoạch cả năm.

Tính đến cuối quý III/2023, quy mô tổng tài sản của Dược Hà Tây đạt 1.531 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm, chủ yếu là tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của nhà máy dược phẩm đang đầu tư. Trong khi đó, giá trị hàng tồn kho đến cuối quý III/2023 đạt 382 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm.

Cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp ở mức khá an toàn với tổng dư nợ vay đến 30/9/2023 xấp xỉ 412 tỷ đồng, chiếm 27% cơ cấu nguồn vốn. Trong 9 tháng đầu năm nay, dư nợ vay của Dược Hà Tây tăng 74,8 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn đạt 269 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm; nợ vay dài hạn đạt 142 tỷ đồng, tăng mạnh 39,3%. Đây là khoản vay dài hạn từ Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group, khoản vay được ASKA Pharmaceutical bảo lãnh để đầu tư tài sản cố định/xây dựng nhà máy dược phẩm mới của Dược Hà Tây.

Liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar - dự án trung tâm của lần huy động vốn ngoại lần này, cần biết, đây là dự án chiến lược của Dược phẩm Hà Tây với quy mô lớn. Dự án có diện tích hơn 45.000 m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.350 tỷ đồng, gấp 1,7 lần quy mô tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm được ĐHĐCĐ thông qua (quý III/2020).

Dự kiến, khi hoàn thành, mỗi năm nhà máy này có thể sản xuất hơn 2 tỷ đơn vị sản phẩm thuốc tân dược và thuốc có chứa hormone, hơn 700 triệu đơn vị sản phẩm thuốc từ dược liệu.

Khi hoàn thành đầu tư và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn PIC/s-GMP/Japan-GMP, các sản phẩm của Nhà máy sẽ đủ điều kiện tham gia đấu thầu các phân khúc thuốc Nhóm 1 và Nhóm 2 - những nhóm thuốc có yêu cầu cao về chất lượng, có giá bán và biên lợi nhuận cao hơn. Cần biết, hiện nay, số lượng nhà máy sản xuất dược phẩm trong nước có dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP còn hạn chế, trong khi chính sách của cơ quan quản lý có nhiều ưu tiên cho các doanh nghiệp dược phẩm nội địa đáp ứng được tiêu chuẩn.

Hy hữu: Kiểm soát viên Xếp dỡ Hải An bán nhầm cổ phiếu HAH đúng đỉnh vì “mắt kém”

Bán khớp lệnh 5.000 cổ phiếu HAH mà không công bố thông tin, nữ kiểm soát viên Xếp dỡ Hải An giải trình, do mắt ...

“Trả” lại IPAAM cho Đầu tư IPA (IPA) sau 6 năm, VNDirect (VND) lãi ít nhất 50 tỷ đồng

So với mức giá nhận chuyển nhượng năm 2017, sau khi “trả” lại IPAAM cho IPA, VNDirect sẽ lãi ít nhất 50 tỷ đồng.

ThaiGroup thế chân Quỹ Việt Cát, nhà đầu tư cá nhân chi thêm tiền “giải cứu” Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Sau khi Quỹ Việt Cát rút khỏi “game” cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai, ThaiGroup sẽ “gia nhập” cuộc chơi để “giải cứu” bầu ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán