Cổ đông lớn Hà Đô "bỏ túi" khoảng 25 tỷ đồng sau khi bán thành công gần 1 triệu cổ phiếu HDG

(Banker.vn) Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu HDG giảm mạnh 4,93% xuống mức 28.950 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 2,1 triệu đơn vị.

Mới đây, ông Nguyễn Phương Đông, cổ đông lớn tại Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG – sàn HOSE) thông báo đã bán xong 930.000 cổ phiếu HDG. Sau giao dịch, ông Phương Đông đã giảm sở hữu tại Hà Đô từ hơn 17,13 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,003% xuống còn 16,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,62%. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là ngày 27/10/2022.

Cổ đông lớn Hà Đô

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu HDG đã đảo chiều hồi phục mạnh sau chuỗi 5 phiên giảm mạnh mẽ và đóng cửa phiên 27/10 tại mức giá trần 27.200 đồng/CP. Nếu tạm tính mức thị giá này, ông Phương Đông đã thu về khoảng 25,3 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu HDG. Sau đó, cổ phiếu HDG tiếp tục chuỗi ngày khởi sắc, đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/11, cổ phiếu HDG đứng tại mức giá 30.450 đồng/CP, tăng gần 20% trong 6 phiên giao dịch vừa qua.

Giữa tháng 9 vừa qua, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI – sàn HOSE) cũng đã bán 436.700 cổ phiếu HDG (tỷ lệ 0,18%), giảm mức sở hữu từ hơn 12,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,03%) xuống còn gần 11,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,85%) và không còn là cổ đông lớn của Hà Đô.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ đông ngoại vừa công bố mua vào cổ phiếu HDG. Trong đó, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, thuộc nhóm Dragon Capital đã mua 100.000 cổ phiếu HDG và Norges Bank mua vào 200.000 cổ phiếu HDG, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ từ 8,92% lên 9,04% vốn điều lệ, tương ứng tăng lượng nắm giữ từ hơn 21,81 triệu cổ phiếu lên hơn 22,11 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu HDG giảm mạnh 4,93% xuống mức 28.950 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 2,1 triệu đơn vị.

Cổ đông lớn Hà Đô
Diễn biến giá cổ phiếu HDG trong vòng 2 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView)

Hà Đô (HDG) báo lãi 9 tháng hơn 1.200 tỷ đồng

Quý III/2022, Hà Đô đã kinh doanh tương đối thành công với doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 837 tỷ đồng, tăng 32%; lợi nhuận gộp 506 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 65,3% xuống 60,4%.

Trong quý, hoạt động tài chính âm khi doanh thu chỉ đạt 43 tỷ đồng (tăng 4,7 lần) còn chi phí tài chính đạt 130 tỷ đồng (tăng 53%). Chi phí vận hành cũng tăng lên đáng kể, cụ thể là chi phí bán tăng 9,6 lần lên 17 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% lên 43 tỷ đồng.

Dù vậy, với doanh thu thuần tăng trưởng mạnh, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 20%, đạt 356 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.492 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ (chỉ tăng 1,5%). Trong cơ cấu doanh thu, đáng chú ý là mảng điện có sự bứt phá mạnh khi doanh thu tăng gấp đôi, đạt 1.463 tỷ đồng, chiếm 59% tổng doanh thu; mảng bất động sản suy giảm với doanh thu chỉ 796 tỷ đồng, giảm 41% và chỉ chiếm 32% tổng doanh thu.

Nhờ cải thiện giá vốn, lợi nhuận gộp 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 1.631 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cũng được cải thiện từ 54,4% lên 65,4%.

Doanh thu tài chính ghi nhận sự tăng trưởng mạnh (tăng 6,4 lần), đạt 123 tỷ đồng, song chi phí tài chính còn lớn hơn, đạt 385 tỷ đồng (tăng 39%). Tuy nhiên, công ty đã tiết giảm được các chi phí khác (chi phí bán hàng giảm 80%, chỉ 19 tỷ đồng; chi phí quản lý giảm 12%, đạt 109 tỷ đồng).

Kết quả, Hà Đô đã có lãi trước thuế tăng 44%, đạt 1.244 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 43%, đạt 1.040 tỷ đồng. Với kết quả này, Hà Đô đã hoàn thành 77,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay (1.344 tỷ đồng) sau 9 tháng.

Hoạt động kinh doanh khá tốt đã giúp dòng tiền kinh doanh 9 tháng của Hà Đô đạt 848 tỷ đồng. Đây là cơ sở để công ty tăng chi mua sắm tài sản và chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác, đồng thời giảm mạnh tiền đi vay (tiền thu từ đi vay giảm 86%, chỉ còn 148 tỷ đồng).

Về tài sản, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Hà Đô đạt 15.870 tỷ đồng, chỉ giảm 21 tỷ đồng so với đầu năm. Lượng tiền và tương đương tiền đạt 185 tỷ đồng, giảm 19%. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm nhẹ (giảm 1,7%) còn 1.683 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho tăng 12% lên 1.529 tỷ đồng (gồm: bất động sản đang xây dựng 1.286 tỷ đồng, bất động sản đã hoàn thành 49 tỷ đồng…)

Ngoài ra, Hà Đô có 792 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang gồm: khu nghỉ dưỡng Bảo Đại 189 tỷ đồng, khu đô thị Linh Trung 490 tỷ đồng…

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc quý III/2022 đạt 9.405 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Một phần nguyên do là nợ vay suy giảm (giảm 10%) còn 6.594 tỷ đồng; trong đó: vay ngắn hạn 950 tỷ đồng, giảm 26%, vay dài hạn 5.644 tỷ đồng, giảm 7%. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng giảm 12%, còn 1.044 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu 6.465 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hà Đô là 1,45 lần.

Thị giá chia đôi từ đỉnh, cổ phiếu HDG có đáng để đầu tư ?

Theo Công ty chứng khoán VNDIRECT, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) thuộc Top 4 công ty năng lượng tái tạo niêm yết có công suất lớn nhất tính đến thời điểm cuối năm 2022. Do đó, VNDIRECT đánh giá HDG sẽ được hưởng lợi từ đà tăng nhu cầu điện của Việt Nam trong các năm tới. Ngoài ra, Dự án Charm Villas được kỳ vọng đóng lớn vào kết quả kinh doanh của HDG giai đoạn 2022-2023.

Cổ phiếu HDG đã giảm 49,7% từ mức đỉnh hồi tháng 8/2022, VNDIRECT cho rằng thị giá hiện tại đã ở mức khá hấp dẫn. Tuy nhiên, VNDIRECT giảm giá mục tiêu xuống 43.800 đồng/cp nhằm phản ánh: EPS dự phóng giai đoạn 2023-24 giảm 4,7% và giả định WACC của mảng BĐS và năng lượng cao hơn lần lượt 0,5 điểm %/0,8 điểm % so với dự phóng trước đó.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán