Cơ chế nào để bịt “lỗ hổng” tiền ảo?

(Banker.vn) Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, điều chỉnh đối với tiền ảo. Do vậy, cơ chế để bịt “lỗ hổng” tiền ảo là sớm xây dựng hoàn thiện pháp luật quy định một khung pháp lý hợp lý, toàn diện đối với tiền ảo, để bắt kịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, phù hợp với thời kỳ Cách mạng 4.0.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để hiểu hơn về vấn đề này.

Thưa ông, thời gian qua, đã có nhiều website tiền ảo bị sập không rõ nguyên do, dù đã được cảnh báo nhiều, song nhu cầu đầu tư, kinh doanh tiền ảo hiện vẫn đang thu hút rất nhiều người tham gia và xem đây như một kênh đầu tư sinh lãi hấp dẫn. Ông có đánh giá gì về vấn đề này? Và đâu là những rủi ro mà người dân có thể gặp phải?

Việc tiền ảo thu hút được sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư bất chấp những rủi ro, mặc dù đã được cảnh báo trước là do trong vòng 1 năm qua, giá trị của đồng tiền ảo đã tăng liên tục khi từ dưới 5.000 USD vào đầu năm 2020 đã tăng lên hơn 10 lần, đỉnh điểm là vượt 50 nghìn USD/coin như vừa qua. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch tiền ảo đã sử dụng rất nhiều biện pháp rất tinh vi để quảng bá, marketing một cách rầm rộ, gây sự chú ý, lôi kéo mọi người tìm hiểu và tham gia. Với mục đích là đánh vào lòng tham của những người thiếu hiểu biết về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hiện nay, tiền ảo chỉ được coi là một dạng tiền kỹ thuật số, không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính nào tại Việt Nam. Việc tiền ảo chưa được công nhận là một dạng tài sản được lưu thông kéo theo hệ lụy nhiều người chơi gặp rủi ro trong các giao dịch dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại. Khi sập sàn thì nhà đầu tư sẽ mất trắng số tiền đã tham gia. Ngoài ra, do các giao dịch liên quan đến tiền ảo không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý Nhà nước nào, cho nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch của các nhà đầu tư là rất lớn.

Từ việc liên tiếp các vụ lừa đảo quy mô lớn thông qua các sàn giao dịch tiền ảo dưới hình thức đa cấp đã xảy ra nhiều năm nhưng vẫn chưa có quy định cơ quan Nhà nước quản lý lĩnh vực này. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Thứ nhất, tình trạng các vụ lừa đảo tiền ảo lớn thông qua các sàn giao dịch tiền ảo dưới hình thức đa cấp đã diễn ra nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có quy định cơ quan Nhà nước quản lý lĩnh vực này do đây là một hiện tượng xã hội mới, pháp luật Việt Nam lại chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về quản lý, kinh doanh sử dụng tiền ảo. Do đó, khi xảy ra việc lừa đảo từ loại hình đầu tư này, các cơ quan chức năng khó khăn trong việc xử lý đúng người đúng tội. Và thường cũng chỉ xử lý tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời việc chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường cũng rất gian nan vì không phải ai cũng đủ tỉnh táo để lưu giữ lại các bằng chứng.

Thứ hai, đây là một loại hình giao dịch dân sự, người tham gia tự động nộp tiền và tự tham gia trò chơi đầu tư này. Hình thức đầu tư là tự nguyện, thỏa thuận tham gia giữa các bên nên pháp luật khó có thể đưa ra cơ chế kiểm soát, quản lý cũng như các quy định pháp luật cụ thể để không làm ảnh hưởng đến các quyền dân sự của người dân. Đồng thời, do lợi nhuận được các sàn giao dịch cam kết hấp dẫn, cộng thêm phí môi giới hoa hồng cao ngất ngưởng khiến cho rất nhiều người tự nguyện tham gia với mong muốn làm giàu nhanh chóng.

Đánh giá của ông về các văn bản pháp lý trong hoạt động, giao dịch liên quan tiền ảo hiện nay, đặc biệt là những mặt tồn tại, hạn chế?

Hiện nay, đã có một số ghi nhận chính thức về mặt chính sách, pháp luật liên quan đến tiền ảo, bao gồm: Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền ảo; Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác; và Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.

Việc ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến tiền ảo là hết sức cần thiết, song còn tồn tại một số hạn chế. Trước hết, chưa có được một cách hiểu chính thức về tiền ảo trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam. Đây được coi là một rào cản và khó khăn đặt ra khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn. Đồng thời chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định tiền ảo là một loại tài sản. Theo đó, các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp.

Hơn nữa, kinh doanh tiền ảo không nằm trong các ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cấm, cũng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư năm 2020. Trên thực tế, các hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) hoặc các sàn giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra, các chủ thể vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, góp vốn, huy động vốn đầu tư… bằng các đồng tiền ảo. Tuy nhiên, quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, trách nhiệm hoặc các hoạt động hay chế tài liên quan đến tiền ảo hiện nay pháp luật vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Trước thách thức đặt ra, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ và còn tồn tại nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo. Vậy, cơ chế nào để bịt “lỗ hổng” tiền ảo, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ đối với tiền ảo. Do vậy, cơ chế để bịt “lỗ hổng” tiền ảo là sớm xây dựng hoàn thiện pháp luật quy định một khung pháp lý hợp lý, toàn diện điều chỉnh đối với tiền ảo, để bắt kịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, phù hợp với thời kỳ Cách mạng 4.0. Cụ thể: Cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Đồng thời, cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới (sửa đổi Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng bổ sung thêm “các loại tài sản khác do pháp luật quy định”). Từ đó, xác định các quan hệ pháp luật điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời, để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp, kiểm soát được một cách tối đa các hoạt động liên quan đến tiền ảo, Việt Nam chỉ nên công nhận các giao dịch liên quan đến tiền ảo đối với các ví giao dịch được đăng ký và có danh tính. Hơn nữa, trên thực tế, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo đã có được những khoản lợi nhuận khổng lồ, tuy nhiên, chúng ta lại không hề thu được khoản thuế nào bởi Việt Nam chưa có khung pháp luật về tiền ảo. Chính vì vậy, pháp luật về thuế của Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể về sắc thuế và cách tính thuế đối với loại tài sản mới này.

Với sự bùng nổ của các loại tiền ảo hiện nay, ông có lưu ý gì đối với người dân khi tham gia vào các hệ thống giao dịch này nhằm tránh thiệt hại?

Trước tiên, để tránh những thiệt hại không đáng có người dân cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi tham gia đầu tư tiền ảo. Bởi hiện nay có rất nhiều dự án ma mạo danh các sàn giao dịch tiền điện tử sử dụng công nghệ Blockchain để lôi kéo nhà đầu tư. Khi đầu tư vào các dự án này, rủi ro bị mất tiền là rất cao. Ngoài ra, cho đến nay, vẫn chưa rõ ràng về khả năng phát triển trong tương lai của tiền ảo.

Đặc biệt, ở Việt Nam, tiền ảo chưa được pháp luật thừa nhận. Do đó, nếu người dân tham gia vào mua bán tiền ảo trên mạng, rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Người tham gia giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách nhiệm khi giao dịch với tội phạm. Khi tham gia đầu tư vào hệ thống tiền ảo cần chọn cho mình một chiến lược đầu tư phù hợp. Cần biết cách phân bổ nguồn vốn đầu tư cho hợp lý với khả năng kinh tế và hiểu biết của mình.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Nga

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương