Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện quyết liệt để tạo đà bứt phá

(Banker.vn) Thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Đóng góp quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 4, chiều ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Theo đó, góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, ổn định vĩ mô được đảm bảo tốt; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Chẳng hạn, hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19; khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp.

Việc lập và phê duyệt các quy hoạch còn chậm; hiệu quả của liên kết vùng còn thấp; thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm chưa được phát huy, chưa đóng góp nhiều vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Chuyển dịch cơ cấu các ngành theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

“Trước bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đồng thời cho hay, mục tiêu Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững...

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại không gian kinh tế

Đáng chú ý, Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại không gian kinh tế và các ngành, phát triển lực lượng doanh nghiệp trên cơ sở giữ vững ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện đồng bộ thể chế và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Các nhiệm vụ, giải pháp tập trung tận dụng cơ hội, xử lý những vấn đề chiến lược, dài hạn và những yêu cầu mới như nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, nâng cao nội lực, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đồng thời giải quyết những tồn tại, hạn chế, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Thứ nhất, hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu đề ra. Thứ hai, phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Thứ ba, phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ 5, nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 một cách đúng hướng, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,27% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch.

Trong đó có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra, gồm: Quy mô nợ công, quy mô nợ Chính phủ, tỷ trọng lao động nông nghiệp, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng và dư nợ thị trường trái phiếu.

Nhận định việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết, ông Vũ Hồng Thanh thông tin, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025 trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

“Tại mỗi nhiệm vụ đều nêu mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, thể hiện việc nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng và thận trọng từng vấn đề, tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trên thực tế đối với các ngành, lĩnh vực được đề cập” - ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Quỳnh Nga

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương