CNBC: Doanh nghiệp Việt Nam tìm cửa hút vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ

(Banker.vn) Trái ngược với phần còn lại của Đông Nam Á, trong khi chỉ có một số ít doanh nghiệp Indonesia muốn IPO tại Mỹ, còn Thái Lan thậm chí không có cái tên nào, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặt tham vọng “Mỹ tiến”.

Tờ CNBC mới đây đưa tin, một nhóm doanh nghiệp có trụ sở tại châu Á đang dự tính phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ, nơi mà hoạt động niêm yết quốc tế từng chủ yếu được thực hiện bởi các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc.

VinFast – nhà sản xuất ô tô điện tới từ Việt Nam được xem là nhân tố tạo ra bước đột phá mới khi tiến hành niêm yết tại Mỹ hồi tháng 8 vừa qua, thông qua việc sáp nhập với Black Spade Acquisition - một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC).

CNBC: Doanh nghiệp Việt Nam tìm cửa hút vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ
Các doanh nghiệp Việt Nam để mắt tới thị trường IPO của Mỹ

Trong khi đó, “kỳ lân công nghệ” Việt Nam VNG cũng đã nộp hồ sơ niêm yết trên sàn Nasdaq. Không chỉ là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam, VNG chính là “chủ nhân” của hàng loạt sản phẩm công nghệ nổi bật khác như ứng dụng nhắn tin Zalo, nền tảng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 và ví điện tử ZaloPay.

Chia sẻ với CNBC, ông Johan Annell, đối tác của ARC Group có trụ sở tại Bắc Kinh bình luận: “Dường như VinFast đã đưa Việt Nam lên bản đồ”.

“Nó phát đi một thông điệp rằng, bất chấp vấn đề kiểm soát vốn - điều mà tôi cho là “rào cản” chính thức lớn đối với các doanh nghiệp, họ vẫn có thể tiến hành IPO”, ông nói.

VNG từng lưu ý trong bản cáo bạch niêm yết của mình rằng luật pháp Việt Nam không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 49% vốn điều lệ của một doanh nghiệp trong nước, tuỳ vào lĩnh vực kinh doanh. Do đó, VNG đã thực hiện một kế hoạch tái cấu trúc để có thể niêm yết tại Mỹ thông qua công ty mẹ là VNG Limited có trụ sở tại Quần đảo Cayman. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào VNG sẽ tiến hành IPO. Tuy nhiên, như Kinhtechungkhoan.vn từng đưa tin, “kỳ lân công nghệ” đã phải gác lại kế hoạch này do những diễn biến không mấy thuận lợi của thị trường IPO Mỹ.

CNBC cho hay, các công ty tìm kiếm khách hàng IPO tiềm năng trước nhiều năm cho biết họ đang đàm phán với nhiều công ty hơn ở Việt Nam và khu vực lân cận.

Ông Drew Bernstein, đồng chủ tịch công ty kiểm toán MarcumAsia, cũng là nhà tư vấn hàng đầu của Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) cho các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ cho biết, các doanh nghiệp châu Á đang phát triển vượt xa khả năng cấp vốn của thị trường trong nước. Vị này cũng nhấn mạnh, sự phát triển đó, hiện tại “mới ở giai đoạn đầu”.

Ông Bernstein cho biết bản thân đã tham dự các hội nghị đầu tư ở Malaysia và Việt Nam vào cuối tháng 10, nơi nhiều người tham dự chính là những người mà ông đã gặp trong 10 đến 15 năm qua trong vòng IPO Trung Quốc – Mỹ.

Kể từ sự sụp đổ của Didi - ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào mùa hè năm 2021, các quy định cũng như sự trầm lắng của thị trường IPO Mỹ đã trở thành rào cản đối với hầu hết các kế hoạch niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo Renaissance Capital, chỉ có 1 trong số 20 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trong năm nay huy động được hơn 50 triệu USD.

Ông Gary Dvorchak, Giám đốc điều hành The Blueshirt Group – một công ty tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cho hay, Blueshirt đã tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng 4 với sự tham gia của 20 đến 30 doanh nghiệp Việt Nam để bàn về lộ trình IPO tại Hoa Kỳ. Trong đó, có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như thanh toán, trò chơi trực tuyến và thương mại điện tử.

“Điều này đi ngược với phần còn lại của châu Á, khi chỉ có một số doanh nghiệp Indonesia có nhu cầu, còn Thái Lan thậm chí không có một công ty nào. Việc nhiều công ty ở Việt Nam muốn IPO là một điều thực sự có ý nghĩa”, ông Dvorchak chia sẻ với CNBC.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển

CNBC cho biết họ đã liên hệ với khoảng 20 công ty khởi nghiệp có trụ sở chính hoặc văn phòng lớn tại Việt Nam để hỏi về kế hoạch IPO tại Mỹ của họ. Hầu hết những người trả lời đều cho biết việc niêm yết vẫn còn rất xa vời, nhưng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp địa phương trong 15 năm qua.

Ông Nguyễn An Nguyên, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp fintech Trusting Social, có văn phòng đại diện tại Singapore và Việt Nam chia sẻ: “Vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước”.

Vị này cũng nói thêm, hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển đã thu hút nhiều Việt kiều trở về quê hương, trong khi tăng trưởng kinh tế trong nước đã tăng quy mô thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 3,6 lần tính theo đầu người từ năm 2002 đến năm 2022, lên gần 3.700 USD.

ELSA, chủ sở hữu ứng dụng học tiếng Anh dựa trên trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Hoa Kỳ trong khi nhà đồng sáng lập kiêm CEO Văn Đinh Hồng Vũ đến từ Việt Nam. Nữ CEO cho biết, với sự thành công của ứng dụng gọi xe Grab ở Đông Nam Á, ngày càng nhiều công ty Việt Nam bắt đầu nhìn xa hơn thị trường nội địa để hướng tới kinh doanh trong khu vực.

“Đối với ELSA, khi thành lập công ty, khát vọng của chúng tôi luôn là trở thành một doanh nghiệp có dấu ấn toàn cầu và việc IPO tại Mỹ sẽ giúp chúng tôi tạo dấu ấn toàn cầu đó”, CEO của ELSA chia sẻ.

Theo dữ liệu của Renaissance Capital, tính đến ngày 29/11, trong số 103 đợt IPO tại Mỹ trong năm nay, có 10 đợt đến từ các công ty có trụ sở tại Đông Nam Á, chủ yếu là Singapore và Malaysia.

Báo cáo của Renaissance Capital cho biết: “Thật lạ khi có nhiều doanh nghiệp châu Á niêm yết bên ngoài Trung Quốc như vậy. Tuy nhiên, không có thương vụ trong số này có quy mô đáng kể.”

Ông George Chan, trưởng bộ phận IPO toàn cầu tại EY kỳ vọng, “rất nhiều” doanh nghiệp Đông Nam Á sẽ thực hiện IPO trong 12 đến 18 tháng tới và cũng có thể xem xét niêm yết tại Hồng Kông.

Theo đại diện MarcumAsia, ông Bernstein, xu hướng nói trên không thay thế các đợt IPO của Trung Quốc tại Mỹ mà tạo ra những cơ hội mới. MarcumAsia đang mở rộng văn phòng tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Châu và Thượng Hải, đồng thời mở văn phòng tại Hồng Kông vào mùa thu này. Trước đó vào tháng 5/2022, công ty kiểm toán này đã mở văn phòng tại Singapore và hiện chưa có kế hoạch mở văn phòng khác ở Đông Nam Á.

Cuối cùng, thị trường IPO toàn cầu cần phải phục hồi trước khi bất kỳ công ty nào có thể thực hiện các kế hoạch một cách nghiêm túc. Ông Bob McCooey, phó chủ tịch của Nasdaq, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào mùa thu này: “Chắc chắn có một mạng lưới rất lớn doanh nghiệp Đông Nam Á đang nhắm đến thị trường Mỹ”. Vị này cũng nhấn mạnh rằng, với điều kiện thị trường hiện tại, nhiều công ty đang tạm hoãn kế hoạch niêm yết sang nửa đầu năm sau.

Reuters: DN Đông Nam Á "đổ bộ" chứng khoán Mỹ, “lấp đầy” khoảng trống DN Trung Quốc để lại

Theo Reuters, một số doanh nghiệp Đông Nam Á đang cân nhắc tới việc niêm yết tại Mỹ, “trông cậy” vào “khẩu vị” của các ...

Truyền thông quốc tế: Nhiều khả năng VNG phải gác kế hoạch IPO tại Mỹ sang năm 2024

Hôm nay (22/9), truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin “kỳ lân công nghệ” Việt Nam - VNG đã quyết định hoãn kế hoạch ...

Sau VinFast, nhiều doanh nghiệp Việt kỳ vọng IPO trên sàn chứng khoán nước ngoài

Sau sự thành công trên sàn chứng khoán Mỹ của VinFast, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam nuôi kế hoạch niêm yết trên sàn chứng ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán