CLB Luật Chứng khoán VASB "hiến kế" vá lấp những khoảng trống pháp lý trên thị trường chứng khoán

(Banker.vn) CLB Luật Chứng khoán - VASB cho rằng một số chính sách, văn bản pháp luật về chứng khoán khi áp dụng triển khai thực tế đã bộc lộ bất cập và những khoảng trống pháp lý, tác động lớn đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
CLB Luật Chứng khoán VASB
Ban Chủ nhiệm CLB Luật chứng khoán nhiệm kỳ mới (Ảnh: Diệp Quỳnh)

Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm 2023 của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), ông Nguyễn Khắc Thuận - Chủ nhiệm CLB Luật Chứng khoán đã có báo cáo toàn cảnh về chính sách, pháp luật tác động đến thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2023.

Trước tình hình nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp niêm yết có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, thị trường chứng khoán phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế nói chung và thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán nói riêng.

Bước ngoặt để dòng tiền trở lại thị trường bắt đầu từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục hạ lãi suất điều hành. Kể từ tháng 3, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ chính sách thắt chặt tiền tệ, NHNN đã có tới 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Không chỉ vậy, Chính phủ và NHNN còn thực hiện nhiều chính sách khác, tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng như thanh khoản thị trường như Nghị định 08 giúp các doanh nghiệp gia hạn thời hạn trả nợ trái phiếu; Nghị định 10 sửa đổi bổ sung một số thi hành Luật Đất đai; Nghị định 12 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất năm 2023; Nghị định 44 giảm thuế VAT về 8% và Quyết định 500 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII...

Tuy nhiên, theo CLB Luật Chứng khoán, khi áp dụng triển khai trên thực tế, một số chính sách, văn bản pháp luật đã bộc lộ bất cập và những khoảng trống pháp lý, tác động lớn đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ông Nguyễn Khắc Thuận - Chủ nhiệm CLB Luật Chứng khoán cho biết, không thể phủ nhận Nghị định số 13/2023/NĐ-CP (Nghị định 13) về bảo vệ dữ liệu cá nhân là nỗ lực nhằm góp phần xây dựng hành lang pháp lý phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia, hướng đến nhóm mục tiêu an toàn thông tin và phát triển xã hội số toàn diện. Tuy nhiên, Nghị định này vẫn đang tồn tại một số bất cập ảnh hưởng và tác động lớn đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán và gây ra nhiều tranh cãi trong lĩnh vực tài chính.

Theo đó, ông Thuận chỉ ra rằng, do đặc thù của các công ty chứng khoán là hoạt động trên cơ sở tệp dữ liệu lớn về khách hàng với thông tin dữ liệu cá nhân là đa dạng và phức tạp nên việc thiết lập “sự đồng ý” của từng khách hàng là khó có thể thực hiện được.

Thêm vào đó, việc cho phép khách hàng tùy nghi thực hiện quyền “rút lại sự đồng ý” như yêu cầu xóa bỏ thông tin, xóa bỏ giao dịch trên hệ thống... là không thể thực hiện do các dữ liệu này còn phải được lưu trữ hoặc đối soát để phục vụ các công tác điều tra, hoặc quản trị rủi ro của hệ thống.

Ngoài ra, việc áp báo cáo đánh giá hồ sơ tác động gửi tới Cục An ninh mạng A05 đối với toàn bộ các giao dịch liên quan đến dữ liệu cá nhân chuyển ra nước ngoài là bất khả thi và trong một số trường hợp là vi phạm nghĩa vụ tại các thỏa thuận bảo mật thông tin thực hiện ký với khách hàng (trong khi chưa chứng minh được sự kiện vi phạm).

Trong khi NHNN đã ra Nghị định 117/2018 nêu rõ quy định cho các trường hợp cụ thể, để hạn chế sự tác động của Nghị định 13 trong vấn đề bảo mật thông tin tại ngân hàng thì trong lĩnh vực chứng khoán, chưa có một văn bản cụ thể nào nêu rõ vấn đề này.

Do đó, CLB Luật Chứng khoán đề xuất cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan có thẩm quyền nên có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đồng thời hình thành một chuẩn mực thị trường chung về quản lý và sử dụng dữ liệu trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Khoảng trống pháp lý trong các văn bản hướng dẫn

Theo CLB Luật Chứng khoán, trên nền các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn đã được hoàn thiện hóa (Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155 (2020), Nghị định 120, 121 (2020)...) thì văn bản “sát sườn” là Quyết định 87 của UBCKNN hướng dẫn hoạt động giao dịch ký quỹ - hoạt động trọng yếu đối với công ty chứng khoán vẫn chưa được sửa đổi bổ sung.

Trên thực tế, Quyết định số 87 này đang được áp dụng một cách khá “miễn cưỡng” trên hành lang của Luật Chứng khoán 2006, các thông tư nghị định cũ và chưa được cập nhật để phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động dẫn đến lúng túng cho một số công ty chứng khoán trong quá trình áp dụng và thực hiện. Do đó, tại Hội nghị, CLB Luật Chứng khoán kiến nghị Bộ Tài chính – UBCKNN nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn mới cho hoạt động này.

Cũng liên quan đến hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ông Nguyễn Khắc Thuận cho biết, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn hiện chưa có quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với quỹ đầu tư chứng khoán. Điều đó khiến cho các công ty quản lý quỹ rất khó xác định quỹ đầu tư chứng khoán có thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hay không. Mặt khác, quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa có nhiều ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư khi đầu tư vào các quỹ nên chưa thể thu hút được các nhà đầu tư vào các quỹ, số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn nhiều.

Trước thực trạng này, CLB Luật Chứng khoán kiến nghị UBCKNN phối hợp cùng Tổng cục Thuế để sớm có hướng dẫn chi tiết và cụ thể cho các quỹ đầu tư chứng khoán. CLB này cũng nhấn mạnh, bên cạnh đó, các quy định của pháp luật cũng cần điều chỉnh để cung cấp thêm các ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư, cụ thể như đề nghị tăng mức khấu trừ thuế cho cá nhân và doanh nghiệp khi đầu tư vào quỹ hưu trí hay việc giảm thuế khi đầu tư ETF.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thành viên của VASB và trên cương vị Chủ nhiệm CLB Luật Chứng khoán, ông Nguyễn Khắc Thuận bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý sớm xem xét, nghiên cứu để tháo gỡ các “nút thắt” cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Hiệp hội VASB là cầu nối tin cậy giữa các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán và cơ quan quản lý nhà nước

Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai hoạt động ...

Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam làm việc với đoàn công tác UBCK Lào (LSCO)

Ngày 29/6/2023, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) có buổi tiếp đón và ...

Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết

Trải qua hơn 20 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng (từ thị trường cận biên ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán